28/03/2021 11:47 GMT+7

Nguyễn Huy Thiệp - Trắng lộng lẫy

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - Đã hơn tuần anh đi. Hơn tuần tôi luôn nghĩ về anh, về những ký ức "ghim não" như cách nói của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Nguyễn Huy Thiệp - Trắng lộng lẫy - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (bìa phải) và đạo diễn Việt Linh (bìa trái) tại Hà Nội năm 1991 - Ảnh: NVCC

Năm 1988 tôi được cử tham dự đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam ở Hà Nội. Lần đầu biết thủ đô, tôi vui lắm. Vui, dù phim Trò ảo thuật mới xong không được cấp phép. Một đêm, bảo vệ nhà khách 37 Hùng Vương báo tôi có người tìm. "Mình là Nguyễn Huy Thiệp". Tôi rú lên sung sướng gặp tác giả Tướng về hưu lộng lẫy, thoáng bối rối trước "chàng nông" ốm o. 

Bối rối hơn, anh đưa tôi xấp "Kịch bản phim Ngọn gió Hua Tát", nói muốn tôi thực hiện, nói có nghe Đặng Nhật Minh khen Trò ảo thuật, có nghe nói trục trặc... Xúc động và phát hoảng, tôi từ chối với lý do chưa rõ xứ Bắc, tay nghề mỏng. 

Thoáng hụt hẫng, anh rủ tôi đi ăn... cháo trắng! Tôi sướng rơn, ngạc nhiên cháo thủ đô nhừ như bột, không dư dấu hạt như trong Nam. Không biết "chàng nông" nho nhã hay tô cháo trắng mịn khiến tôi nhớ hoài đêm bẽn lẽn trong veo ấy.

Hai năm sau Trò ảo thuật được phát hành với tên Gánh xiếc rong, tôi đôi lần ra Hà Nội làm thủ tục dự LHP quốc tế; lần nào anh em cũng hẹn nhau cùng nhóm bạn. Anh vẫn vậy, sau lấp lánh trìu mến là co ro vốn dĩ, buồn hơn khi đổi mới xoay chiều...

Năm 1997, tranh chen với lớp lớp fan ái mộ Pháp, vợ chồng tôi rốt cuộc cũng mời được anh đi xem Nàng ca kỹ pansori. Anh từ chối, ngại "lê thê Hàn Quốc". Khi biết phim điện ảnh, kiệt tác của Im Kwon Taek, anh đi. Phim kể về hai trẻ mồ côi được nghệ sĩ pansori truyền dạy môn nghệ thuật dân gian suy thoái. Thằng em không chịu nổi huấn nghệ hà khắc của sư phụ bỏ đi buôn, chỉ còn lại ông cha và cô gái. 

Con hát tốt nhưng vẫn không đủ ăn, không đủ cha tin tưởng vào cuộc đấu tranh âm nhạc. Con bệnh, cha tận tụy, nhưng sau khi uống những thang thuốc cha đưa đến, mắt con bỗng mờ đi, chỉ cảm nhận thế giới qua miêu tả của cha, qua tưởng tượng. Trong tưởng tượng mọi thứ đâm ảo diệu, giọng hát con bỗng tiêu diêu, đồng vọng đất trời. Trong nỗi đau, nghệ thuật đã thăng hoa. 

Anh bần thần nói không ngờ Hàn Quốc có dòng phim đẹp vậy, hoang mang đức tin cao cả nhưng mù quáng, hoang mang tội ác nhân danh sứ mệnh lớn lao.

Năm 2014 tôi gặp anh lần nữa ở Paris. Giữa sục sôi chào đón người lỗi lạc, chúng tôi may mắn có một tối dẫn anh ra điện Panthéon. Chỉ anh xem trùng điệp chân dung đen trắng trên chóp điện, tôi kể anh nguồn cội: Luật tài sản quốc gia cấm đặt quảng cáo nơi di tích, nhưng một nghị định của Bộ văn hóa năm 2007 lại cho phép sử dụng tấm bạt che giàn giáo các công trường trùng tu quảng cáo. 

Cùng lúc một quyết định táo bạo khác của Bộ văn hóa liên quan Panthéon: Tấm bạt trên chóp điện sẽ không sử dụng quảng cáo như trước, mà trao cho đề án Inside Out của nhiếp ảnh gia JR, dẫu thiệt hại ngân sách.

Ý tưởng đột phá của JR là đưa hình ảnh nhân dân tiếp cận vĩ nhân. Các ảnh chân dung - tự giác gửi đến hoặc chụp trong các studio lưu động của JR - được lắp ghép trên diện tích 800m2 thực sự gây cuốn hút, khi cùng lúc nói lên tính phổ quát, nhân văn của Panthéon, vừa mang tính nghệ thuật. 

Bần thần, anh hỏi chuyện hay vậy sao trong nước không nghe nói, đặc biệt cơ quan thông tấn ta ở đây khá đông. Bỏ qua câu hỏi dễ, tôi nói sau hai tháng không thấy tin/bài Việt Nam, tôi nóng ruột viết "Vĩ nhân đội thường dân" đăng trên Thời Báo Kinh Tế. Anh ngắm mãi đỉnh "thường dân", miệng tấm tắc: hay thật...

Quá nhiều bài viết tiếc thương anh với bao kỷ niệm quý giá. Ít duyên hơn, nhưng tôi tin ở nơi xa, ngoài những vương mang thế sự, có nỗi thế nhân làm anh vẫn nặng lòng: Vào những năm đổi mới, xuất hiện nhiều nghệ sĩ có tác phẩm hay. Họ chơi thân, nâng đỡ nhau qua bể dâu truy ráp. 

Trong lần tá túc mươi hôm ở nhà một nghệ sĩ đồng niên, tôi bất an khi thấy ông dỗi anh sâu sắc. Lý do: nghe kể anh bêu xấu ông (!?). Tiếc hai người giỏi quay lưng trong buổi cần hợp lực, tôi nhắc ông có chăng chuyện ly gián. Ông thoáng nghĩ rồi... thôi. 

Tôi chưa bao giờ nhắc anh trớ trêu đáng tiếc kia, cũng không nghe anh than thở; nhưng nhớ anh tôi thốt nhớ sự buông tay chua chát, nhớ tô cháo trắng, nhớ tin yêu hồn nhiên khi anh đưa tôi kịch bản phim tự viết. 

Nhớ anh, tôi nghĩ về bức toan trắng, nơi anh đã vẽ lên "lưỡi dao mổ chói sáng, chính xác, đau đớn" - như lời tiễn biệt của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Đông đảo văn nhân, bạn đọc tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp Đông đảo văn nhân, bạn đọc tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

TTO - Sáng nay 24-3, giới văn nghệ và bạn đọc ái mộ mọi miền cùng về lại Nhà tang lễ quốc gia, cúi mình tiễn biệt một văn tài hiếm hoi của văn đàn Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên