19/09/2016 12:00 GMT+7

Nhà khoa học ở đâu?

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Mua rau muống chẻ nhưng không có hàng vì người mua tẩy chay rau muống chẻ nhúng phẩm nhuộm quần áo. Cho dù biện minh với bất cứ lý do nào thì kiểu làm ăn gian dối đó cũng là lỗi đáng trách.

Vậy là người tiêu dùng thiếu món cần cho bữa ăn, nhiều người sống nhờ cọng rau muống lao đao như người trồng, người vận chuyển, người bán và nhất là những người làm nghề chẻ rau muống thuê, lấy công mưu sinh qua ngày.

Cho dù biện minh với bất cứ lý do nào thì kiểu làm ăn gian dối đó cũng là lỗi đáng trách. Nhưng hình như vấn đề không đơn giản chỉ có thế. Mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền có những khẩu vị khác nhau. Người Việt Nam có những sở thích rất riêng, thích ăn rau muống chẻ, giá sống, măng tươi, chuối chín già, mắm sống...

Oái oăm ở chỗ rau muống chẻ chỉ sau một vài tiếng là bị thâm, trông rất xấu, vậy là phải làm sao cho rau còn xanh tươi, màu sắc bắt mắt mới bán được. Bà con ta tự mày mò chỉ bảo nhau là dùng màu này, chất kia giữ cho nó xanh tươi, lâu ngày được coi là phương thức truyền thống. Bà con ta cũng hồn nhiên bảo rằng lâu nay có thấy ai bị chết vì rau nhúng phẩm màu đâu nên cứ thế mà làm(!?).

Quả thật có những hành vi tích trữ bán hàng rất đáng lên án, phải có những biện pháp chế tài mạnh, thậm chí xử lý vi phạm hình sự như những người bán nội tạng, thịt thối, bơm nước hay chích thuốc tê cho heo, nuôi heo bằng thuốc tăng trọng... Những người này biết rõ mười mươi hành vi phạm pháp và đạo đức kinh doanh thế nào nhưng vẫn cố tình làm nhằm kiếm lời trên sức khỏe và tương lai của đồng bào.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp bà con thiếu hiểu biết và thực sự không biết phải làm sao cho thực phẩm được tươi lâu, bắt mắt. Lên án, cấm đoán, phạt thì dễ rồi, nhưng làm sao để họ vẫn tiếp tục nghề mưu sinh mà thực phẩm được an toàn, bà con vẫn có hàng hóa đáp ứng nhu cầu thường nhật.

Trước tình huống này, người dân có quyền đặt câu hỏi: các nhà khoa học ở đâu, các viện nghiên cứu ở đâu, sao không giúp bà con nông dân khốn khổ tìm ra lối thoát? Ở đất nước này thiếu gì các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học về hóa thực phẩm, sinh học, cơ man nào là các viện nghiên cứu lớn nhỏ, chẳng lẽ với lực lượng hùng hậu nhất Đông Nam Á mà không tìm ra giải pháp giúp bà con nông dân làm sao cho rau muống sau khi chẻ còn tươi, đậu thành cọng giá trắng mập đều mà không độc, chuối không gãy, sầu riêng chín đều, măng có màu đẹp...

Chẳng lẽ các viện nghiên cứu của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ có mỗi chức năng là phát hiện ra độc hại?

Lâu nay chúng ta kêu gọi sự phối kết hợp của các nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học, nhưng thực sự thì nhà khoa học vẫn còn thờ ơ với nhà nông lắm. Lạ một điều là ở đất nước này, các nhà khoa học thích nghiên cứu tầm vĩ mô, chiến lược, định hướng, thích các bài báo có chỉ số quốc tế nhưng ngại nghiên cứu cái gì bé bé cụ thể như kiểu làm sao rau muống giữ được màu sắc đẹp sau khi chẻ, làm sao người khuyết tật có thể đi lên cầu cạn, làm sao du khách có chỗ đi vệ sinh, làm sao nước mưa không tràn vào nhà...

Câu trả lời có lẽ là nghiên cứu cái hoành tráng nó nhiều tiền và oai hơn chăng?

Còn các cơ quan quản lý nhà nước cũng không nên đứng ngoài cuộc để quan sát, phê phán, xử phạt... mà phải thực sự nhảy vào cuộc đặt hàng các nhà khoa học gỡ rối cho bà con xử lý sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, đừng để bà con chới với giữa thị trường đầy rủi ro và đơn độc trong biển cả mênh mông của hội nhập quốc tế.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên