Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - phó tổng giám đốc EVN HCMC - cho rằng hóa đơn tiền điện khách hàng tăng do nhiều nguyên nhân - Ảnh: QUANG KHẢI
Chiều 9-4, ông Nguyễn Duy Quốc Việt - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết như vậy trước một số phản ánh của khách hàng sử dụng điện về việc hóa đơn tiền điện tăng.
Theo ông Việt, từ ngày 20-3 giá điện tăng bình quân 8,36%. Nhưng nếu áp cho từng bậc thang sinh hoạt (6 bậc), giá điện tăng từ 8,33 đến 8,4%.
Với mức tăng này, ông Việt nhẩm tính: trường hợp khách hàng sử dụng 350kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 48.000 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng lũy tiến nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.
Ghi nhận của EVN HCMC cho thấy trong nhiều năm liền, lượng điện tiêu thụ trong tháng 3, tháng 4 có thể tăng tới 50% so với tháng 2. Điều này cũng dự báo hóa đơn tiền điện trong các tháng tiếp theo của mùa khô sẽ ở mức cao vì nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Ngoài ra, một nguyên nhân cộng hưởng theo ông Việt do tháng 3 trở đi có 30 - 31 ngày, trong khi tháng 2 có 28 ngày, đây cũng là nguyên nhân khiến tiền điện tháng 3 trở đi cao hơn so với tháng 2.
Nhân viên Công ty điện lực Gia Định kiểm tra đồng hồ điện tại nhà một khách hàng phản ánh tiền điện tăng - Ảnh: QUANG KHẢI
Có hay không việc EVN HCMC tự thay đổi ngày ghi điện trong tháng, khiến lượng điện cộng dồn, tiền điện tăng? - Đây cũng là ý kiến thắc mắc của nhiều khách hàng phản ánh thời gian qua.
Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Tường Vi - quyền trưởng ban kinh doanh EVN HCM cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi ngày ghi điện, ví dụ như cho phù hợp với ngày điện tăng giá, mặt khác việc thay đổi ngày ghi điện một số khách hàng nhằm sắp xếp lại việc quản lý khách hàng tại các điện lực.
Cũng theo bà Vi, việc này hoàn toàn bình thường và định mức điện của khách hàng sẽ được tính toán một cách công bằng, không bị cắt giảm hay bù thêm.
Cụ thể theo quy định, định mức bậc thang (6 bậc) sẽ được tính cho một tháng sử dụng điện. Nếu ngày ghi điện ít hơn một tháng thì định mức của khách hàng sẽ bị giảm, ngược lại nếu ngày ghi điện nhiều hơn một tháng thì định mức sẽ được cộng thêm.
Chẳng hạn, khách hàng A bị thay đổi thời gian ghi điện trong tháng 3 (31 ngày) kéo dài tới 40 ngày sử dụng điện. Khi đó, cách tính định mức bậc thang đầu tiên không phải 50kWh nữa mà định mức này được tăng lên là 64,5kWh (cách tính 50kWh x 40 (số ngày sử dụng điện)/31 ngày trong tháng). Tương tự, bật thang tiếp theo cũng tăng từ 50kWh lên 64,5kWh và 100kWh định mức tiếp theo được nâng lên thành 129kWh…
Ngược lại, nếu ngày ghi điện của tháng 3 giảm xuống còn 25 ngày thì định mức đầu tiên không phải là 50kWh nữa mà giảm còn 40,3kWh, các định mức bậc thang tiếp theo cũng sẽ giảm tương ứng.
Vì vậy theo bà Vi, dù ngày ghi điện có thay đổi ít hoặc nhiều hơn số ngày trong tháng thì định mức của khách hàng sử dụng điện vẫn được tính đầy đủ.
Sửa chữa đường dây điện - Ảnh: TTO
Để giảm hóa đơn tiền điện, theo EVN HCMC, không còn cách nào khác khách hàng cần sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, bật điều hòa ở chế độ tiết kiệm (trên 25 độ C), tận dụng ánh sáng, gió thiên nhiên khi giảm nắng nóng; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng…
Bên cạnh đó, EVN cũng khuyến cáo đề phòng nguy cơ sự cố cháy nổ, khách hàng sử dụng các thiết bị điện đúng chuẩn, đấu nối dây dẫn điện trong nhà đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Không sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn cùng một ổ cắm; không dùng nước dập lửa khi chưa ngắt cầu dao điện; kiểm tra bảo dưỡng thiết bị điện…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận