06/10/2018 09:36 GMT+7

Căn nhà đơn sơ ấm áp tình quê của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Biết tin nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần, ngày nào ở căn nhà đơn sơ nằm sâu trong làng Đông Phù, xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng có hơn chục đoàn khách đến đây bái vọng.

Căn nhà đơn sơ ấm áp tình quê của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - Ảnh 1.

Căn nhà đơn sơ gắn với những năm tháng tuổi thơ của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - Ảnh: VŨ TUẤN

Căn nhà này gắn liền với tuổi thơ nguyên Tổng bí thư, giản dị, ấm cúng và đầy kỷ niệm của ông với gia đình.

Căn nhà 3 gian, 2 chái cũ kỹ ở quê nhà Thanh Trì vẫn đơn sơ, ấm tình làng quê như ngày nào. Khoảng sân lát gạch đỏ Bát Tràng mới được dựng thêm căn rạp, kê dăm bộ bàn ghế để khách đến bái vọng có chỗ nghỉ chân.

Người nhà, hàng xóm cắt cử nhau tiếp nước, đón khách. Trên bàn lúc nào cũng có một ấm nước vối như mọi nhà trong làng.

Chúng tôi tự hào vì tấm gương giản dị, liêm khiết của cụ Mười. Đó là những điều mà chúng tôi phải học và giáo dục cho con cháu

Người làng Đông Phù

Bên mái hiên đầy kỷ niệm

Hay tin nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười mất, ông Đậu Quang Đệ lặn lội từ Hương Sơn, Hà Tĩnh đến đây thắp nén nhang.

Ngôi làng ông Đệ là nơi ông Đỗ Mười đã sống, trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn dầu bí mật qua con sông Ngàn Phố để chi viện cho chiến trường miền Nam những năm 1968 - 1973.

Ông Đỗ Mười khi ấy là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Xây dựng, phó chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến trung ương và chống phong tỏa cảng Hải Phòng.

Ông Đệ nhớ rõ có lần đang trong bữa cơm, một chiến sĩ bị đau bụng dữ dội. Ông Đỗ Mười buông đũa, chạy đến hỏi thăm rồi chỉ đạo mọi người đưa chiến sĩ đó đi cấp cứu. Người dân Hương Sơn không thể nào quên hình ảnh cán bộ cùng ăn, cùng ở với dân.

"Ngày ấy lương thực thiếu thốn, thỉnh thoảng được chi viện mới có vài bữa được ăn cơm. Cụ Mười với dân quân, bộ đội chia nhau từng củ khoai, lọ muối" - ông Đệ kể.

Ông Phạm Tuấn, năm nay đã 73 tuổi, người làng Đông Phù, tay run run cầm chén nước vối nhớ lại: căn nhà này trước đây có 5 gian, 2 chái, chịu mưa nắng lâu ngày nên bị xuống cấp. Con cháu cụ Mười định phá đi, xây lại cho kiên cố nhưng cụ không cho. Vì thế khi sửa lại thì rút lại còn 3 gian, 2 chái.

Khoảnh sân, gian bếp vẫn như xưa. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì sang trọng, gian chính kê 1 ban thờ được đặt trên một chiếc tủ cũ bằng gỗ, hai bên cột treo câu đối của giáo sư Vũ Khiêu "Quốc thái dân an lôi công đức/ Phượng vũ long phi bái tiền đường" (tạm hiểu: Vang tiếng công đức giúp đất nước thái bình, nhân dân no ấm/ Con rồng cháu tiên vẻ vang hướng về tổ tiên, nguồn cội).

"Đừng xây lại, lãng phí lắm!"

Theo ông Nguyễn Duy Yên, cháu gọi nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là bác, sở dĩ nhiều lần con cháu trong dòng họ muốn sửa ngôi nhà nhưng ông Đỗ Mười không đồng ý là vì ông nói nên giữ lại nguyên trạng vì đây là kỷ niệm.

Mái nhà lợp bằng tấm fibro ximăng cho nhẹ, vì kèo đã cũ không thể chịu được sức nặng của những vật liệu nặng hơn. Bức tường cũng được ốp nhựa để tránh ẩm mốc.

Có thời gian ngôi nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, sắp đổ. Một đơn vị đề nghị được xây giúp nhưng ông nhất quyết từ chối: "Nhà còn ở được thì đừng xây lại, lãng phí lắm!".

Chiều xuống. Người đến bái vọng đông hơn. Người làng Đông Phù cùng đến giúp đỡ gia đình có người mất như phong tục của làng.

Ông trưởng thôn 3 (Đông Phù) bảo không chỉ người dân trong làng mà cả xã Đông Mỹ đều tự hào về mảnh đất đã sinh ra một con người như ông (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười).

"Chúng tôi tự hào không chỉ vì được sống trên quê hương của một người đã giữ chức vụ cao nhất trong Đảng mà hơn thế, chúng tôi tự hào vì tấm gương giản dị, liêm khiết của cụ Mười. Đó là những điều mà chúng tôi phải học và giáo dục cho con cháu".

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên