20/08/2010 08:39 GMT+7

Bạn đọc đặc biệt Hoàng Phủ Ngọc Tường

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - “...Một mai kia khi tôi không còn có mặt trên đời nữa thì trong niềm tiếc nuối khi ra đi có hình ảnh của báo Tuổi Trẻ...” - Hoàng Phủ Ngọc Tường.

fVU7N7i8.jpgPhóng to
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái) trò chuyện với nhà văn Ngô Thảo, tờ báo Tuổi Trẻ chưa đọc xong vẫn đang để trên giường - Ảnh: Lê Đức Dục

Mấy năm phụ trách văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Huế, cứ rảnh rảnh tôi lại chạy lên căn nhà nhỏ ở hẻm 280 đường Phan Bội Châu, ngược lên cuối dốc Bến Ngự để thăm anh. Dường như chưa bao giờ tôi thấy vắng trên chiếc giường anh nằm bệnh một tờ báo Tuổi Trẻ của ngày hôm đó. Và những câu chuyện với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thường bắt đầu bằng những thông tin thời sự trên những trang báo anh vừa đọc.

Trong đời, tôi chưa thấy bạn đọc nào gắn bó da diết với Tuổi Trẻ như anh. Đằng đẵng 35 năm nay, trong đó có 12 năm (từ 1998) anh bị cơn tai biến khiến phải “dừng bước giang hồ”, không ngược xuôi bôn ba trên những dặm đường thiên lý, nhưng như anh nói, báo Tuổi Trẻ đã thành một “đôi chân” khác đưa anh đến với những chân trời góc bể.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập báo Tuổi Trẻ, trên giường bệnh, anh vẫn viết cho Tuổi Trẻ những dòng đau đáu yêu thương: “30 năm hay dài hơn cũng thế, tôi luôn là người thủy chung gắn bó với các bạn. Cái thuộc tính bầy đàn của con người nơi tôi xác tín điều đó”.

Có lẽ có nhiều người dự lễ kỷ niệm năm năm thành lập báo Tuổi Trẻ (2-9-1980) nhưng ít ai nhớ được chi tiết như anh Tường, một cộng tác viên buổi đầu được mời tham dự, đã nhớ lại: “Hoàn cảnh chung của đất nước lúc ấy rất khó khăn về kinh tế, ít ai vui được. Thế nhưng buổi lễ kỷ niệm ấy gieo vào đầu tôi một ý niệm thế nào là Tuổi Trẻ. Cả hội trường cùng hát chào đón đại biểu bằng bài hát mà tôi còn nhớ những câu: Chiều nay ta đi bắt cá về cho má nấu canh chua...”.

Cái không khí vui tươi giữa hoàn cảnh khó khăn của đất nước ấy đã mang cho anh ý niệm về một không khí đúng chất tuổi trẻ Sài Gòn, để rồi từ đó, dài theo con đường bạn bè với Tuổi Trẻ, anh nhận ra “nơi Tuổi Trẻ có cái khí chất với một chút ngang tàng, luôn chọn cho mình một thái độ quyết liệt tới cùng với những gì tâm huyết, đó là sự tiếp nối truyền thống của tuổi trẻ Sài Gòn trong phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng từng kể về một kỷ niệm “xinh xắn” với báo Tuổi Trẻ nhân dịp 10 năm thành lập (2-9-1985) khi bài hát mà bạn đọc của báo bình chọn “được ưa thích nhất” chính là bài thơ Hoa hồng của anh được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc: “Bài hát ấy điệu tango, một giai điệu ít thấy trong dòng nhạc cách mạng thời bấy giờ. Sự lựa chọn này rất có ý nghĩa vì tờ báo và bạn đọc đã đưa ra một dáng đi mới của nghệ thuật. Ngay từ thời ấy, Tuổi Trẻ đã biết tìm cách đổi mới, ít ra từ góc độ nghệ thuật”.

Không chỉ là một bạn đọc trung thành, anh còn là một cộng tác viên thân thiết. Chỉ trừ hai năm nay vì lý do sức khỏe nên anh thưa viết, còn trước đó, nhất là mỗi dịp làm báo tết, không số báo nào của Tuổi Trẻ lại thiếu vắng một bút ký “hàng độc” với thương hiệu Hoàng Phủ Ngọc Tường mà anh luôn ưu ái dành cho bạn đọc Tuổi Trẻ.

Cách nay tròn ba năm (tháng 9-2007), khi Tuổi Trẻ tăng lên 20 trang, tôi tìm đến anh để nhờ anh viết cho Tuổi Trẻ một vài dòng nhân “sự kiện lịch sử” này của Tuổi Trẻ, không ngờ sáng hôm sau anh gọi điện về văn phòng bảo tôi đến lấy bài. Nói bất ngờ bởi vì từ khi anh ngã bệnh, đặt bài cho anh Tường phải “lập trình” từ trước đó vài tháng, nhưng có lẽ tình yêu quý với Tuổi Trẻ đã khiến anh đọc cho nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, vợ anh, chép lại những nỗi niềm thâm sâu anh dành cho Tuổi Trẻ.

Bài viết của anh có tựa “Cảm ơn tính cúc cung tận tụy của Tuổi Trẻ”. Thật ra có rất nhiều người, những cộng tác viên tâm huyết và tầm vóc đã từng viết về Tuổi Trẻ... nhưng chưa thấy ai nói về Tuổi Trẻ như cái cách anh Tường đã trìu mến: “Theo dõi thường xuyên báo Tuổi Trẻ, tôi lấy làm ngạc nhiên vì tính cúc cung tận tụy nghề nghiệp của tờ báo. Tính cúc cung tận tụy đó khiến tôi đem lòng yêu mến tờ báo...”.

Và tôi thích cái cách anh nói về Tuổi Trẻ trong lẽ vô thường của nhân gian: “Rồi sẽ đến lúc tôi phải gác bút, và một mai kia khi tôi không còn có mặt trên đời nữa thì trong niềm tiếc nuối khi ra đi có hình ảnh của báo Tuổi Trẻ...”.

Với những lời như thế, của một nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho, hẳn những người làm báo Tuổi Trẻ thấy công việc làm báo mỗi ngày luôn là một sức nặng, là áp lực không được phụ lòng bạn đọc, phụ lòng những tri âm đã lựa chọn Tuổi Trẻ như một ký thác tin yêu giữa những chông chênh đời sống mỗi ngày!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên