“Đồng chí Đỗ Mười là người luôn sát dân, sát cơ sở. Tháng 3-1989, khi biết tin Hợp tác xã nông nghiệp Duy Sơn II, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng làm được thủy điện với công suất nhỏ (0,4MW) vào thời điểm đất nước đang thiếu điện, đồng chí đã đến tận nơi, ra tận công trường nơi núi cao để thăm hỏi, động viên người lao động và bàn cơ chế hỗ trợ" - Ảnh tư liệu
Tổng bí thư Đỗ Mười là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, suốt đời tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đồng chí Đỗ Mười đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thách thức lịch sử: đổi mới hay là chết?
Sau chiến thắng mùa xuân 1975, cả nước thống nhất, cùng với niềm vui khải hoàn dân tộc là những khó khăn bộn bề sau cuộc chiến.
Tiếp đó là hệ quả nặng nề của cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền (tháng 10-1985); những bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội, trong chính sách đối ngoại... tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Tình hình đất nước đặt ra cho những người cộng sản Việt Nam phải giải quyết thách thức của lịch sử: "Đổi mới hay là chết".
Trên cương vị chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 9-1988 đến tháng 6-1991), đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị - đứng đầu là cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, xây dựng đường lối đổi mới, đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt: chống lạm phát, xóa bỏ bao cấp về kinh doanh lương thực, xuất khẩu, chính sách thuế, thay đổi giá và tỉ giá hối đoái, tính lại tiền lương, quy định lãi suất ngân hàng...
Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Đỗ Mười lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiệm vụ chống lạm phát, tăng cường sản xuất và khai thác mọi nguồn hàng phục vụ tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân; từng bước đổi mới cơ chế kế hoạch hóa, tạo quyền chủ động cho các cơ sở sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, đi dần vào hạch toán kinh doanh, gắn sản xuất với thị trường; điều hòa cung cầu ở tầm vĩ mô.
Để chống lạm phát, có nhiều ý kiến đưa ra để Chính phủ xem xét, áp dụng. Theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán, phải có 3 tỉ đôla mới giải quyết được lạm phát. 3 tỉ đôla lúc bấy giờ chúng ta lấy đâu ra?
Đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo: Chỉ có biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích, để tạo ra những tiềm năng mới, đó cũng là tư tưởng của Bác Hồ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Hội đồng Bộ trưởng đi đến thống nhất mấy vấn đề cần phải tập trung giải quyết và báo cáo Bộ Chính trị:
Trước hết, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm và dồn trọng tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán hộ. Kết quả làm cho sản xuất bung ra, giải quyết được căn bản vấn đề lương thực.
Hai là, khai thác mọi nguồn hàng trong nước và ngoài nước. Một giải pháp tình thế lúc bấy giờ là, ai ra nước ngoài thì khuyến khích mang hàng về. Nhà nước không đánh thuế. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng về rất nhiều, phần nào đáp ứng được yêu cầu bức thiết trong sinh hoạt của nhân dân.
Ba là, để thu hút tiền ở trong dân, Chính phủ chủ trương nâng lãi suất tiết kiệm từ 3% lên 9%, ngang với mức giá của hàng hóa; ai gửi ba tháng thì thêm 3% nữa là 12%. Do có chính sách khuyến khích tiền gửi, nhân dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng, tạo ra nguồn vốn phục vụ sản xuất.
Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số: 774% năm 1986, giảm xuống còn hai con số: 34% năm 1989; đến năm 1992 chỉ còn 14%.
Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tổ chức lễ viếng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - Ảnh: TTXVN
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với các nước
Tháng 6-1991, khi đồng chí Đỗ Mười được bầu làm tổng bí thư của Đảng, cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động, sụt giảm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền chống phá, ảnh hưởng bất lợi đến nước ta.
Trên cương vị tổng bí thư, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo giữ vững ổn định chính trị, kiên định lập trường tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiên quyết đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chủ động gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế.
Sau sự kiện bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ngày 11-7-1995, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu việc nước ta đã phá vỡ hoàn toàn thế bị bao vây, cấm vận.
Từ đây, đất nước có điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài trong công cuộc chấn hưng đất nước.
Quan điểm chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười: "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới" đã được triển khai bằng những hoạt động tích cực, sôi động trên lĩnh vực ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, đưa lại hiệu quả to lớn cho đất nước.
Không chỉ phá vỡ thế bao vây cấm vận, mà Việt Nam còn thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác với các đối tác trên cơ sở song phương và đa phương.
Đó là thắng lợi hết sức quan trọng trên mặt trận ngoại giao, tạo tiền đề cho sự hợp tác toàn diện của đất nước ta với cộng đồng quốc tế, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Tổ quốc lên trên hết, trước hết
Gần hai khóa làm tổng bí thư, đồng chí Đỗ Mười cùng tập thể Bộ Chính trị giữ vững vai trò cầm quyền của Đảng trong lãnh đạo, điều hành đất nước.
Nhiều đề xuất của cá nhân đồng chí như việc triển khai xây dựng "Quy chế dân chủ ở cơ sở"; "Phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng"... đều xuất phát từ thực tế khi đồng chí tiếp xúc với đồng bào, đồng chí hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài; xuất phát từ nhiệt huyết, trí tuệ và tấm lòng vì nước, vì dân, những sáng kiến đó được nhân dân và bè bạn mãi mãi ghi nhớ.
Trong suốt cuộc đời hoạt động và cống hiến cho Đảng, cho dân, đồng chí luôn thể hiện là người của hành động, luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, những nơi khó khăn ác liệt nhất, mạnh dạn, táo bạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết.
Suy nghĩ và việc làm của đồng chí luôn thể hiện sự trăn trở của một công dân, của một nhà lãnh đạo, người đứng đầu của Đảng đối với sự nghiệp của đất nước, kể cả khi đã nghỉ hưu, sức khỏe đã yếu.
Đồng chí Đỗ Mười luôn day dứt về nguy cơ tụt hậu của đất nước; về sự tăng trưởng dưới tiềm năng và vấn đề tận dụng cơ hội để bứt phá. Với tầm nhìn xa, tư tưởng nhân văn, đoàn kết, hòa hợp để chủ động khép lại quá khứ chiến tranh và hướng tới tương lai.
Đó là tầm nhìn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đòi hỏi ý thức, cách làm của mỗi người phải tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, nhân cách và phong cách của người cộng sản chân chính với nhận thức rõ về kết hợp sức mạnh của thời đại và dân tộc.
Theo đồng chí Đỗ Mười, đổi mới là sáng tạo, là biết khai thác, phát huy thế mạnh của đất nước, dân tộc, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, vượt qua những trở lực về tư duy cũ kỹ, lạc hậu và phong cách lãnh đạo quan liêu, đem lại chất lượng cao cho công cuộc đổi mới và chủ nghĩa xã hội.
Tấm gương cống hiến và hi sinh hết mình cho đất nước, cho nhân dân của đồng chí Đỗ Mười mãi mãi sáng ngời. Tên tuổi của đồng chí đã và sẽ trở thành tượng đài sống mãi trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam.
NGUYỄN XUÂN PHÚC
(Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ)
Xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ
Cùng với chống lạm phát, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đề nghị Bộ Chính trị và trung ương đồng ý chủ trương xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá...
Đó là những vấn đề quan trọng, là cơ sở thực tiễn để Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000).
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và ông Phan Trọng Kính - Ảnh tư liệu
Bình dị và tận tụy
Công nghiệp hóa đất nước là trăn trở, ray rứt suốt đời của ông Đỗ Mười. Từ khi làm phó thủ tướng đến làm tổng bí thư, ông chăm lo cho công nghiệp hóa rất nhiều, ông chăm lo xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, từ Nam (Sông Hinh, Trị An, Thạch Nham) ra Bắc (Sông Đà), rồi thuận cho xây dựng đường dây 500kV để tải điện từ Bắc vào Nam.
Ông Mười và ông Võ Văn Kiệt đã cùng nhau điện khí hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Có một lần ông Đỗ Mười sang Hàn Quốc. Tập đoàn LG biết ông là người rất quan tâm tới giáo dục - đào tạo, nhất là với các cháu khuyết tật, nên tặng cho ông Đỗ Mười 1 triệu USD để lo cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Một tháng sau, họ chuyển tiền về, ông Đỗ Mười đã giao cho Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Khoa giáo trung ương chia 1 triệu USD thành 4 phần: 3 phần cho 3 miền Bắc, Trung, Nam và 1 phần cho Đại học Sư phạm Hà Nội để mở một lớp đào tạo các cô giáo dạy các cháu khuyết tật.
Ngôi nhà của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười ở số 11 Phạm Đình Hổ gọi là biệt thự nhưng khá nhỏ. Tầng 1 chỉ đủ cho 1 phòng khách, 1 phòng đọc sách và 1 nhà bếp, tầng 2 có 3 buồng ngủ. Trong nhà đồ đạc rất giản dị, giường, tủ gỗ của cơ quan cấp cho.
Ông Đỗ Mười có tinh thần tự học rất cao, đi đâu cũng có một cuốn sách bỏ túi. Ngồi nghỉ là giở ra đọc. Cho nên đến bây giờ sách vở của ông nhiều lắm. Ông có riêng một thư viện gần 1 vạn cuốn sách. Ông đọc nhiều sách lắm.
Ông PHAN TRỌNG KÍNH
(người từng là thư ký, rồi trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong gần 50 năm)
TS Lê Đăng Doanh
Người của hành động và cải cách
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã lãnh đạo đất nước vượt qua những thử thách khắc nghiệt, thực hiện những bước chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, từng bước hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.
Khi ông Đỗ Mười nhận nhiệm vụ chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nền kinh tế VN đang theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp, phải đối mặt với lạm phát phi mã (700-800%/năm). Từ năm 1989 viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa đã giảm sút nhanh chóng và đã đột ngột chấm dứt với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1990.
Chính trong thời khắc vô cùng khó khăn đó, ông Đỗ Mười đã có những quyết định rất táo bạo: nâng lãi suất tiết kiệm ngân hàng lên mức 12%/tháng, cao hơn chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng, nhờ đó, thu hút khối lượng lớn tiền nhàn rỗi trong dân vào ngân hàng, ổn định giá cả, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, ngăn chặn nạn đầu cơ hàng hóa.
Chế độ phân phối định lượng gạo, thịt và nhu yếu phẩm theo tem phiếu tại các thành phố được bãi bỏ, cho phép tư nhân tham gia kinh doanh lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chỉ thị khoán 10 của Ban Bí thư đối với nông dân cùng với tự do hóa thị trường nông sản tạo ra động lực mạnh mẽ đối với nông dân, biến VN từ một nước mỗi năm phải nhập khẩu cả triệu tấn ngũ cốc, người dân thành phố phải ăn bo bo, trở thành một nước xuất khẩu gạo.
Các biện pháp cải cách chính sách tiền tệ, điều chỉnh tỉ giá, cải cách hệ thống ngân hàng, chấp nhận ngân hàng thương mại tư nhân và nước ngoài hoạt động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TS LÊ ĐĂNG DOANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận