26/06/2020 22:22 GMT+7

Nhà văn, nhà quản lý muốn vực lại văn học thiếu nhi để ‘trồng người'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hiện nay chúng ta đã đủ ăn nhưng lại rất thiếu tinh thần cảm thông và đức hạnh. Đây chính là lúc mà văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học cho thiếu nhi, rất cần thiết để "trồng người".

Nhà văn, nhà quản lý muốn vực lại văn học thiếu nhi để ‘trồng người - Ảnh 1.

Các nhà văn, nhà quản lý đều đang chung ý chí vực lại văn học thiếu nhi để 'trồng người' - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nêu trăn trở này tại lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025 giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 26-6.

Ông Thiều nói chúng ta đang phải chứng kiến bao chuyện đau lòng do sự suy đồi đạo đức gây ra, trẻ em mỗi ngày một xa rời những điều tốt đẹp. Việc đào tạo, xây dựng con người văn hóa được đặt ra cấp thiết, trước tiên phải là một con người tử tế thì mới có thể tử tế ở vai trò xã hội của mình.

"Chúng ta phải trồng người bắt đầu ngay từ bây giờ, để 10, 20 năm sau, thậm chí là 100 năm sau chúng ta có được những công dân tốt. Mà muốn có được điều này thì văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học dành cho thiếu nhi cần phải được quan tâm phát triển", ông Thiều nói.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ cùng nỗi niềm: "Giáo dục trẻ em hôm nay chính là vẽ ra con đường ngày mai của thế giới. Văn học xây dựng được dáng vóc, tâm hồn của một con người chứ không phải chỉ là cơm gạo, nhà cao cửa rộng".

Đây cũng chính động lực cho quyết tâm phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025 mà Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ký kết.

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hướng Dương - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết theo chương trình này, hai bên sẽ phối hợp từ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, các chương trình, đề án nhằm phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, cho tới những việc cụ thể hơn như tổ chức đặt hàng, tập huấn, đào tạo đội ngũ sáng tác, quản lý, phổ biến tác phẩm chất lượng, cùng nhau xây dựng đề án "Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030".

Đặc biệt là đề án "Trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em". Lần đầu tiên, một giải thưởng văn học nghệ thuật dành cho trẻ em với quy mô quốc gia, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì sẽ được tổ chức.

Ông Trần Hướng Dương còn cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng ấp ủ ý tưởng phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức giải thưởng văn học quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì trao giải.

Liên quan tới những giải pháp thúc đẩy phát triển văn học thiếu nhi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy phát triển văn học thiếu nhi, sau khi có những tiếng nói trên truyền thông phản ánh tình trạng đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng, sách văn học cho thiếu nhi rất mong manh.

​Đoàn Giỏi như mầm đước trong dòng văn học thiếu nhi ​Đoàn Giỏi như mầm đước trong dòng văn học thiếu nhi

TTO - Nhà thơ Cao Xuân Sơn ví von như vậy khi đề cập đến “tuổi đời” của tác phẩm Đất rừng phương nam chiếm trọn cảm tình của nhiều thế hệ bạn đọc thiếu nhi Việt Nam suốt từ năm 1957 đến giờ.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên