13/02/2018 23:01 GMT+7

Nguyễn Tất Thành ra đi từ ngôi trường xứ Huế

MINH ĐĂNG
MINH ĐĂNG

TTO - Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Nguyễn Tất Thành ra đi từ ngôi trường xứ Huế - Ảnh 1.

Trường Quốc Học những năm tháng đầu tiên - Ảnh tư liệu Trường Quốc Học Huế

110 năm trước, vào những ngày cuối mùa xuân năm 1908, kinh đô Huế rền vang tiếng thét đấu tranh chống sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp. 

Đi cùng đoàn "dân dậy" có một chàng thanh niên 18 tuổi, người Nghệ An, tự nguyện làm thông ngôn để chuyển lời đấu tranh của đồng bào đến với các ông quan Tây ở Tòa khâm sứ Trung Kỳ. 

Chàng trai đó là Nguyễn Tất Thành, đã khởi đầu cuộc đời cách mạng của mình kể từ hành động quyết liệt của buổi sáng hôm đó, 11-4-1908.

Theo cha trở lại kinh đô Huế mùa hè năm 1906, cậu bé Nguyễn Sinh Cung lúc đó đã là chàng thanh niên 16 tuổi Nguyễn Tất Thành đầy ưu tư với thời cuộc. 

Theo sách Hồ Chí Minh - Niên biểu tiểu sử (NXB Chính Trị Quốc Gia 2016), vào tháng 9-1901, sau khi đỗ phó bảng, ông Nguyễn Sinh Sắc trở lại làng quê Kim Liên, làm lễ "vào làng" cho hai con trai và đặt tên mới cho Nguyễn Sinh Khiêm (con trai đầu) là Tất Đạt và Nguyễn Sinh Cung là Tất Thành. 

Nhưng thời gian ở Huế, Tất Thành còn có tên gọi khác là Nguyễn Sinh Côn. Tương tự, ông Nguyễn Sinh Sắc cũng còn có tên khác là Nguyễn Sinh Huy (từ khi dự kỳ thi hội năm Tân Sửu 1901).

Nguyễn Tất Thành ra đi từ ngôi trường xứ Huế - Ảnh 2.

Thầy trò Trường Quốc Học những niên khóa đầu tiên - Ảnh tư liệu Trường Quốc Học Huế

Tư tưởng yêu nước của ông Hồ được tăng cường ở Huế. Trong khi đang học ở Huế, ông tiếp tục công việc yêu nước một cách tích cực và cuối cùng đã rời bỏ trường này (Quốc Học - NV) trước khi có một mảnh bằng. Đây là một thời gian đặc biệt may mắn và ông là một con người muốn học thêm nữa bằng cách chu du ra nước ngoài, hơn là học trong trường học khắt khe do Pháp đỡ đầu

DAVID HALBERSTAM (trong sách “HO”, NXB Vintage Book New York 1971) 

Trò Côn ở Trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba

Cuối tháng 5-1906, ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy đưa hai con trai trở lại kinh đô theo triệu tập của triều đình và đầu tháng 6 nhậm chức thừa biện Bộ Lễ. 

Ông Huy được cấp một căn phòng thuộc khu nhà dành cho các quan lại làm việc trong sáu bộ của triều đình, gọi là nhà "Thuộc viên", thường gọi là Dãy Trại, ở đường Đông Ba (nay là đường Mai Thúc Loan, Huế).

Tháng 9 năm đó, hai con trai Tất Đạt và Tất Thành được ông phó bảng đưa vào học Trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba cách nhà ở của họ khoảng 200m, ngay sát ngoài cửa Đông Ba.

Trong sách Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết ông đã tìm được những người bạn học với Nguyễn Sinh Côn ở Trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba và họ vẫn còn sống đến cuối thế kỷ 20.

Một trong những nhân chứng đó là nhà giáo Lê Thiện, người làng Phú Lương (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Cụ Thiện cho biết khi ông học lớp nhất (cours supérieur, lớp cuối tiểu học) niên khóa 1907-1908 thì anh Côn vào học chung lớp. 

Lúc mới vào, anh Côn vẫn còn tóc để chỏm, đội nón tre sơn xứ Nghệ, áo quần vải thô nhuộm nâu, đi guốc gỗ quai mây. Mấy tuần sau, Côn cúp tóc carê, mặc quần vải quyến trắng, áo vải dù đen, đội nón lá 16 vành như người ở kinh (đô).

Cuối năm học đó có 10 học sinh tốt nghiệp tiểu học (lấy bằng Primaire - bằng tiểu học), trong đó có trò Thiện và trò Côn. 

"Côn học giỏi nhưng không học "gạo". Học môn gì anh cũng hỏi cặn kẽ. Nếu thầy trả lời không thỏa mãn, anh hỏi đến khi ngã ngũ mới thôi. Hán văn anh giỏi nhất lớp. Pháp văn không có trò Nghệ nào bằng anh" - cụ Thiện nhớ lại.

Nguyễn Tất Thành ra đi từ ngôi trường xứ Huế - Ảnh 4.

Trường Quốc Học ngày nay là trường THPT chuyên - thu hút học sinh giỏi của cả miền Trung về học - Ảnh: PHẠM BÁ THỊNH

Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Cố Thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG (cựu học sinh Trường Quốc Học Huế)

Bắt đầu làm cách mạng

Trong khi cậu học trò Nguyễn Sinh Côn đang suy tư về câu khẩu hiệu tiếng Pháp "Liberté - Egalité - Fraternité" (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) treo trên đầu lớp tiểu học thì tại Trung Kỳ bùng phát phong trào chống sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp, hay còn gọi là cuộc "dân dậy", "dân biến".

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, Lê Đình Liễn, cuộc chống thuế của nông dân Thừa Thiên khởi phát từ ngày 9, kéo dài đến 13-4-1908, từ các làng ven kinh đô như Diên Đại và Công Lương (Phú Vang) đã lan rộng ra khắp nhiều làng quê xứ Huế. 

Nông dân kéo đến Tòa khâm sứ Trung Kỳ (tức tòa đại sứ của Pháp tại Trung Kỳ), trói cả quan tri huyện Hương Thủy và gánh theo cả ông quan phủ doãn Thừa Thiên (quan đầu tỉnh). 

Đoàn người áo quần rách rưới, chân đi không, tóc cắt ngắn, miệng hô vang, rầm rập kéo đến trước tòa khâm sứ vào sáng 11-4-1908.

"Đến đây một nhân vật trẻ tuổi xuất hiện: Nguyễn Sinh Cung. Và Nguyễn Sinh Cung đã bắt đầu sự nghiệp cách mạng với phong trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên" - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan đã nhận định như thế.

Ông Lê Thanh Cảnh - bạn cùng học với cậu Côn và sau này là viên chức của chính tòa khâm sứ này - đã thuật lại diễn biến buổi sáng ấy rất chi tiết trong hồi ký Dưới mái tranh Trường Quốc Học những năm 1906-1911 đăng trên đặc san Ái Hữu Quốc Học 1970.

Ông Cảnh kể lúc đoàn người đang kéo đến tòa khâm sứ thì nhóm học sinh của ông gặp trò Côn. "Đồng bào đi xin xâu, chúng mình phải đi theo ủng hộ họ, để làm thông ngôn cho họ. Nào chúng ta cùng đi xuống tòa khâm!". 

Trò Côn lật ngược chiếc nón, rồi đội lên đầu như muốn nói rằng chúng ta phải quyết lật ngược tình trạng hiện tại. 

Trò Côn đi trước, kéo theo nhóm học sinh rành tiếng Pháp, đồng bào thấy vậy kéo theo rất đông. Đến cửa tòa khâm sứ thì bị chặn lại. 

Tài liệu của Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết thêm cậu Côn đã vào trước gặp các quan Pháp để nói bằng tiếng Pháp những nguyện vọng của dân. Sau đó thông ngôn lại những lời đối thoại của quan Pháp với người dân. 

Lính khố xanh dùng gậy tre quất túi bụi vào đám đông. 

"Trò Côn hôm ấy đi đầu, lại là người cao lớn, lãnh đủ hơn ai hết" - ông Cảnh nhớ lại.

Cuộc biểu tình chống thuế kéo dài đến ngày 13-4 thì tan rã, Pháp đàn áp dã man, máu loang cả cầu Trường Tiền. Sau đó, hàng chục người chỉ huy bị hành hình, hàng ngàn người bị giam tù. 

Và cậu học trò Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Sinh Côn bắt đầu có tên trong hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp.

Cũng cần nhắc lại thông tin quan trọng này, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên - Huế đã xác định Nguyễn Tất Thành tham gia chống thuế khi đang là học sinh Trường tiểu học Pháp Việt Đông Ba vào tháng 4-1908, không phải là học sinh Trường Quốc Học như nhiều tài liệu đã viết. Bởi vì phải đến tháng 9-1908, Nguyễn Tất Thành mới vào Trường Quốc Học.

Nguyễn Tất Thành ra đi từ ngôi trường xứ Huế - Ảnh 6.

Trích đoạn bức tranh Nguyễn Tất Thành tham gia chống thuế - Ảnh tư liệu Trường Quốc Học Huế

Nguyễn Tất Thành ra đi là để tìm một giải pháp cho quê hương, nhưng anh đã chọn con đường riêng của mình. Con đường đó sơ khởi từ những năm học dưới mái trường ở Huế

NGÔ VƯƠNG ANH (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong tham luận năm 2008)

Rời mái trường Quốc Học

Ngày 4-8-1908, khâm sứ Trung Kỳ Silvain Lévecque đã gửi thư yêu cầu hiệu trưởng Trường Quốc Học trả lời về lai lịch Nguyễn Sinh Côn, một trong những học sinh vừa đỗ tiểu học được chuyển thẳng vào Quốc Học. 

Ba ngày sau (7-8-1908), ông Chouquet - hiệu trưởng Trường Quốc Học - đã có văn thư phúc đáp. 

"Tôi hân hạnh báo cho ngài rõ sẽ có thể tiếp nhận vào Trường Quốc Học học sinh có tên Nguyễn Sinh Côn, gốc người Nghệ An, học sinh Trường Pháp - An Nam tỉnh Thừa Thiên". 

Các tài liệu này hiện đang lưu giữ tại văn khố của Trung tâm Lưu trữ hải ngoại ở Aix-en Provence (Pháp), trong bộ hồ sơ của mật thám Pháp thực hiện từ khi Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. 

Việc phát hiện văn bản này đã làm sáng tỏ một chi tiết quan trọng gây tranh cãi trước đó, cho thấy Nguyễn Sinh Cung vào học Trường Quốc Học sau khi ông hiệu trưởng phúc đáp tòa khâm sứ (tháng 9-1908).

Ông Lê Thanh Cảnh kể rằng cả hai anh em Tất Đạt và Tất Thành cùng vào lớp nhất trung học ở Trường Quốc Học với ông. 

Ông Lê Thiện cho biết khi sức học của anh Côn ở Quốc Học xuất sắc hơn trước, anh giao du nhiều với những người giỏi tiếng Pháp để học hỏi họ. 

Họa sĩ Tôn Thất Sa là thầy giáo Quốc Học, kể lại với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân câu chuyện của thầy giáo dạy vẽ Lê Văn Miến với trò Côn. 

Mỗi lần dạy vẽ, thầy Lê Văn Miến luôn dành ra thời gian để kể cho học trò về nước Pháp. Trò Côn luôn thích thú nghe thầy kể chuyện hơn là học vẽ và một lần đã hỏi thầy: "Làm sao để qua Pháp xem người Pháp họ sống ra sao?". 

Ông Sa nói đến năm 1927 thì nghe cụ Phan Bội Châu nói Nguyễn Ái Quốc chính là trò Nguyễn Sinh Côn ngày trước ở Trường Quốc Học. 

"Trường Quốc Học đối với Nguyễn Ái Quốc rất quan trọng!" - họa sĩ Tôn Thất Sa nói.

Một số tài liệu cho rằng chỉ sau vài tháng học Quốc Học, Nguyễn Sinh Cung đã bị đuổi do thái độ ngang bướng chống lại những thầy giáo Pháp coi thường học sinh Việt, cùng với các hoạt động khiến tòa khâm sứ cảm thấy lo ngại. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Hồng Việt đều cho rằng Nguyễn Sinh Cung không bị đuổi học. 

Ông Xuân dẫn tài liệu cho rằng thái độ chống đối ở Trường Quốc Học đã bị thực dân Pháp theo dõi, nên Nguyễn Sinh Cung đã tự động nghỉ học và ẩn trốn ở Huế một thời gian, rồi cùng người anh cả rời Huế theo cha vào Bình Định (làm quan tri huyện Bình Khê) khoảng tháng 4, tháng 5-1909. 

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên - Huế đã xác định lập luận này là phù hợp.

Đầu năm 1910, ông Nguyễn Sinh Huy bị triều đình cách chức, triệu hồi về Huế. Nguyễn Tất Thành liền đi vào Phan Thiết dạy Trường Dục Thanh, rồi vào Sài Gòn.

Và tháng 6-1911, Nguyễn Tất Thành lên tàu xuất dương tìm đường cứu nước. 

Nguyễn Tất Thành ra đi từ ngôi trường xứ Huế - Ảnh 8.

Chiếc chuông treo trên cổng Trường Quốc Học - Ảnh tư liệu Trường Quốc Học Huế

Nguyễn Tất Thành ra đi từ ngôi trường xứ Huế - Ảnh 9.

Thư của ông Chouquet - hiệu trưởng Trường Quốc Học - phúc đáp tòa khâm sứ về Nguyễn Sinh Côn - Ảnh: Hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Huế

MINH ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên