Bà Nguyễn Thị Kim Hồng cùng các cựu thanh niên xung phong xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh ghi sổ tang - Ảnh: H.ĐÔNG
Trong đoàn người tới viếng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tại Hội trường Thống Nhất, có người thân quen, có người chưa từng có dịp gặp, nhưng dường như họ đều mang theo những mối ân tình riêng với vị lãnh đạo mà mình yêu mến.
Len lỏi giữa những đoàn người, bà Nguyễn Thị Thục (78 tuổi, nhà ở Q.3, TP.HCM) dõi mắt tìm người quen, nhưng còn sớm quá nên chưa thấy ai.
Bà nói mình là người lớn lên ở làng Nhót - tức làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đang điều trị ở bệnh viện, bà một mình đón taxi đến thắp nhang cho ông. Trong cảm nhận của bà, ông là người giản dị gần gũi, hết lòng vì nước.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Châu (con trai luật sư Nguyễn Hữu Thọ) luôn coi ông Đỗ Mười như ân nhân. Ông Châu kể hồi những năm 1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị thực dân Pháp đưa đi quản thúc tại Hải Phòng, với ý định sẽ thủ tiêu ông.
Khi đó, ông Đỗ Mười là bí thư Khu ủy khu tả ngạn sông Hồng, phụ trách Hải Phòng đã bảo vệ an toàn cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giúp ông sống sót trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 2005, khi đã gần 90 tuổi, ông Đỗ Mười vẫn bay từ Hà Nội vào để dự lễ khánh thành nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Long An. Việc này khiến gia đình ông Châu cảm kích, luôn coi ông Đỗ Mười là nhà lãnh đạo thủy chung, trọn nghĩa trọn tình.
Từ Tây Ninh, nhóm cựu thanh niên xung phong xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành đã thuê xe đi từ 5h sáng, hơn 9h mới tới nơi.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, 68 tuổi, nói nghe tin về lễ tang nguyên Tổng bí thư ở TP.HCM, mọi người trong hội bàn nhau đi, nhưng "tại quê đang vụ ớt, vụ mì, bận lắm mà gọi gấp quá không đi được đông". Nhóm đồng đội cao tuổi của bà đi được tám người và ai cũng mệt lả vì say xe.
Bà Hồng kể lại rằng hồi bà đi thanh niên xung phong ở Cai Lậy (Tiền Giang) đã nghe tiếng ông Đỗ Mười. Những năm sau chiến tranh, đất nước trải qua khó khăn, rồi đổi mới, bà được biết nhiều hơn đến người lãnh đạo luôn hết lòng vì dân, đưa đất nước qua những ngày khó khăn.
"Tui chỉ là người dân bình thường. Bây giờ tui cũng không nhớ được hồi ấy đã nghe và thấy những gì, điều duy nhất tui còn giữ tới tận bây giờ là tình cảm quý trọng thương mến ông..." - bà Hồng tâm sự.
Nhật Bản luôn ghi nhớ sự đóng góp của ngài trong việc đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước chúng ta
Ông Junichi Kawaue (tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận