Tác giả Nguyễn Quang Thiều - Ảnh: H.T.P.
|
Càng gần những giấc mộng đời người, Nguyễn Quang Thiều càng thấm thía câu thơ của thi sĩ Hàn Quốc Kim Kwang Kyu: Cố hương là nơi ngươi không thể rời xa/ Cố hương là nơi ngươi không thể trở về.
Cho nên, bằng mọi cách, Nguyễn Quang Thiều phục dựng cố hương qua những câu chuyện kể, thật và mộng, và miên man.
Trong tập sách Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng, trước hết Nguyễn Quang Thiều kể về những chuyến đi xa và dài nhất trong cuộc đời mình. Tất nhiên đó là những chuyến đi ra ngoài biên giới, có thú vị, có bất trắc và đầy ám ảnh.
Và, sự ám ảnh, không chỉ là những biến cố, mà trong biến cố đó cái nhìn của thi sĩ về tha nhân như được mở hết cỡ giác độ.
Chẳng hạn, Nguyễn Quang Thiều kể chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông là đến Campuchia cuối năm 1979, với tư cách một người lính.
Trong một ngôi biệt thự hoang tàn đầy cỏ dại, tác giả nhìn thấy một quả xoài chín vàng, như là một thứ ánh sáng cứu rỗi trong một thành phố chết, thành phố bị hủy diệt bởi quân Pol Pot. Hình ảnh quả xoài ấy khiến ông xúc cảm viết nên một bài thơ. Nhưng theo ông, đó là một bài thơ thất bại bởi ngày ấy ông không đủ “quyền lực ngôn ngữ”.
Không có một bài thơ hay, nhưng Nguyễn Quang Thiều đã có một mảnh ký ức ánh sáng và rồi sẽ có ngày bài thơ quay lại, nhưng không biết đó là ngày nào.
Đi rất nhiều, rất xa và ở rất lâu trên nhiều xứ sở. Nhưng dù ở đâu, lãng du nơi góc biển chân trời nào thì cuối cùng nhà thơ cũng quay về với con người mình, với làng quê của mình. Dường như chuyến đi kỳ vĩ nhất của ông vẫn là những chuyến đò ngang sông Đáy.
Dường như sự thảng thốt đầy xúc cảm nhất với ông vẫn là khoảnh khắc chợt nhận ra cái bóng của mình bất động trên vách tường giữa khuya khoắt vàng vọt ngọn đèn dầu.
Dường như mùi hương quyến rũ ông nhất vẫn là mùi hương làng Chùa, hay mùi Trong căn phòng của một người bại liệt, đó là mùi trầu cay, mùi thuốc bắc, mùi lá bưởi, mùi ngải cứu, mùi nước tiểu... của bà nội ông những năm cuối đời.
Trong ngôi nhà của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có một chiếc bàn to và dài, buổi tối những người bạn ở thị xã Hà Đông của ông thường ngồi ở đó, bên những tách cà phê nóng và nghe ông kể chuyện.
Nguyễn Quang Thiều thích kể và kể rất hay những câu chuyện nhân gian lẫn chuyện mộng mị ma quái.
Say sưa với câu chuyện nhưng không muốn làm người khéo chuyện. Bởi mỗi lần kể là mỗi lần Nguyễn Quang Thiều như muốn bộc bạch hết những ăn năn, sám hối, những dằn vặt ghê gớm của mình: “Cuộc sống thực sự là một chuỗi ký ức buồn bã, da diết, khổ đau đầy những suy tưởng, nhưng lúc nào cũng ngân vang cả trong bóng tối” (Ngôi nhà gỗ màu đỏ).
Nhưng cuối cùng thì kể lại hay viết ra là để được sống thanh thản và yên bình. “Sự yên bình, nói một cách đơn giản nhất, đó chính là Thiên đường”, đó là câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà Nguyễn Quang Thiều lấy làm tâm đắc trích trong tạp văn Chúng ta đi qua thiên đường với đôi mắt mù.
Cuối cùng, điều đặc biệt của tập sách này là sau mỗi câu chuyện, tác giả đính kèm một phụ lục thơ. Những bài thơ như được chưng cất từ men đời. Một cuộc đời không ít đắng cay nhưng lúc nào cũng bồi hồi yêu thương và độ lượng.
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: H.T.P. |
Đi giữa hiện thực và hư ảo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cuộc trò chuyện ngắn. * Tại sao tựa sách là Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng khi mà những chuyến đi của ông là rất thật: 36 ngày trong thế giới Hồi giáo, Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai-len...? - Tôi hầu như viết về những câu chuyện này trong những đêm khuya khoắt. Đó là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất trong ngày. Sự tĩnh lặng ấy cho tôi nhiều yếu tố để trở về quá khứ một cách đầy đủ nhất. Còn những giấc mộng cũng là một cách đi. Đi ra khỏi con người hiện thực của mình. Đi bằng suy tưởng và trí tưởng tượng. Khi chúng ta suy tưởng về con người mình là chúng ta đang thực hiện một chuyến đi vào bên trong con người mình. Nhưng cả đời sống tôi đang sống và những giấc mơ tôi có đều là một thể thống nhất. Cả hai đều hiện thực và cả hai đều ảo. Đời sống của tôi hay của rất nhiều người đều được cấu thành bởi cả hai điều đó và đôi khi chúng ta không thể tách rời từng thứ ra được. * Trong những chuyến đi ấy, đâu là chuyến đi ông ấn tượng nhất? - Chuyến đi ấn tượng nhất của tôi là một chuyến đi chỉ được nói đến rất ít trong cuốn sách này. Đó là chuyến đi khi tôi 5 tuổi. Chuyến đi từ bờ bên này sang bờ bên kia của sông Đáy. Bờ bên kia con sông đã mê dụ tôi suốt những năm tháng trước khi tôi đặt chân lên. Nhưng điều ấn tượng nhất và quan trọng nhất là khi tôi đặt chân lên bờ bên kia con sông và quay lại, tôi mới nhận ra sự kỳ vĩ và bí ẩn của bờ con sông phía làng tôi, nơi mà tôi đã đứng đó biết bao lần nhưng không nhận ra điều đó. Cho đến bây giờ, tôi nhận ra rằng: mục đích của mọi chuyến đi là để trở về đúng nghĩa nhất chính nơi chốn của mình. Một nhà thơ Hàn Quốc viết một bài thơ mà tôi đã dịch. Bài thơ có tên là Con đường: Sự ra đi là con đường trở thành nhà sư * Cuốn sách được viết trong 5 đến 7 năm. Thưa ông, vì sao lại lâu thế? - Chỉ đơn giản là tôi không viết một cách liên tục. Tôi bị những thứ khác kéo đi. Cho đến một ngày tôi nhận ra, sự hồi phục ký ức của mình là một nhu cầu cá nhân. Và tôi hoàn thành cuốn sách. * Trong cuốn sách, ông có đưa thêm hơn 25 văn bản các bài thơ vào cuối 25 tiểu luận - ghi chép tạo thành một hình thức “liên văn bản” gây ra những tranh luận nho nhỏ. Với ông, đó là một thử nghiệm, một cuộc chơi, hay…? - Với tôi, mọi điều tôi viết từ trẻ đến giờ không bao giờ là thử nghiệm, không bao giờ là cuộc chơi mà đó là một trong những phần sống của tôi cho dù nó chẳng có giá trị gì với người khác. Cả những ghi chép và những bài thơ đều có cùng một hiện thực đời sống mà tôi đã trải qua. Nhưng mỗi thể loại văn học lại cho chúng ta nhìn thấy một vẻ đẹp, một ý nghĩa nào đó khác biệt từ một hiện thực chung. Đời sống luôn luôn mở ra vô tận những vẻ đẹp của nó. Và mỗi thể loại văn học nghệ thuật hay mỗi nghệ sĩ chỉ là một công cụ nhằm phám phá ra một trong vô vàn ấy mà thôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận