Nhà nghiên cứu Nhật Vương - Ảnh: NVCC
* Hai chữ ký hoàn toàn khác nhau nhưng lại bị nhầm lẫn trong nhiều năm trời và liên đới một loạt nhà đấu giá nổi tiếng. Theo anh, đây có phải là một điều đáng ngờ?
- Việc nhầm lẫn như vậy một là do họ không có đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu về họa sĩ và tranh Việt Nam, hai là họ biết nhưng cố tình lập lờ.
Chúng ta hẳn đều biết họa sĩ Trần Bình Lộc (1914 - 1941) mất khi còn rất trẻ, vì số lượng tác phẩm hiếm hoi cùng với tài năng nổi bật của mình, tranh của ông có giá rất cao trên thị trường nghệ thuật. Do vậy, có thể họ không tìm ra được tác giả thực sự thì cứ gán cái tên Trần Bình Lộc vào là có thể kiếm lời.
Hơn nữa đây là một lỗi hệ thống, các nhà đấu giá luôn tham khảo nhau nên chỉ cần một bên sai thì sẽ biến thành hiệu ứng domino. Một phần nữa bởi họ không có chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam, không đọc được tiếng Việt thì nghiên cứu truy tìm sao nổi.
* Một số nhà sưu tập lo lắng các nhà đấu giá đang tận dụng cơ hội giá tranh Việt lên cao để đưa tranh kém chất lượng ra thị trường, tạo nên "cơn sốt ảo". Tình trạng này có thực đang xảy ra không?
- Theo tôi là có, tranh xuất hiện trên sàn đấu giá với rất nhiều chất lượng khác nhau và xuất xứ khác nhau. Trách nhiệm của các nhà đấu giá là phải đưa thông tin chính xác và minh bạch.
Đồng thời ngược lại, người sưu tập cũng phải có cho mình vốn kiến thức nhất định về mỹ thuật, khoanh vùng dòng tranh mình tập trung và luôn luôn bổ sung, cập nhật kiến thức thì mới có thể tránh được việc mua phải tranh giả, tranh kém chất lượng.
* Qua những vụ việc vừa rồi, nhà đấu giá quốc tế nên làm gì để cải thiện công tác chuyên môn?
- Các nhà đấu giá quốc tế có nguồn tranh dồi dào và một mặt bằng chất lượng ổn định. Không phải tất cả tranh họ bán ra đều có vấn đề, nhưng khi chưa xác định rõ các thông tin xung quanh tác giả, tác phẩm thì không được đưa lên sàn đấu. Muốn có được lòng tin của người yêu nghệ thuật hay các nhà sưu tập thì chính nhà đấu giá phải có đạo đức trong nghề.
Trường hợp về vụ nhầm lẫn tên ở trên rất tiêu biểu, bởi chữ ký của họa sĩ Trần Tấn Lộc rất rõ ràng nếu người đọc là người biết tiếng Việt, không thể nhầm lẫn được. Nhưng với các nhà đấu giá thì điều tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy lại trở thành một lỗi lớn.
Ngoài ra, tranh của các họa sĩ thời Đông Dương thường kèm cả chữ Hán hoặc chữ Nôm trên tranh, qua đó tiết lộ thông tin rất quan trọng về tác giả tác phẩm. Chữ Nôm rất khó và không phải những người đi học ở trường ra là có thể đọc được, nên việc cần có cố vấn người Việt là rất cần thiết.
Tranh ký tên họa sĩ Trần Tấn Lộc lại bị các nhà đấu giá quốc tế danh tiếng "biến" thành của họa sĩ Trần Bình Lộc. Sự việc hy hữu này đã kéo dài hàng chục năm qua nhưng nay mới bị phát hiện. Đây là dịp để người yêu nghệ thuật có dịp nhìn lại công tác chuyên môn của các nhà đấu giá quốc tế trong giai đoạn tranh Việt Nam ngày càng được chú ý trên thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận