Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ chủ tịch - Ảnh: TTXVN
60 năm đã trôi qua, ngôi nhà sàn ấy giờ đây đã trở thành biểu tượng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế.
Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu những câu chuyện cảm động xung quanh ngôi nhà mà Bác đã gắn bó suốt 11 năm cuối đời.
Ngôi nhà đơn sơ
Sau bốn năm Bác sống và làm việc tại ngôi nhà của người phục vụ điện cho Phủ toàn quyền Đông Dương, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc tốt hơn, nhưng Bác đều từ chối vì miền Bắc vừa được giải phóng còn nhiều khó khăn, riêng miền Nam đang tập trung đấu tranh chống Mỹ.
Tháng 3-1958, trong một chuyến thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thấy đời sống nhân dân được nâng lên, đồng bào đã có thêm nhiều nếp nhà mới, Bác rất vui và nói rằng nên làm một ngôi nhà nhỏ bên cạnh bờ ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc.
Sau đó, Bác mời kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đến nói ý định làm nhà sàn để kiến trúc sư thể hiện bản vẽ thiết kế. Bác nói: "Nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho 1 người ở, gỗ làm nhà bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có 2 phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt".
Ngày 17-5-1958, ngôi nhà hoàn thành, đúng dịp sinh nhật Bác. Từ đó, Bác chính thức chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn.
Sau giờ làm việc, Bác Hồ thường chăm sóc cây trong vườn, cá dưới ao. Hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, khác biệt với các công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế, nhà sàn của Bác tại Phủ chủ tịch trở nên hết sức gần gũi và quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là với đồng bào vùng núi phía Bắc.
Ngôi nhà sàn được xây dựng trên khu đất phía sau tòa nhà Phủ chủ tịch, bên cạnh ao cá, giữa một khu vườn cây xanh mát. Nhà được xây dựng bằng loại gỗ thông dụng, lợp mái ngói, xung quanh treo mành. Đặc biệt, quanh nhà sàn được trồng rất nhiều hoa, cây ăn quả và cây bóng mát... gợi nhớ khung cảnh về một làng quê - làng Sen quê Bác.
Nhà sàn gồm ba phòng nhỏ. Phòng làm việc tầng một là nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc và thỉnh thoảng Bác tiếp thân mật một số đoàn khách trong nước và nước ngoài. Tầng trên có hai phòng nhỏ, mỗi phòng chỉ chừng 10m2 đủ chỗ để kê một giường, một bàn, ghế, giá sách, máy chữ...
Nổi bật hơn cả là hàng trăm cuốn sách gồm các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật được viết bằng nhiều thứ tiếng, trong đó rất nhiều cuốn sách có bút tích của các tác giả kính tặng Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Suslov, Leonid Brezhnev ở Crimea ngày 20-8-1959 - Ảnh: RIA Novosti
Một đời thanh bạch
Toàn bộ tài liệu hiện vật, nhà di tích, cảnh quan không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, mà còn cho thấy những phẩm chất cao quý của tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ.
Ngày 17-7-1966, tại ngôi nhà sàn này, Bác Hồ đã ngồi viết lời kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh chống Mỹ xâm lược. Đó chính là thời điểm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt nhất. Và cũng tại nơi đây, Bác đã viết bản Di chúc lịch sử để lại cho đời sau những lời căn dặn tâm huyết của mình.
Với những gì đã "chứng kiến", những gì đang được lưu giữ và trưng bày tại di tích nhà sàn, có thể nói nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là di sản về cuộc sống sinh hoạt của Người trong những năm tháng sống cuối đời, mà còn thể hiện được tư tưởng, đạo đức và những phẩm chất cách mạng của một con người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị, hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Nhà sàn đơn sơ của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận