Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tin rằng văn hóa về lâu dài "sẽ làm ra tiền" - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Đó là bức tranh u ám của văn học, nghệ thuật nước nhà sau hơn 20 năm xã hội hóa mà các nghệ sĩ, nhà quản lý "vẽ" ra tại hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay, diễn ra ngày 19-12 ở Hà Nội.
Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Bức tranh u ám
GS Phạm Quang Long - nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội - nói sau chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật, nay các rạp chiếu bóng ở Hà Nội trở thành showroom, phòng trà, chỉ còn lại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và rạp Tháng Tám.
Tất cả bãi chiếu bóng thành nơi xây nhà để bán. Hà Tây trước khi sáp nhập về Hà Nội đã bán sạch sẽ các trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tàng.
Ông Long cho biết ông từng thực hiện điều tra 15 nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ở Hà Nội, kết quả cho thấy có gia đình 5 năm không đến nhà hát, 7 năm mỗi năm mua 1,2 cuốn truyện cho con và không hề đi xem các chương trình nghệ thuật.
Ngành điện ảnh vốn được xem là ngành đã xã hội hóa thành công nhất với sự phát triển của các hãng phim tư nhân, mở rộng hệ thống rạp chiếu phim tư nhân và doanh thu phòng vé không ngừng tăng mỗi năm, nhưng hóa ra rất thê thảm trong mắt những người làm nghề.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh bi quan về những gì đang diễn ra và chua chát thốt lên sau hơn 20 năm xã hội hóa, chúng ta chỉ còn lại một "nền điện ảnh thương mại lai căng".
Toàn bộ hoạt động điện ảnh từ sản xuất, phát hành, chiếu bóng đều nằm trong tay tư nhân. Các hãng phim tư nhân, rạp chiếu bóng mọc lên khắp nơi nhưng đó chỉ là "một bức tranh cực kỳ hỗn loạn".
Nhà nước chỉ còn lại chức năng ban hành giấy phép duyệt phim, tổ chức các liên hoan phim, mà chức năng này cũng chẳng được thực hiện tốt. Thế nên các rạp chiếu phim chỉ tràn ngập phim nước ngoài vô thưởng vô phạt, thậm chí tai hại như những con mối gặm nhấm nền tảng đạo đức xã hội.
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đến từ TP.HCM rất đồng cảm với những phát biểu của đạo diễn Đặng Nhật Minh và đánh giá những gì đạo diễn này nói chính là "nỗi day dứt vô cùng với nền điện ảnh".
Lĩnh vực sân khấu, NSƯT Lê Chức hóm hỉnh đầy chua chát ví "sân khấu nay như người ốm nằm khoa hồi sức cấp cứu".
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói sau hơn 20 năm xã hội hóa, chúng ta chỉ còn lại một "nền điện ảnh thương mại lai căng" - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bộ trưởng 5 năm được tặng… 3 tấn sách
Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói sau xã hội hóa, dù chúng ta có nhiều chủ thể văn hóa, nhiều hãng phim, nhiều CLB thơ, nhiều nhà phát hành sách… nhưng chất lượng nghệ thuật lại hoàn toàn không tương xứng với số lượng, rất đáng báo động.
"Chúng ta có hàng nghìn CLB thơ nhưng có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài không? Khó vô cùng! Tôi rất chịu khó đọc thơ của các CLB, nhưng tôi phải thú nhận là không có thơ hay đâu" - nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
TS Nguyễn Anh Vũ - giám đốc Nhà xuất bản Văn Học - nói ngành xuất bản nhiều nơi chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần của một bộ phận độc giả, dẫn đến xuất hiện "hàng chợ" trong đời sống văn học Việt Nam, trong khi những sách để nâng cao dân trí rất thưa thớt. Các nhà xuất bản phải sống bằng việc bán giấy phép xuất bản.
Còn nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin Lê Doãn Hợp khẳng định "không dưới 70% là sách vô bổ". Ông nói ông rất sợ được bạn bè tặng thơ bởi "chưa đọc thơ thì còn quý bạn, đọc xong lại ghét bạn mình".
Ấy vậy mà trong 5 năm làm bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, ông đã được tặng "phải tới 3 tấn sách", trong đó rất ít sách tốt, khiến ông dở khóc dở cười tìm cách xử lý sách tặng.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nói không đòi bao cấp, nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho văn hóa nghệ thuật - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
"Không được soán ngôi của Nhà nước"
Nói về câu phát biểu này, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phân trần: "Tôi nói như vậy các đồng chí đừng hiểu nhầm tôi muốn quay về bao cấp".
Ông khẳng định không muốn xin cơ chế bao cấp văn học, nghệ thuật của Nhà nước, nhưng ông cho rằng dù xã hội hóa thì Nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo, xã hội hóa là đưa văn học, nghệ thuật đi sâu vào đời sống, chứ không phải là đẩy nghệ sĩ đi… "huy động tiền".
Đồng thời dẫn câu nói của một nhà văn hóa Nga để nói về hậu quả của việc nhà nước ít đầu tư cho văn hóa: "Tiết kiệm đầu tư cho văn hóa sẽ phải lãng phí rất lớn để xây các nhà tù".
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự đồng tình với nỗi lòng của các văn nghệ sĩ.
Là người tham gia quá trình xây dựng nghị quyết về xã hội hóa văn học, nghệ thuật, ông khẳng định mục tiêu của nghị quyết là rất đúng và khẳng định xã hội hóa không phải Nhà nước buông bỏ trách nhiệm, mà quan trọng là huy động thêm nguồn lực từ xã hội.
Tuy nhiên, tất cả chính sách ưu đãi, đầu tư cho văn hóa nghệ thuật không được như mong muốn.
"Chúng ta nói văn hóa là nền tảng tinh thần, nhưng nhiều nơi nhiều lúc chúng ta vẫn bị sức ép kinh tế lấn át, bởi văn hóa trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Văn hóa cũng không phải việc cháy nhà chết người nên khó gấp gáp" - Phó thủ tướng giải thích.
Tuy nhiên, với niềm tin sâu sắc rằng về lâu dài "văn hóa sẽ tạo ra tiền", ông mong hội thảo sẽ giúp đánh lên "một tiếng chuông cảnh tỉnh", để xã hội sẽ cùng có sự quan tâm tới văn hóa nghệ thuật nhiều hơn, giống như xã hội đang bắt đầu quan tâm nhiều tới việc bảo vệ môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận