Em Lò Đức Quảng khóc nức nở kể về hoàn cảnh của gia đình - Ảnh: H. Thanh
Thầy cô, bạn bè ở trường thương Lò Đức Quảng (dân tộc Thái, học lớp 6C) nhà nghèo mà ham học. Năm năm học ở Trường Tiểu học Hạnh Sơn (xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn), năm nào Quảng cũng đạt học sinh giỏi.
Lên THCS, Quảng thi vào trường dân tộc nội trú và đỗ ngay. Em ý thức được việc học dân tộc nội trú sẽ giảm bớt phần nào chi phí học hành và tiền sách vở cho bố mẹ.
Em chỉ mong có một căn nhà mới cho bố mẹ bớt khổ."
em Lò Đức Quảng
Xa bố mẹ xuống huyện Văn Chấn học tập, Quảng mếu máo nói thời gian đầu chưa quen cuộc sống tự lập ở trường, em nhớ bố mẹ và khóc nhiều lắm. "Giờ có hơi nhớ nhớ, mỗi lần nhớ quá em lôi sách vở ra học cho khuây khỏa", Quảng tâm sự.
Thế nhưng, đợt lũ kinh hoàng càn quét địa bàn tỉnh Yên Bái hồi tháng 10 vừa qua đã cuốn trôi, làm hư hỏng hàng ngàn nhà cửa của người dân. Ngôi nhà của ông Lò Văn Trường (bố em Quảng) ở thôn Viềng Công, xã Hạnh Sơn cũng bị nước lũ phá tanh bành.
Cả đời làm nương, làm rẫy vất vả mới tích cóp được căn nhà nhỏ, nay nhà mất, tài sản cuốn trôi theo dòng nước lũ, bố mẹ và đứa em út của Quảng phải đi ở nhờ nhà ông bà nội.
Nghe tin gia đình cậu học trò nhỏ lâm cảnh khó khăn, thầy cô giáo Trường dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn phát động buổi sẻ chia, quyên góp, tổng cộng được 4 triệu đồng và gửi đến gia đình một số vật dụng thiết yếu như nồi cơm điện, chăn màn, quần áo.
"Thầy cô đến động viên gia đình sớm vượt qua khó khăn, động viên cho em Quảng tiếp tục đến trường. Quảng ngoan lắm, mới vào trường đầu năm nay nhưng khả năng cao sẽ duy trì được danh hiệu học sinh giỏi", cô Sầm Thị Minh Khuyên, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cô Khuyên nói, điều khiến các thầy cô giáo cảm phục cậu học trò nhỏ là ở sự quyết tâm, tinh thần vượt khó của Quảng. "Quảng nghĩ điều quý giá nhất là cần phải đi học, Quảng trở lại trường và thể hiện rõ quyết tâm đó", cô Khuyên cảm động nói về cậu học trò nhỏ.
Ngồi trầm tư một góc ở sân trường, Lò Đức Quảng nghẹn ngào khi chúng tôi hỏi về chuyện về gia đình. "Em thương bố mẹ lắm, lo bố mẹ không có tiền ăn uống, lo không có tiền học cho đứa út", giọng Quảng chùng xuống rồi bật khóc nức nở, "em sợ bố mẹ không xuống trường thăm em được". Rồi Quảng gạt nước mắt: "Chỉ mong có một căn nhà mới cho bố mẹ bớt khổ".
Cuối tuần qua, hai vợ chồng ông Lò Đức Trường lặn lội xuống trường thăm con trai. Quảng là con trai lớn trong nhà, phải xa nhà sớm nên ông bà lo lắm. Nhưng vợ chồng bấm bụng, nén nỗi nhớ để cho con học lấy cái chữ, học thành người.
Ông bà xuống trường mang theo bao tải bắp, gọi là có chút quà nhỏ cảm ơn các thầy cô giáo đã dạy chữ cho Quảng, đến thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua mất mát sau lũ.
Chỉ vào nồi bắp vừa luộc lên thơm phưng phức, cô Khuyên nghẹn giọng: "Thầy cô nhận mà rưng rưng vì gia đình người ta chịu thiệt hại nặng vậy rồi, nhưng người dân bản nặng cái tình lắm, họ luôn nghĩ phải làm cái gì đó để thể hiện tấm lòng cảm ơn các thầy cô".
"Bố dặn em phải học tốt ở đây, em hứa sẽ chăm chỉ học và ngoan ngoãn nghe lời thầy cô. Em thích học nhất môn Toán, mong sau này trở thành bác sĩ giỏi" - Quảng bày tỏ quyết tâm.
Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận