Ông vua sau cùng của chuỗi sự kiện lạ kỳ, phức tạp và rối ren bậc nhất của triều Nguyễn "tứ nguyệt, tam vương" (bốn tháng, ba vua) là Kiến Phúc lên ngôi ngày 2-12-1883 rồi chết ngày 31-7-1884 sau khoảng 8 tháng tại vị, cũng để lại đủ chuyện thị phi vẫn cứ đeo bám thanh danh đại thần Nguyễn Văn Tường.
Nghi án tội động trời
Học Phi, vợ thứ ba của vua Tự Đức, là mẹ nuôi của vua Kiến Phúc. Khi vua này lên ngôi, bà được phong làm Hoàng Quý phi, có nhiều uy quyền. Bởi vậy sau khi vua Kiến Phúc băng hà, một loạt thông tin chĩa mũi nhọn vào ông Nguyễn Văn Tường.
Theo GS Nguyễn Quốc Trị, năm 1941, linh mục Delvaux của Hội Truyền giáo hải ngoại Paris viết trong BAVH (Đô thành hiếu cổ) là theo tin đồn thì vua Kiến Phúc không phải bị bệnh chết mà vì bị đầu độc nên đã thiệt thân. Tác giả viết rằng:
"Nguyễn Văn Tường đã có biết bà Học Phi từ một thời gian nào, những kẻ xấu miệng kể thì thầm rằng ông có đối với bà nhiều hơn là chỉ một sự tôn kính.
Ông không quên cơ hội gặp bà, và khi vua bị bệnh đậu mùa, Tường càng chuyên cần gấp bội trong việc đến gần vua và gần người đàn bà săn sóc vua.
Vua đã nhiều lần để ý thấy ông phụ chính trao điếu thuốc đang cháy cho bà mẹ nuôi mình, nhưng ngài không nói gì cả.
Một đêm nọ, vua có vẻ thiêm thiếp ngủ, ngài đã có thể nghe thấy câu chuyện giữa hai người. Sau khi để Tường nói một lúc, ngài bỗng hét lên: "Tao lành, tao chặt đầu cả ba họ".
Vị phụ chính cảm thấy mình bị nguy khốn. Thay vì bỏ trốn, phải chăng nên thủ tiêu kẻ địch của mình?
Ông xuống viện Thái y, nhà thuốc của hoàng gia: thuốc đã sắc sẵn cho vua; nhận thấy thuốc đó không tốt, ông chế theo kiểu của ông. Theo lời khuyên của bà Học Phi, ông uống thuốc mới, và sáng mai lại, người ta thấy vua chết một cách đột ngột".
Người viết như thể chứng kiến đầy đủ sự thật trong khi thực ra chỉ nghe đồn thổi. Vậy mà không hiểu vì sao nhiều nhà nghiên cứu, nhiều cuốn sách vẫn tin đó là sự thật và cứ rao truyền, sao y bản chính, cho đến cuối thế kỷ XX vẫn có những cuốn sách khẳng định như đinh đóng cột điều này, dù người viết nêu trên cũng chỉ buôn chuyện mà không hề có chứng cứ. Trong Việt Nam sử lược (1920) của Trần Trọng Kim có đoạn:
"Khi vua Kiến Phúc se mình, nằm trong cung điện, đêm thấy Nguyễn Văn Tường trong cung, ngài có quở mắng. Đến ngày hôm sau, ngài ngộ độc thuốc mà chết".
Những thông tin này được sử thuộc địa rồi sử sách Việt Nam trong cả thế kỷ dĩ hư truyền hư (lấy cái không có thật truyền đi cái cũng không có thật) làm thỏa mãn những người ác cảm, có ý đồ đen tối hoặc chỉ vì không thích ông Nguyễn Văn Tường hay đơn giản là làm thỏa mãn những người thích những chuyện ly kỳ, quái lạ, giật gân, mặc kệ danh dự của nhân vật lịch sử có bị bôi đen hay không.
Chánh mật thám Trung Kỳ là Sogny vào năm 1943 cũng đã bình luận sự kiện này theo kiểu "té nước theo mưa": "Các giới An Nam thạo tin nhất không hề do dự rằng là do một vụ đầu độc. Lúc đó vua 14 tuổi".
Giải mã sự thật
Nhận xét về những tin đồn ác ý, bịa đặt về cái chết của vua Kiến Phúc, GS Nguyễn Quốc Trị khẳng định những kẻ này không hiểu gì về lịch sử phong kiến Việt Nam, cụ thể là nghi lễ, phép tắc trong cung. Ông nói:
"Chính sử nhà Nguyễn đã ghi lại không biết bao nhiêu trường hợp các quan lớn nhỏ bị trừng phạt nặng nhẹ vì đã vi phạm nghi lễ, như trang phục không đúng, không cất mũ hoặc xuống ngựa khi đi vào hoặc ngang qua một cung điện, hay dinh thự nào...".
Về câu chuyện giật gân được dựng lên việc ông Nguyễn Văn Tường vào chuyện trò với Học Phi khi mẹ nuôi vua chăm sóc con mình thì GS Nguyễn Quốc Trị đã khẳng định: theo quy định nghiêm ngặt của bộ Lễ thì không thể có chuyện các quan nhìn được mặt vợ vua, đừng nói đến chuyện khác; và ông Nguyễn Văn Tường với bà Học Phi cũng không được vào phòng ngủ của vua.
Đó là quy định của triều đình, những ai vi phạm sẽ bị phạt nặng, điều này thực tế đã chứng minh. Vì vậy không có chuyện vua nằm ngủ thiêm thiếp bắt gặp hai người thân mật với nhau như người Pháp thêu dệt, đơm đặt.
GS Nguyễn Quốc Trị cũng dẫn ra việc uống thuốc của vua được quản lý hết sức nghiêm cẩn, ghi chép cụ thể vào sổ sách, do chính các thái y trong Thái y viện trực tiếp với công việc thì làm sao có chuyện ông Nguyễn Văn Tường tự tiện xuống Thái y viện rồi tùy tiện đổi thuốc uống cho vua? Toàn là những chuyện hoang đường.
Còn về thông tin chính thức thì chính quyền Tổng trú sứ Pháp Rheinart ngày 1-8-1884, ngay sau khi vua Kiến Phúc băng hà chỉ một ngày đã khẳng định đây là cái chết bình thường, cũng ngay trên tạp chí BAVH: "Vua Kiến Phúc mất ngày hôm qua lúc đứng bóng sau khi cơn bệnh trở lại trong một thời gian rất ngắn. Tôi đã đánh điện đi Paris và Hà Nội để báo tin. Vị vua trẻ tuổi, theo tôi tưởng, đã bị một bệnh về óc não hay tủy xương sống".
Trước đó, người tiền nhiệm của Rheinart là quyền đại lý Parreau cũng xác nhận về trọng bệnh của vua khi gửi điện tín từ Thuận An về cho bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp vào ngày 18-5-1884:
"Sức khỏe của vua An Nam đã gây nên những mối lo ngại hết sức quan trọng. Vị vua, mắc bệnh ban đỏ, đã trải qua một cơn biến rất nặng vào một trong những đêm vừa qua. Trong một thời gian, ngài coi như đã chết".
Còn theo chính sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục vào đầu tháng 5-1884 thì bệnh tình nhà vua: "Vua se mình, văn võ các quan hợp lời tâu xin vua ở trong cung tĩnh dưỡng yên nghỉ, lại xin ý chỉ Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu sai bọn Phạm Viết Trung, Bùi Ân Niên, Nguyễn Hanh, Chu Đình Kế đến miếu hội đồng mật đảo hai lần, hơn một tháng, mình vua yên khỏe, chuẩn cho làm lễ để tạ".
Mấy tháng sau bệnh tình chuyển nặng hơn nhiều và kết cục cũng được Đại Nam thực lục tiếp tục ghi chép: "Vua không khỏe, tháng tư trước, ngọc thể vi hòa, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng, và chia nhau đi cầu đảo các linh từ, sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ, đến ngày mồng bảy tháng này, ngày Kỷ Mão mới ngự điện Văn Minh.
Chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng mười Nhâm Ngọ, bệnh kịch, giờ Ngọ hôm ấy vua mất ở chính tẩm điện Kiến Thành".
Thiết tưởng sự thật đã rõ. Không có chuyện ông Nguyễn Văn Tường tư thông với Học Phi và không ai giết chết vua Kiến Phúc cả, vua chết vì bệnh. Xin nói thêm rằng cả hai người này đều có tinh thần yêu nước và chống giặc Pháp ngoại xâm.
Vua Kiến Phúc qua đời là một thiệt hại cho phong trào kháng Pháp ở nước ta lúc bấy giờ. Chính bà Học Phi có công đưa vua Hàm Nghi lên ngôi, mở đầu cho phong trào Cần Vương đánh giặc cứu nước về sau.
Một ông vua như thế thì các phụ chính đại thần quyết tâm chủ chiến chống giặc cứu nước hết lòng phò tá còn chưa được, cớ gì lại loại bỏ khỏi cung đình, khi ngôi vua vẫn được coi là tối thượng, dẫn dắt bá quan và cố kết trăm họ đồng tâm hiệp lực đánh giặc, cứu nước, đưa giang sơn ra khỏi cảnh lầm than.
Một nhân chứng sống là bà Nguyễn Nhược Thị, bí thư của Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ, có tường thuật cái chết của vua Kiến Phúc trong tác phẩm Hạnh thục ca:
Nào ngờ nhiều nỗi chẳng may
Trị vì sáu tháng bệnh rày lại mang
Hết lòng khấn vái thuốc thang
Gẫm âu số mệnh đành khôn cãi trời
Nương mây phút sớm tếch trời
Năm thân tháng sáu rụng rời cành xuân.
---------------------------
Sau biến động kinh thành Huế 1885, dư luận hầu như hoàn toàn bất lợi cho ông Nguyễn Văn Tường. Sử thuộc địa bôi nhọ ông, đến ngay bộ sách uy tín BAVH (Đô thành hiếu cổ) của người Pháp cũng dựng chuyện lên án ông một cách đầy dụng ý.
Kỳ tới: Những nỗ lực minh oan
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận