Lễ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ được tổ chức lúc 14h ngày 30-7 đến hết ngày 31-7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế; 3 Phan Bội Châu, P.Vinh Ninh, TP Huế.
"Ba ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Cả nhà mừng cho ba, đó là sự giải thoát cho ông vì tháng 3-2023 ba tôi bị tai biến lần 2 nên mất ý thức. Gia đình dự định tổ chức lễ tưởng nhớ tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế vào ngày 30 và 31-7", chị Dạ Thư, con gái lớn của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Trước đó, vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng từ biệt cuộc đời ngày 6-7, hưởng thọ 75 tuổi.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như Rất nhiều ánh lửa (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981), Ngọn núi ảo ảnh, Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm (tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1999, 2002, 2007).
Ai đã đặt tên cho dòng sông - tập bút ký nổi tiếng nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết đúng vào lúc Huế đang tiết cốc vũ, tháng 1-1981.
Nhà văn Hoàng Thu Phố từng viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Sinh ra ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sớm chọn Huế để gắn bó.
Và chọn sông Hương để viết bút ký thuộc loại hay nhất của đời văn, được trích chọn vào sách giáo khoa, là còn bởi "hình như chỉ sông Hương thuộc về một thành phố duy nhất", và còn "vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi".
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng là tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Năm 2007, Hoàng Phủ Ngọc Tường được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận