27/04/2021 09:43 GMT+7

Nhà đầu tư hầm Hải Vân gặp 'áp lực tín dụng' nên tăng phí gấp 3 trạm thường, dân 'than trời'

TRƯỜNG TRUNG - NHẬT LINH
TRƯỜNG TRUNG - NHẬT LINH

TTO - Bộ Giao thông vận tải vừa đồng ý mức tăng phí qua trạm thu phí Bắc Hải Vân với giá thu thấp nhất cho một lượt xe là 110.000 đồng từ ngày 1-5. Mức giá này cao hơn gấp 3 lần so với các trạm thông thường. Vì sao?

Nhà đầu tư hầm Hải Vân gặp áp lực tín dụng nên tăng phí gấp 3 trạm thường, dân than trời - Ảnh 1.

Phí qua trạm Bắc Hải Vân tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp vận tải và người dân ‘than trời’ - Ảnh: NHẬT LINH

Phí qua trạm cao hơn tiền xăng

Với việc điều chỉnh lần này, mức thu phí cho một lượt xe là từ 110.000 đến 280.000 đồng tùy loại xe. Nhiều doanh nghiệp vận tải và người dân ‘than trời’ vì tiền phí qua trạm còn cao hơn nhiều so với tiền xăng đi từ Huế vào Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Long, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Thừa Thiên Huế, cho biết chưa được nghe thông báo về việc này. Tuy nhiên, nếu trạm Bắc Hải Vân tăng phí thu như vậy thì quá nhiều vì bình thường giá vé qua trạm này đã cao rồi.

Là người thường xuyên qua lại giữa Huế và Đà Nẵng, anh Quang Tâm (trú phường Vĩnh Ninh, TP Huế) cho biết anh thường chỉ tốn 100.000 đồng đổ xăng. Tuy nhiên cả chặng đường khoảng 100km anh Tâm phải đi qua hai trạm thu phí đường bộ là trạm thu phí Phú Bài với giá vé là 35.000 đồng (thị xã Hương Thủy) và trạm thu phí Bắc Hải Vân (huyện Phú Lộc) với giá vé cũ là 70.000 đồng.

"Nay trạm Bắc Hải Vân tăng giá lên 110.000 đồng tức tổng tiền phí chuyến đi là 145.000 đồng. Cao hơn cả tiền đổ xăng cho xe chạy. Quá tốn kém và bất hợp lý" - anh Tâm nói.

Tại sao lại tăng giá vé trong bối cảnh hiện nay? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Huy, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng Đèo Cả, cho biết đơn vị đang gặp "áp lực tín dụng" và việc điều chỉnh này hoàn toàn nằm trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và Bộ GTVT.

"Đến nay chúng tôi đã hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng với cơ quan nhà nước. Trên cơ sở hợp đồng đã ký và sự chấp thuận của Bộ GTVT, chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá thu để đảm bảo kinh phí vận hành và hoàn vốn.

Hiện nay, các xe có nhiều sự lựa chọn để lưu thông, hoặc trải nghiệm dịch vụ hầm Hải Vân đã được tối ưu, hoặc đi đường đèo không mất phí hoặc di chuyển cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp đi vào vận hành" - ông Huy nói.

Nhà đầu tư hầm Hải Vân gặp áp lực tín dụng nên tăng phí gấp 3 trạm thường, dân than trời - Ảnh 2.

Người dân đi bằng đường bộ có 3 lựa chọn hoặc đi đèo, hầm đường bộ Hải Vân với phí cao hoặc chờ tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đưa vào khai thác - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Phí cao sao không bỏ thu gộp?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Thế, phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết doanh nghiệp này đang đi vay vốn và đối mặt với "áp lực tín dụng".

Ông Thế cho rằng nếu chậm điều chỉnh giá, thậm chí phía đơn vị còn vi phạm các nội dung trong hợp đồng tín dụng. Vì thế doanh nghiệp buộc phải tăng giá vé theo lộ trình của hợp đồng đã ký kết và giá vé tuân thủ theo thông tư 60 của Bộ GTVT đối với công trình hầm đường bộ nhưng ở khung cao nhất.

Ông Thế cho rằng trong lần điều chỉnh trước (năm 2019, thu luôn cho trạm Phước Tượng - Phú Gia) giá tăng nhiều đối với các loại xe 3 - 4 - 5 trong khung giá. Lần này mức thu tăng thêm cao hơn ở các loại xe 1 và 2 trong danh mục.

Điều đáng lưu ý là vào cuối năm 2019, trạm thu phí Bắc Hải Vân tăng phí gần gấp đôi với lý do thu phí "gộp" cho hầm Phước Tượng - Phú Gia.

Với mức giá quá cao cho một lượt xe tại sao không tách trạm để đảm bảo lợi ích của người dân?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy cho biết việc điều chỉnh trước đây là do Bộ GTVT vì khoảng cách giữa 2 trạm chỉ hơn 30km.

"Vừa qua chúng tôi cũng nghĩ đến phương án này nhưng Bộ GTVT là nơi quyết định. Theo chúng tôi biết thì hiện có quy định các trạm thu phí phải đặt cách nhau hơn 50km" - ông Huy giải thích.

Giá vé quá cao tại một trạm gây thiệt thòi và bất công cho những người đi khoảng cách gần. Bởi nếu đối với những ai có nhu cầu đi ôtô 4 chỗ từ quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) ra thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) với quãng đường chỉ hơn 25km này phải chịu mức thu phí gần 5.000 đồng cho mỗi kilômet.

Ông Huy cho biết đơn vị vẫn áp dụng miễn giảm giá cho người dân ở khu vực cách trạm thu từ 5-10km theo quy định. Trong khi đó khoảng cách từ các khu dân cư ở Đà Nẵng đến trạm thu phí ở phía bắc hầm hầu như đã có khoảng cách hơn 15km.

Đồng thời, ông Huy cho rằng không thể so sánh giá thu phí đường bộ thông thường (thường ở mức tối thiểu 35.000 đồng/lượt) với giá qua hầm vì suất đầu tư lớn.

"Hiện nay với việc đưa vào vận hành dự án hầm Hải Vân 2, thời gian qua hầm giảm chỉ còn 6 phút so với 15 phút trước đây. Đó là chưa kể đã giảm được tiếng ồn, khói bụi, đường dẫn cũng thông suốt nên số tiền phí qua trạm phải trả so với đi bằng đường đèo Hải Vân là hợp lý" - ông Huy nói thêm.

Nhà đầu tư hầm Hải Vân gặp áp lực tín dụng nên tăng phí gấp 3 trạm thường, dân than trời - Ảnh 3.

Công trình hầm đường bộ Hải Vân có chiều dài 6,2km - Ảnh: NHẬT LINH

Từ ngày 1-5 tăng phí kịch khung với xe qua hầm Hải Vân Từ ngày 1-5 tăng phí kịch khung với xe qua hầm Hải Vân

TTO - Được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 1-5 mức phí hầm đường bộ Hải Vân được thu qua trạm thu phí Bắc Hải Vân sẽ tăng đến mức tối đa theo lộ trình trong hợp đồng.

TRƯỜNG TRUNG - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên