Sân khấu của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (Q.1, TP.HCM) khá nhỏ hẹp, không phù hợp cho các vở có đại cảnh - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Mới đây, nhà hát này lại trình lên Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM 19 hạng mục cần chỉnh sửa.
Trong kết luận thanh tra số 17 về việc xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (Q.1, TP.HCM), Thanh tra TP đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thiết kế.
Tháng 8-2009 dự án Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được chấp thuận tổng mức đầu tư là 59,3 tỉ đồng, bao gồm cả chi phí xây dựng và trang thiết bị. Tuy nhiên, quá trình thi công sau đó nhà hát được điều chỉnh thiết kế thêm hai lần. Điều đáng nói, trong lần điều chỉnh thứ hai vào tháng 6-2012, tổng mức đầu tư cho nhà hát tăng lên khoảng 132,4 tỉ đồng. Việc thay đổi này được thanh tra xác định do thay đổi quy mô dự án, sai sót trong quá trình thực hiện hồ sơ thẩm định, thay đổi bổ sung một số trang thiết bị chuyên dụng và điều chỉnh chi phí nhân công, trượt giá vật liệu... gây lãng phí cho ngân sách. |
Thiếu năng lực, gây lãng phí
Cũng theo kết luận thanh tra, tại thời điểm ban đầu lập dự án, số lượng chỗ ngồi theo thiết kế so với diện tích sử dụng không bảo đảm quy chuẩn cho phép.
Dự án Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có 13 gói thầu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó có 10 gói thầu có giá trị dưới 500 triệu đồng.
Ban quản lý dự án thực hiện hình thức đấu thầu rút gọn, nhưng có 6 gói thầu không thực hiện thương thảo hợp đồng...
Kết luận thanh tra cũng nói rõ về trách nhiệm của các chủ đầu tư.
Cụ thể, nhà hát (từ năm 2008 - 2012) chọn tư vấn không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện, điều chỉnh các nội dung so với thiết kế cơ sở như: lối đi, hành lang, độ dốc khán phòng, chiều cao của các tầng, thay đổi số ghế ngồi, thêm thang máy.
Nhà hát không có năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng, không giám sát đơn vị tư vấn thiết kế.
Tiếp đó, ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (từ năm 2012 đến nay) chưa xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn. Một số hạng mục thiết kế, bố trí như hệ thống âm thanh, ánh sáng... chưa phù hợp với mục đích sử dụng cho loại hình sân khấu cải lương.
Riêng Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM thiếu kiểm tra đôn đốc chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Việc sở giao cho các đơn vị làm chủ đầu tư thiếu năng lực quản lý - từ Ban quản lý xây dựng đầu tư công trình văn hóa thông tin đến Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tiếp đến là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (nay là Sở Văn hóa - thể thao) - dẫn đến thiết kế nhà hát chuyên dụng luôn phải điều chỉnh, thay đổi quy mô làm dự án kéo dài và lãng phí.
Một số sai phạm của các đơn vị tư vấn Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng Nhà Việt N.E.T.C.O.M khảo sát hiện trạng không chính xác, lập báo cáo không phù hợp thực tế làm phải thay đổi phương án thiết kế. Công ty CP tư vấn xây dựng Tổng hợp (Nagecco) tư vấn quản lý dự án nhưng thiếu năng lực, kinh nghiệm, không làm tròn trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Công ty TNHH xây dựng và kiến trúc Miền Nam (ACSA) trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán công trình đã thay đổi so với kết quả thẩm định thiết kế cơ sở và quyết định phê duyệt. Đơn vị thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán công trình là Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn đã không yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý có liên quan. |
“Coi như thua”
Xung quanh câu chuyện trầy trật của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ chia sẻ với Tuổi Trẻ:
“Từ lúc đang làm vở Chiếc áo thiên nga (năm 2008), chúng tôi được mời dự góp ý cho công trình 3 lần, một lần tại rạp Hưng Đạo (nơi được xây thành Trung tâm Nghệ thuật cải lương hiện nay) và 2 lần tại Sở Văn hóa - thể thao.
Lần nào họp cũng rất căng thẳng, quyết liệt. Lần cuối, các nghệ sĩ lớn tuổi tín nhiệm bảo để tôi đi vì họ đồng ý hết với các góp ý của tôi. Khi xem bản vẽ, chúng tôi thấy thiết kế rất xưa, không ra phong cách cải lương.
Chúng tôi đã nói khá nhiều, ngay cả chuyện phòng hóa trang trên lầu không hợp lý, rồi cầu thang xoay gây vướng víu khi mặc trang phục cổ trang... chúng tôi cũng góp ý ngay lúc đó.
Lần họp cuối, khi tôi quyết liệt nêu ý kiến thì một vị bên Sở Xây dựng đã đập bàn bảo rằng thiết kế đã duyệt xong rồi mà tôi nói như phủ nhận hết”.
Đạo diễn Hoa Hạ cũng nhấn mạnh: “Thà các anh chỉnh sửa lại, công trình có chậm 1, 2 năm nhưng bảo đảm, còn cứ cố xây dựng mà không diễn được thì hết sức lãng phí. Và kể từ sau hôm đó thì tôi không còn được mời góp ý cho công trình thêm lần nào nữa!”.
NSƯT Kim Tử Long cũng thẳng thắn góp ý: “Khi Trung tâm Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang đang xây dựng, những người làm nghề chúng tôi thật sự rất vui mừng.
Tôi đã dự tính nhiều chương trình, vở diễn chỉ đợi khi nhà hát hoàn thành sẽ bung ra. Thế nhưng khi bước chân vào nhà hát mới, mọi kế hoạch gần như phá sản.
Sân khấu chính bị hạn chế quá nhiều về chiều sâu, bề rộng. Với sân khấu này chỉ có thể làm vở xã hội đơn thuần, rồi đưa màn hình LED lên thôi.
Còn những vở lớn với cảnh trí hoành tráng là coi như thua, làm live show cá nhân thì càng không thể”.
Nghệ sĩ Kim Tử Long cũng nói thêm: “Có một điều hết sức bất cập là giá thuê rạp mới cao quá. Như ngày 23-7 này tôi sẽ diễn vở Tô Ánh Nguyệt tại đây.
Mỗi suất hát tiền thuê rạp là 15 triệu đồng, tiền tập mỗi buổi bốn tiếng có ưu đãi là 2 triệu đồng/buổi. Mà số ghế chưa được 250 ghế, vé bán trung bình 300.000 đồng/vé.
Ngoài tiền rạp, tôi còn phải chi tiền diễn viên, cảnh trí, màn hình LED, hậu đài... Vậy tiền bán vé sao đủ thu bù chi?
Với vở Tô Ánh Nguyệt, tôi chỉ toàn tập ở nhà để tiết kiệm chi phí. Xong vở này chắc tôi không dám làm thêm vở nào nữa. Nhà nước đang có chủ trương ủng hộ xã hội hóa trong biểu diễn cải lương, mà giá rạp cao vầy ai làm nổi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận