Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris - Ảnh: REUTERS
Ngày 18-11, bà Harris chính thức nắm quyền tổng tư lệnh nước Mỹ trong khoảng 1 giờ 25 phút khi ông Biden được gây mê để nội soi đại tràng ở Bệnh viện Quân y Walter Reed. Theo báo Guardian, ông Biden rời Nhà Trắng vào trước 9h sáng và nắm quyền trở lại vào trưa cùng ngày.
Như vậy, bà Harris là người phụ nữ đầu tiên làm quyền tổng thống Mỹ, dù trong thời gian ngắn. Trước đó, bà đã là phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ.
"Chúng ta làm nên lịch sử mỗi khi họ làm việc cùng nhau, mỗi khi bà ấy bước ra bên ngoài và phát biểu thay mặt chính phủ với tư cách là phó tổng thống Mỹ.
Nhưng chắc chắn hôm nay là một chương nữa trong lịch sử đó. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ được nhiều phụ nữ, các cô gái trẻ trên khắp cả nước ghi nhận", người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói.
Khi được hỏi về việc phó tổng thống Mỹ nhận nhiều chỉ trích trong thời gian qua, bà Psaki cho rằng một phần trong các công kích nhắm vào bà Harris là sự phân biệt chủng tộc và giới tính.
Việc chuyển giao quyền lực tạm thời như thế này không phải là điều hiếm và đã được thực hiện trong 2 lần gần nhất vào năm 2002 và 2007 dưới thời cựu tổng thống George Bush.
Tuy nhiên, trong thời gian cầm quyền của cựu tổng thống Donald Trump, thư ký báo chí của ông khi đó là Stephanie Grisham nói rằng ông không muốn gây mê trong đợt khám vào năm 2019 vì không muốn giao quyền cho cấp phó Mike Pence.
Sau buổi khám ngày 18-11, bác sĩ Nhà Trắng thông báo ông Biden "vẫn là một người đàn ông 78 tuổi mạnh khỏe, và có đủ sức khỏe để hoàn thành các nhiệm vụ của tổng thống". Vị tổng thống lớn tuổi nhất của Mỹ bước sang tuổi 79 vào ngày 19-11.
Bác sĩ cũng lưu ý về việc ông Biden thường bị ho trong các bài phát biểu và khuyên ông "tập thể dục ít nhất 5 ngày một tuần".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận