Quyết định của Bộ Tài chính truy thu khoản tiền lên tới 1.900 tỉ đồng từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do hạch toán sai chi phí tài chính, một lần nữa đặt ra yêu cầu ngành điện cần sòng phẳng hơn, thực hiện nghiêm tính minh bạch với người dân về các chi phí giá điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức có phản hồi liên quan đến quyết định truy thu của Bộ Tài chính. Với hai khoản chi phí tài chính được cơ quan này xác định là hạch toán "không đúng quy định", nhà đèn có lý do riêng của mình.
Những lý lẽ đưa ra tưởng chừng như thuyết phục, khi EVN nói việc hạch toán trước thời gian quy định là "sự nỗ lực lớn trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện".
Đúng là nếu như EVN cân đối được tài chính, cơ cấu được các khoản chi phí để có bức tranh kinh doanh "sáng sủa" hơn, đó là tin mừng cho người dân, bởi khi đó sẽ không còn phải nghe điệp khúc "lỗ đòi tăng giá điện".
Nhưng lẽ ra khi hạch toán khoản tiền này trước thời điểm được phê duyệt, ngay sau đó EVN có báo cáo giải trình đến cơ quan chức năng, có kế hoạch, thời gian cụ thể về việc phân bổ khoản chi phí này, Bộ Tài chính cũng không phải đưa ra quyết định truy thu do "hạch toán sai".
Tình hình tài chính của EVN đã tốt lên nhiều, khi những năm gần đây tập đoàn này liên tục báo lãi. Tuy nhiên, phần lớn các khoản lãi đều đến từ những hoạt động sản xuất kinh doanh khác, trong khi mảng kinh doanh điện vẫn bị lỗ.
Đặc biệt, khoản chênh lệch tỉ giá luôn được EVN nhắc đến như một "gánh nặng" lớn, khi lỗ tới cả nghìn tỉ đồng mà chưa được hạch toán đầy đủ vào chi phí giá thành.
Năm 2016, khoản lỗ tỉ giá bị treo lại lên tới trên 9.500 tỉ đồng là một khoản chi phí lớn, mà cả Bộ Công thương và EVN cho rằng cần phải giải quyết. Đó cũng là một phần lý do được EVN đưa ra để đề nghị tăng giá điện 6,08% ngày 1-12.
Nhưng bất ngờ là trong quyết định truy thu của Bộ Tài chính lại nhắc đến một khoản lãi chênh lệch tỉ giá mà nhà đèn "quên" hạch toán lên tới gần 5.000 tỉ đồng.
EVN giải trình rằng việc không đưa vào hạch toán phụ thuộc là do khoản lãi này đến từ Nhiệt điện Nghi Sơn 1, trực thuộc một công ty liên kết của EVN là Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1), nên sẽ được hạch toán độc lập.
Nhưng với những chuyên gia am hiểu ngành điện, lý do này thiếu thuyết phục.
Bởi trong nhiều báo cáo tài chính của EVN, như báo cáo kiểm toán độc lập được EVN công bố công khai trên website cũng như báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2016, đều nêu rõ Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 trực thuộc công ty mẹ EVN, các chi phí của nhà máy này đều hạch toán vào chi phí của EVN.
Dư luận và người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi liệu EVN có đang cố làm cho bức tranh tài chính xấu đi, để đề xuất tăng giá điện được thuyết phục hơn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận