23/03/2021 15:34 GMT+7

Nguyễn Huy Thiệp và bài học tiếng Việt

TIẾU TÙNG
TIẾU TÙNG

TTO - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một truyện ngắn tên là 'Bài học tiếng Việt' vào năm 1999 để tưởng nhớ V.T.P. Không nhiều người biết ông đã có một tự thú về ngôn ngữ mẹ đẻ qua truyện ngắn này.

Nguyễn Huy Thiệp và bài học tiếng Việt - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ở phần lời dẫn, nhà văn đã trích ra câu thơ "Ta như chim, tiếng Việt như rừng" của Lưu Quang Vũ, ngầm báo hiệu đây là một truyện ngắn mang tính luận đề về tiếng Việt bên cạnh câu chuyện cuộc đời của nhân vật Vũ - một nhà văn tiên phong ở Việt Nam đang mộng "một cuốn sách thật ra trò".

Vũ là anh chàng "sung sướng nếu người ta gọi chàng là người viết ra được những quyển sách tiếng Việt hay nhất".

Vũ yêu tiếng Việt, hay nói chính xác hơn, chàng "thích sự chính xác của từ ngữ: chính xác về tình cảm, về cấu trúc, tóm lại là nghệ thuật".

Chàng hân hoan vì vẻ đẹp của ngôn từ, của tiếng Việt nhưng cũng có lúc bực mình khi nhận ra tiếng Việt có phần nghèo nàn, khiếm khuyết khi muốn biểu lộ những nội dung, khái niệm trừu tượng. "Tâm hồn" là một ví dụ.

Ở đó, một thứ tiếng Việt đẹp đẽ nhưng cũng đầy nghi hoặc, khiến một nhà văn yêu nó cũng trở nên ngột ngạt, loanh quanh. Một tiếng Việt giàu có, phong phú "ăn xôi nghe kèn" nhưng đồng thời cũng là một tiếng Việt đang trở nên bất lực trước chiếc áo rộng của hiện thực đời sống.

Một ai đó từng viết: "Tất cả những tác phẩm của tôi đều chỉ là những trích đoạn của bản tự thú vĩ đại về cuộc đời". Không có gì xâm nhập vào những điểm mù mịt, những nốt lặng, những lỗ trống và những khoảng cách vô hình trong đời sống này nhanh chóng và toàn diện như ngôn ngữ.

Nguyễn Huy Thiệp tự thú về nhiều điều trong cuộc đời trầm luân của ông, ở ngay trong chính văn chương của ông. Thế nhưng, không nhiều người nhận ra: Nhà văn của thế kỷ, người được xem là bậc thầy về nghệ thuật truyện ngắn, đã có một sự tự thú về một mẩu sự thật, về chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình như thế.

Nhà văn Thuận nói, "có vẻ ông muốn tìm cách thoát khỏi những khiếm khuyết đó, nhưng không thể". Tuy thế, chính sự bất lực này, nỗi thất vọng này nhiều khi lại là động lực khiến nhà văn sáng tạo. Chúng ta đều biết nhà văn thường tìm cảm hứng trong đau khổ chứ không phải trong niềm vui.

Đọc Nguyễn Huy Thiệp và có dịp gặp ông ở ngoài đời, Thuận luôn cảm nhận ý chí muốn vượt lên khỏi số phận, một hoàn cảnh tù túng và một nền văn hóa nhỏ bé, hay như người ta nói là "nhược tiểu".

Nguyễn Huy Thiệp như một con hổ chán cảnh lồng son và muốn được ra ngoài ngao du với thiên hạ. Theo nhà văn Thuận, hầu như không ai hiểu và trân trọng cái tham vọng đó của nhà văn được xem là hiện tượng của văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ này.

Tiếng Việt nghèo nàn hay phong phú? Thực ra, tiếng Việt không phải tự nó đã giàu sẵn rồi theo cách nói của ông Bằng Giang, nhiều khi cũng "túng" lắm. Có những vay mượn diễn ra thầm lặng, êm ái và điều này là tất yếu…

Số phận tiếng Việt sẽ ra sao? Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói với chúng ta nhiều hơn cái vỏ từ mà ông để lại.

May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp

TTO - Đối với tôi, nói đến Nguyễn Huy Thiệp đầu tiên phải khẳng định ông là người của Việt Nam nói chung chứ không phải chỉ là nhà văn của một giai đoạn, gắn bó với một hoàn cảnh cụ thể.

TIẾU TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên