15/08/2012 04:39 GMT+7

Nguyễn Quang Thiều: Có một kẻ rời bỏ thành phố...

MINH TRANG
MINH TRANG

AT - Chân thực đến bất ngờ, buổi trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều - một nhà thơ, nhà văn đất Bắc tại Nhà sách Ebook Phương Nam - TP.HCM vào những ngày cuối tháng bảy đã thu hút đông đảo sự quan tâm của độc giả.

o6fXxovJ.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong buổi giao lưu với độc giả tại Nhà sách Ebook Phương Nam TP.HCM

Tự nhận mình là kẻ có một nửa trong máu là bóng tối và những điều rất vớ vẩn, nhưng đọc thơ của ông, và nay là những tập văn xuôi được ông sắm vai người kể chuyện thuật lại, không kể là truyện dành cho thiếu nhi hay người lớn, độc giả vẫn thấy thấp thoáng đây đó hình ảnh của chính mình.

* Áo Trắng (AT): Những trang thơ của anh đã có những dấu ấn riêng với độc giả. Vậy còn cơ duyên để anh viết truyện dành cho thiếu nhi và cả văn xuôi đều rất “mượt” thì sao?

- Nguyễn Quang Thiều: Trong thơ ca tôi tự cho mình những khoảng tự do tuyệt đối. Bạn đọc thơ tôi có thể thích mê, có thể chê tơi tả..., nhưng tôi không quan tâm đến điều đó. Trong thơ tôi, tôi là một gã điên, là một con ruồi, một con chó nhỏ canh giữ nỗi buồn của chính mình, và tôi được là chính tôi! Bởi thế mới có người nói, đọc thơ Nguyễn Quang Thiều như lạc vào một bãi... tha ma (cười). Thế còn với văn xuôi, tôi chỉ sắm vai người kể chuyện: những câu chuyện tôi được chứng kiến tận mắt, những câu chuyện tôi được nghe người khác truyền lại... Nó không phải là những câu chuyện của cá nhân tôi, nó là câu chuyện mà bất cứ ai cũng một đôi lần từng trải qua. Riêng về truyện viết cho thiếu nhi, tôi có nguồn cảm hứng từ cô con gái nhỏ của mình. Cứ mỗi lần đặt bút viết cho trẻ con là một lần tâm hồn cằn cỗi của tôi - những người lớn lại trở nên trong sạch, phẳng phiu lạ kỳ. Có khi nó đơn giản chỉ là giấc mơ về con tò he của ông nội, những truyền thuyết hư thực từ đời ông bà... Bí mật hồ cá thần, tập truyện thiếu nhi đầu tay của tôi, đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

* Là một nhà văn đất Bắc, ít có dịp tiếp xúc với người đọc trong Nam, nhưng dường như những tác phẩm của anh đều được độc giả TP.HCM đón nhận. Chắc hẳn anh phải có “bí kíp” riêng?

- Khi cầm bút viết những trang viết đầu tiên, tôi thực lòng không bao giờ dám tưởng tượng rồi có một ngày có những người sẽ đọc những trang viết này, càng không bao giờ dám mơ chúng sẽ được mọi người yêu mến. Cá nhân tôi cho rằng độc giả Sài Gòn là những người rất khó tính. Nhưng một lý do nào đấy, những bài thơ đầu tiên của tôi ra mắt bạn đọc Sài Gòn trong tập thơ Tự Do, Bông & Giấy... đều được đón nhận trìu mến. Cả những anh em viết văn dù chưa một lần gặp gỡ trà dư tửu hậu phía Nam cũng “giao lưu” cùng tôi qua những trang thơ văn. Như nhà thơ Nhật Chiêu, một người bạn văn đáng kính, bảo lần đầu anh đọc văn tôi, nghe tôi kể chuyện như thấy những mầm sen mọc trên mặt bùn, anh ưng lắm. Và cứ thế, tôi đã có những cuộc “giao lưu” ngấm ngầm như vậy với bạn đọc, bất kể họ là độc giả trong Nam hay ngoài Bắc.

* Hiện đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, đi Đông đi Tây cũng nhiều, nhưng nhiều người nhận xét những trang viết của Nguyễn Quang Thiều vẫn là của người nhà quê thứ thiệt. Anh nghĩ sao về điều này?

- Đi đâu cũng vậy thôi, tôi vẫn là “con chó nhỏ” cùa làng Chùa - Hà Tây, nơi chứng kiến tất cả những vui buồn tuổi thơ tôi. Đi đâu thì tôi vẫn là người Việt, một người nhà quê chân lấm tay bùn mà lên. Đến giờ, khi công việc bắt buộc tôi phải đi về Hà Nội thường xuyên, nhưng chỗ ở tôi vẫn nhất định không chuyển lên phố vì nặng lòng với thôn quê. Bạn bè thân lâu lâu vẫn được mời đến nhà ăn xôi khúc tự tay tôi đi hái lá khúc về, tự nhào bột, làm nhân... Những thứ ngon lành ấy, phố xá bán đầy nhưng chẳng tìm đâu hương vị thứ thiệt. Cách đây nhiều năm tôi đã viết những dòng thơ này và sẽ mãi là như thế, không bao giờ thay đổi:

Kiếp này tôi là ngườiKiếp sau phải là vậtTôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏĐể canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi

(trích Bài hát về cố hương)

Hết duyên với phim ảnh!

Dù là một cuộc gặp mặt, giao lưu giới thiệu các tập sách của tác giả được độc giả TP.HCM yêu mến như Bí mật hồ cá thần, Con quỷ gỗ, Câu chuyện về ngọn núi Bà già mù (truyện viết cho thiếu nhi) và tập tiểu luận - tản văn Có một kẻ rời bỏ thành phố ra mắt, nhưng không khí trò chuyện với Nguyễn Quang Thiều chỉ thật sự nóng rực khi nhà văn tâm sự về khoảng thời gian ông tập tễnh bắt tay vào chuyển thể, viết kịch bản cho những bộ phim truyền hình dài tập thời kỳ đầu ở Việt Nam. Tên tuổi của Nguyễn Quang Thiều gắn liền với những thước phim kỷ niệm một thời như Mùa hoa cải bên sông (Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ - 1993), Gió qua miền tối sáng (một trong những bộ phim truyền hình đầu tiên làm về đề tài HIV/AIDS với sự hợp tác của êkip nước ngoài), sau này là Chuyện làng Nhô (được chuyển thể từ tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của ông) - những bộ phim đầy ắp hơi thở cuộc sống, ngồn ngộn những sự thật được phơi bày sau lũy tre làng. Khi được hỏi ông nghĩ gì về đời sống phim truyền hình những năm gần đây, nhà văn thẳng thắn chia sẻ: "Nói thật tôi chẳng muốn góp thêm chút nhạt nhẽo bản thân vào cái sự nhạt nhẽo chung của phim truyền hình Việt. Dẫu rằng, thời gian gần đây có vài bộ phim xem được, nhưng số đấy còn ít lắm. Tôi đã già rồi, không còn đủ khả năng để theo nghề viết kịch bản phim nữa. Mệt lắm!".

Tuy vậy, ông cho biết thời gian này đang dồn hết sức khỏe để chuyển thể bộ phim Con gái thủy thần (dựa theo truyện ngắn Người con gái thủy thần của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp), một tác phẩm ông đã ấp ủ trong hơn 10 năm, trước khi chính thức giã từ nghiệp làm phim của mình.

2hKlmzn2.jpgPhóng to

Áo Trắng số 14 ra ngày 01/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên