Nếu nói về nam diễn viên trẻ ở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hiện nay thì hai cái tên khiến người ta chú ý là Võ Minh Lâm và Nguyễn Minh Trường.
Nếu Võ Minh Lâm hội tụ đủ yếu tố lý tưởng của một anh kép chánh thì Minh Trường lại được đánh giá cao về khả năng đa dạng.
Không nghĩ mình là kép cải lương
Minh Trường có chất giọng vang, sáng lại rất mùi nên nghe là mê. Vì chất giọng đó nên anh từng đoạt giải Bông lúa vàng năm 2011, đoạt Chuông vàng vọng cổ năm 2014.
Minh Trường ăn cơm tổ từ trong bụng mẹ. Cha anh là nghệ sĩ Vũ Hoài Sơn, một kép hát nổi bật của Đoàn văn công Đồng Tháp. Ba mẹ chỉ có một mình Trường nên cứ tới mùa hè là anh nhỏ theo ba mẹ đi lưu diễn khắp miền Trung.
5, 6 tuổi Trường đã thuộc hết bài bản nhưng kêu lên sân khấu thì Trường mắc cỡ không chịu hát.
Rồi sau đó cải lương bước vào giai đoạn khó khăn. Ba mẹ thấy nghề không có tương lai nên không muốn cho cậu con trai theo nghiệp hát. Trường lên Sài Gòn học quản lý nhà hàng - khách sạn.
Trong thời gian đó anh học nhảy ở Nhà văn hóa Thanh niên, lập nhóm nhảy rồi dạy luôn. Thỉnh thoảng về quê tham gia vài chương trình của Đoàn văn công Đồng Tháp, Trường lại hát tân nhạc kiểu như "cải lương" không hề có trong từ điển nghề nghiệp tương lai của anh.
Chuông vàng Nguyễn Minh Trường diễn lại trích đoạt HCV Giải Trần Hữu Trang 2022
Những ngày học ở thành phố, Trường tham gia vui vui vài cuộc thi và đoạt giải nhất. Một lần Trường chở soạn giả Hoàng Song Việt đi chấm thi giải Chuông vàng vọng cổ, bị "xúi" và nổi hứng Trường nhảy vô thi và cứ "lấn" tới đoạt luôn Chuông vàng vọng cổ.
Có giải rồi, Trường về nhóm Thắp sáng niềm tin của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Vậy đó, máu nghề nổi lên hồi nào không hay và Trường trở thành anh kép cải lương trong sự... bàng hoàng của chính mình!
Muốn học cho tương lai
Dù là con nhà nòi nhưng Nguyễn Minh Trường theo nghề hát rất trễ, gần 30 tuổi anh mới bắt đầu.
Minh Trường lại thường được giao những vai dàn bao, không tự ái Trường cứ cặm cụi và tài năng trong anh cứ thế được khai phá.
Vai nhỏ, vai lớn với Trường dường như không quan trọng, bởi anh luôn biết cách tỏa sáng.
Chẳng hạn như vai Pơ Le trong Nàng Xê Đa, một nhân vật... chết sớm trong vở nhưng vẫn khiến khán giả ấn tượng và nghe ca thật đã.
Ngoài đời Trường hơi nhỏ con, nhưng lên sân khấu anh rất sáng.
Hồi Trường đóng nhân vật Nguyễn Ánh cùng Quế Trân (vai Ngọc Bình) trong vở Chân mệnh, nhiều khán giả cứ xuýt xoa vì sự ăn ý và rất tình của đôi bạn diễn.
Năm 2022, anh dự cuộc thi Tài năng sân khấu diễn viên cải lương Trần Hữu Trang hạng mục kép lão, chưa công bố kết quả mà ai cũng đoán chắc Trường sẽ ẵm huy chương vàng. Rồi mới đây với vai kép hát Vân Hạc trong vở Cô đào hát, Trường lại tiếp tục được khen ngợi.
Với rất nhiều "đại gia" mê cải lương thì các giọng ca Chuông vàng vọng cổ thường được ưu ái. Minh Trường cùng vợ là Nhã Thi khá đắt show tiệc, diễn tỉnh. Thế nhưng gần đây Trường ít đi show hơn mà tập trung cho việc học.
Học xong đạo diễn, Trường lại chuẩn bị làm luận án thạc sĩ, học văn bằng 2 tiếng Anh. Trường hiện là phó phòng nghệ thuật Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Sao Trường đang hát êm tự nhiên bỏ đi học, đi làm quản lý? Trường bảo thật ra lựa chọn đó cũng khiến anh trăn trở. Các giọng ca cải lương được yêu mến đi show tiệc mỗi bữa có thể kiếm 15 - 20 triệu đồng.
Nhưng khi không thể hát nữa sẽ làm gì? Soạn giả Hoàng Song Việt đánh giá Trường rất có tố chất làm đạo diễn, từng làm trợ lý cho đạo diễn kỳ cựu Hoa Hạ các vở Đêm trước ngày hoàng đạo, Cô đào hát...
Sàn diễn cải lương khó khăn nên cơ hội trao cho đạo diễn trẻ cực kỳ hiếm. Đề tài luận văn của Trường bày tỏ trăn trở về nguồn nhân lực trẻ cho cải lương. Anh tâm sự dù được xem là người trẻ nhưng năm nay anh cũng 40 tuổi rồi, các bạn "trẻ" khác cũng ngoài 30.
Nếu không có chiến lược cụ thể thì chừng chục năm nữa lấy người đâu mà duy trì? Trường còn nuôi hy vọng sẽ học tiến sĩ. Và những vấn đề mà anh quan tâm vẫn là những việc sống còn của cải lương, trước mắt là từ nhân lực: diễn viên, tác giả, đạo diễn, âm nhạc...
Ở các trường nghệ thuật rất cần những giảng viên có thực tiễn. Như Trường mà trở thành người giảng dạy cải lương là rất tốt" - TS Trịnh Đăng Khoa (phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận