"Thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ" là danh hiệu người bạn thân - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phong cho nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán bởi kho ảnh văn nghệ sĩ khổng lồ mà ông Toán có được trong mấy chục năm qua.

Nguyễn Đình Toán cũng là cái tên gây chú ý trong số những người vừa được trao Giải thưởng Đào Tấn vào ngày 29-5 tại Hà Nội.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 1.

Nguyễn Đình Toán nhận giải thưởng Đào Tấn ngày 29-5 - Ảnh: T.ĐIỂU

Không cần phải đợi đến các triển lãm ảnh về Hoàng Cầm, Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo, Đào Trọng Khánh, Dương Tường, Lê Đạt, các nghệ sĩ sân khấu và các nhạc trưởng mấy năm gần đây thì người ta mới biết đến Nguyễn Đình Toán như một "thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ".

Ông là một vị "thống đốc ngân hàng" nghèo khó nhưng giàu có về nhiều thứ khác.

Cuộc trò chuyện với ông - một người không giỏi ăn nói, rất khiêm nhường và chỉ muốn ẩn mình - cuối cùng lại rất thú vị bởi kho chuyện lý thú bất tận về các văn nghệ sĩ tài ba lận đận một thời mà ông may mắn chứng kiến nhiều hoặc được những người tài ấy gắn bó, chia sẻ.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 2.

Sinh năm 1947, chàng trai Hà Nội nhập ngũ ngay khi vừa học hết cấp III, trở thành lính cao xạ bảo vệ thủ đô từ năm 1965. Ngay từ trong quân ngũ, ông đã rất thích chụp ảnh.

Nhưng phải tới năm 1987, khi xuất ngũ, về làm việc cho một công ty vận tải, được giao công việc chụp ảnh tư liệu, làm công tác tư liệu hình ảnh cho công ty này thì ông mới có cơ hội bước đến với nhiếp ảnh.

Công ty ông làm việc có trụ sở trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), công việc hằng ngày của ông là đi từ công ty tới trụ sở Thông tấn xã Việt Nam.

Ở giữa hai điểm đến này là địa chỉ 41 (quán Trúc Viên) và 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam) rất nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 3.

Vậy là Nguyễn Đình Toán thỏa sức lân la làm quen và chụp ảnh những người ông đã hâm mộ từ lâu, qua những trang sách trong kho sách khổng lồ của anh trai rất thân thiết với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Thu Bồn.

Anh trai ông Toán quý sách, mê sách. Là lính đi B, sau chiến tranh ông định cư ở Cà Mau nên đã thuê cả một toa tàu để chở kho sách từ Hà Nội về nơi ở mới.

Sau này, nhà cần tiền cho các con đi học, bí quá ông đành gật đầu bán kho sách. Trước ngày người ta đến lấy sách đi, ông ngồi khóc.

Ông Toán không giỏi văn chương chữ nghĩa như anh trai mình nhưng yêu chữ nghĩa, yêu tài thì không kém.

Vậy là ngay từ đầu cầm máy, ông đã có ý thức rất rõ ràng là chụp ảnh những văn nghệ sĩ tài năng và tử tế, đặc biệt là những người thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm mà lúc đó vẫn còn bị quản thúc, nhiều người không muốn gần để tránh rắc rối.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân ngày 7-8-1993

Những văn nghệ sĩ đầu tiên mà ông chụp có Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang...

Và ngay từ đầu, Nguyễn Đình Toán đã chọn lối chụp ảnh rất... gàn: thích mới mở máy ra chụp, và khi đã chụp thì chỉ đóng máy khi hết phim.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Văn Cao ngày 16-4-1991 và 5-9-1992

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 6.

Yêu và nể những người tài năng, đức độ, ông Toán không quản xa xôi tìm về với Nguyễn Hữu Đang ở tận Thái Bình.

Lúc đó chưa có xe máy, ông Toán mượn xe máy một mình đi về thăm ông Đang, mà đi lại tới năm lần, trước khi ông Đang trở lại Hà Nội, được Nhà nước phân nhà và có lương hưu.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 7.

Nhạc sĩ Văn Cao và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 9-2-1992

Ở Thái Bình, ông Toán đã chụp được cả những bức ảnh ông Đang đạp xe đi bán con rắn nước nhưng thương lái không mua.

Nhưng những bức ảnh chẳng bao giờ là cái đích duy nhất của Nguyễn Đình Toán trong cuộc chơi mấy chục năm của mình.

Hơn cả những bức ảnh là những khoảnh khắc ông được chia sẻ cùng những người tài đức ấy, được hầu chuyện các ông, ngồi nghe thật chăm chú những câu chuyện của đất nước và thân phận.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 8.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Văn Cao ngày 29-6-1993

Văn Cao là một người mà ông Toán rất gắn bó và ghi lại được những bức ảnh để đời, trong đó có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày đầu năm mới 1992 đến thăm tác giả Quốc ca Việt Nam.

Ông Toán được chụp nhiều ảnh Văn Cao là bởi ông là bạn của con trai nhạc sĩ và nhà ông khi xưa rất gần nhà tác giả Mùa xuân đầu tiên.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 9.

Nhưng nhóm Nhân văn giai phẩm thì ông Toán gắn bó nhất với Hoàng Cầm, bởi thi sĩ này có tính tình cởi mở, gần gũi và sống thọ hơn nhóm bạn bè của mình.

Nói đến chuyện tuổi thọ của các văn sĩ này, ông Toán dẫn ví dụ: "Văn Cao còn bốn tháng năm ngày nữa mới tròn 72 tuổi". Ông nhớ kỹ lưỡng về các "nhân vật" của mình như thế.

Cũng chuyện Văn Cao, ông Toán còn nhớ rất rõ và tỉ mỉ một câu chuyện thú vị.

Năm 1993, tại ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ Hà Nội ở 51 Trần Hưng Đạo, bà Nguyễn Thị Bình đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho nhạc sĩ Văn Cao.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 10.

Từ phải qua là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Văn Cao, NSND Trần Tiến ngày 23-11-1994 tại nhà hàng Hoa Ban

Sau khi trao xong, ông Văn Cao chống ba toong phát biểu: "Kính thưa đồng chí (ông ngập ngừng rồi nói tiếp) bà Nguyễn Thị Bình, phó chủ tịch nước mình...". "Văn Cao sau khi gọi đồng chí thì ngập ngừng rồi gọi lại là "bà", và ông thấy nói "Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quá dài và trịnh trọng nên ông rút thành "Phó chủ tịch nước mình".

Một tiếng "nước mình" không thể có từ nào mà thân thương, xúc động hơn trong bối cảnh ấy", ông Toán nói.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 11.

Từ phải qua trái là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Văn Cao, nhà phê bình Thái Bá Vân trong một lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thăm Hà Nội

Có thể nói Nguyễn Đình Toán đến với các nhân vật của mình chỉ vì một lòng yêu, hoàn toàn vô tư, trong sáng, không chút vụ lợi nào mà còn chịu thiệt vì những cái nhìn còn hạn hẹp của một thời.

Nên dễ hiểu là ông cũng được những nhân vật lớn kia trân trọng tương xứng.

Dù nghèo khổ, ông Toán vui với cuộc đời đứng bên ghi lại những chân dung lịch sử của một thời.

Ông lạc quan và không bao giờ bớt hiền lành, tử tế, những phẩm chất ông có sẵn và được bồi thêm nhiều nhờ những năm tháng được ở gần những người hiền, tài.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 12.

Nhà thơ Hoàng Cầm (trái) và nhà văn Kim Lân gặp gỡ trước cổng Hội Nhà văn Việt Nam ngày 23-3-2000

"Ngay cả các ông Nhân văn giai phẩm còn không hề than thở oán trách. Tôi đến với các ông chỉ vì tôi cũng chọn "đứng về phe nước mắt", tôi chọn "từ đây người biết yêu người"", ông Toán lý giải cho tấm lòng thanh tịnh của mình giữa cuộc đời chộn rộn.

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 13.

Nhà thơ Hoàng Cầm đọc báo Văn Nghệ bên bờ hồ Hoàn Kiếm

Nguyễn Đình Toán - người đứng bên những chân dung lịch sử - Ảnh 14.
THIÊN ĐIỂU
NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0