07/03/2021 11:23 GMT+7

Nhà ngoại giao kể chuyện bình đẳng giới

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Hôm 5-3, tổng lãnh sự các lãnh sự quán Hà Lan, Úc, Đức, Mỹ và bà Tôn Nữ Thị Ninh - cựu đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu - kể những câu chuyện về bình đẳng giới trong nghề ngoại giao mà chính họ đã trải qua.

Nhà ngoại giao kể chuyện bình đẳng giới - Ảnh 1.

Buổi thảo luận bàn tròn về bình đẳng giới tại Trung tâm Mỹ ngày 5-3 - Ảnh: HỒNG VÂN

"Mỗi người đàn ông cần làm một người cha tốt, dành thời gian chơi và chăm sóc con, nghỉ phép chăm con chứ không chỉ là người mang tiền về nhà. Khi người chồng chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái, phụ nữ sẽ có cơ hội tốt hơn với công việc.

Tổng lãnh sự Đức Josefine Wallat

Một trong những câu nói được lặp lại nhiều lần trong buổi thảo luận là: "Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có một người phụ nữ mạnh mẽ". Vì sao lại như vậy?

Phụ nữ cần nam giới chia sẻ

Bà Josefine Wallat, tổng lãnh sự Đức, cho rằng người phụ nữ đã lùi lại phía sau để chồng mình có không gian, năng lượng làm việc xã hội. Trong rất nhiều trường hợp, những người phụ nữ này đã chăm sóc con cái, quán xuyến việc gia đình, là hậu phương để chồng mình tập trung cho sự nghiệp.

Giả sử phụ nữ có sự hỗ trợ này, chắc chắn họ cũng sẽ làm tốt và thành công với lựa chọn nghề nghiệp của mình, vì như bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ: ngày nay phụ nữ đã không cần phải chứng minh họ có khả năng, vì năng lực của phụ nữ là không có gì phải nghi ngờ.

Bà Josefine chia sẻ mình là người may mắn vì có chồng giúp chăm sóc con cái, việc nhà để mình toàn tâm công việc. Bà xem sự giúp đỡ đó là vô cùng đáng quý vì hiểu rằng sự thay đổi vai trò truyền thống giữa nam và nữ vẫn luôn rất khó khăn.

Trong nghề ngoại giao, các vị trí cấp cao phải luân chuyển sang một nước khác sau mỗi 3-4 năm. Điều này khiến cho vợ/chồng của nhà ngoại giao càng khó khăn hơn khi phải luôn tìm một sự khởi đầu mới ở một đất nước mới.

Tổng lãnh sự Úc Julianne Cowley cho biết khi làm việc tại TP.HCM, bà và chồng chia sẻ 50% việc nhà cũng như chăm sóc 3 con nhỏ và họ luân phiên với nhau trong nhiều trường hợp. Vì sự hỗ trợ qua lại này, bà có thể làm việc của tổng lãnh sự còn chồng vẫn có thể học tiến sĩ. Theo bà Julianne, khi nam giới sẵn sàng định nghĩa lại vai trò của mình trong gia đình, những công việc và giá trị họ mang lại là rất lớn.

Thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới. Chẳng hạn trong các cơ quan ngoại giao ở Mỹ, thời điểm bắt đầu sự nghiệp, tỉ lệ nam nữ thường cân bằng. Tuy nhiên, điều khiến tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour trăn trở là theo thời gian, với các vị trí cấp cao trong ngành ngoại giao, do yêu cầu công tác ở nước ngoài, nhiều phụ nữ đã quyết định từ bỏ sự nghiệp. 

Bà Marie cho biết chúng ta cần đặt câu hỏi có điều gì, về thể chế hoặc văn hóa, đã làm cho việc lựa chọn sự nghiệp càng khó khăn hơn với phụ nữ theo thời gian và giải quyết nó.

Thay đổi nhiều nhưng chưa đủ

Tổng lãnh sự Đức chia sẻ kinh nghiệm về việc đảm bảo cân bằng giới trong các nhóm có quyền ra quyết định ở Đức để tránh những sự thiên lệch mà chúng ta không tự biết. Bà ví dụ: khi phỏng vấn tuyển dụng, nữ thường có xu hướng chọn ứng viên nữ và nam cũng có xu hướng chọn ứng viên nam. Do đó, những nhóm có quyền ra quyết định cần có sự cân bằng của các đại diện nam và nữ một cách thực chất. 

Bà Josefine cũng cho rằng những thay đổi mạnh mẽ về văn hóa xã hội thúc đẩy bình đẳng giới. Chẳng hạn, đánh giá người lao động dựa vào hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho người lao động, trong đó có phụ nữ được đánh giá tốt hơn. 

Tổng lãnh sự Mỹ Marie cũng đồng ý với điều này. Bà xác nhận về mặt văn hóa xã hội, còn rất nhiều rào cản với phụ nữ như việc đánh giá họ qua độ dài ngắn của trang phục hoặc vai trò truyền thống. Hình ảnh bé gái, người phụ nữ phải làm tất cả (việc nhà) và bé trai, nam giới không phụ giúp vẫn phổ biến đến mức đáng quan ngại. 

Theo các vị khách mời, những quan niệm cũ này khó thay đổi nhưng một khi thay đổi được thì là sự thay đổi bền vững.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh đồng ý với nhận định này và cho biết nó cũng đúng với phụ nữ Việt Nam - những người chịu nhiều bất công về bình đẳng giới và xuất phát ở vạch âm so với nam giới. 

Bà Ninh cho biết để thay đổi thực trạng xuất phát điểm âm này thì cần ba điều kiện. Một là, phụ nữ cần có quyết tâm và tham vọng thành công. Hai là, nam giới cần cổ vũ và hoan nghênh nữ giới có năng lực vào các lĩnh vực, ngành nghề. Cuối cùng là chính sách tạo điều kiện thích hợp cho nữ giới; chẳng hạn trong tuyển dụng, nếu có 2 ứng viên nam và nữ cùng đáp ứng các tiêu chí thì ưu tiên chọn người nữ vì lịch sử bất bình đẳng giới họ phải trải qua.

Tổng lãnh sự Hà Lan, ông Carel Richter, cho biết điều bà Ninh nêu ra được thực hiện ở cơ quan của ông, nơi phụ nữ chiếm đại đa số với 90%.

"Cháu không thể làm ngoại giao vì là phụ nữ"

Năm 1929, có một nữ sinh đại học trẻ, thông minh trên đảo Rhode Island (Mỹ) rất thích tìm hiểu về quan hệ quốc tế và chính trị. Cô mơ ước trở thành một nhà ngoại giao. Một ngày nọ, có một vị đại sứ đến trường diễn thuyết. Vì là sinh viên tiêu biểu, cô được giao nhiệm vụ dắt ông đi thăm trường.

Nữ sinh đó chia sẻ với vị đại sứ về mơ ước trở thành nhà ngoại giao nhưng trong sự bất ngờ của cô, ông lắc đầu: "Cháu không thể làm nhà ngoại giao. Cháu là phụ nữ, hãy tìm công việc khác".

"Nữ sinh đó đã không thể thực hiện ước mơ của mình và đó là bà tôi. Bà đã truyền cảm hứng cho tôi trở thành viên chức chuyên nghiệp trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ năm 1993" - tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour chia sẻ câu chuyện đời mình.

'Bình đẳng giới để đưa nam - nữ xích lại gần nhau hơn'

TTO - Anh Nguyễn Đình Thành, đại diện một công ty truyền thông, chia sẻ đàn ông Việt Nam cũng đang chịu sức ép rất lớn, vì "đàn ông không được khóc", phải thành đạt.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên