Trong đơn kiến nghị vừa được gửi các bộ ngành, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chỉ ra từ cuối quý 4-2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp.
Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của doanh nghiệp, chi phí tài chính tăng cao. Dẫn chứng, doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1-2023 giảm tới 60% so với tháng trước và 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Toàn thị trường giảm tới 60%, ngành ô tô đối diện nguy cơ giảm sản xuất
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng thì cho hay, khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái ngày càng hiện hữu, làm ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao.
Dẫn chứng doanh số toàn thị trường ô tô từ cuối năm 2022 đã sụt giảm mạnh, kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô và cơ khí cũng bị ảnh hưởng nặng. Sản xuất đối diện với việc bị gián đoạn, sụt giảm đơn hàng.
UBND tỉnh Ninh Bình khi gửi văn bản tới Chính phủ và các bộ ngành đã dẫn chứng từ nhà máy sản xuất đặt tại địa phương này là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.
Việc sản xuất và tiêu thụ ô tô của Thành Công đều bị sụt giảm lớn: Tháng 1-2023 sản lượng tiêu thụ xe chỉ đạt gần 3.000 xe, giảm 4.939 xe (tương đương 62,5%) so với tháng 1-2021 và giảm hơn 3.700 xe (tương đương 55,8%) so với tháng 1-2022.
Trong đơn kiến nghị gửi Chính phủ của một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng chỉ ra, căn cứ thực tế thị trường những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường ô tô cả năm nay bị cảnh báo sụt giảm gần 17,5% so với năm 2022, tương đương tới 85.550 xe.
Trong trung hạn, việc sụt giảm trong năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến, ngay cả khi thị trường tăng trưởng ổn định và không bị tác động của các yếu tố như kinh tế, dịch bệnh…
Tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ ô tô để chặn đà suy giảm
Thị trường xe ô tô có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới, tương đương 1,8 triệu xe.
Trong dài hạn, mục tiêu xuất khẩu gần 90.000 xe và đạt 10 tỉ USD xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 có thể sẽ không đạt được, nếu như không có chính sách thúc đẩy kịp thời trong ngắn hạn và trung hạn.
Cùng với cộng đồng doanh nghiệp VAMI và VAMA, UBND tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình đã đề xuất tới Chính phủ và các bộ ngành liên quan những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe ô tô. Mục tiêu là nhằm tiếp tục gia tăng sản lượng lắp ráp ô tô trong nước và góp phần giải quyết việc làm, nhưng vẫn đảm bảo tổng thu ngân sách.
Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 1 đến hết tháng 6-2023. Đồng thời, giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian phù hợp.
Việc áp dụng chính sách cần thực hiện ngay trong quý 1-2023 và áp dụng xuyên suốt, để vừa hỗ trợ người tiêu dùng, kích thích nhu cầu tiêu dùng mua xe, cũng như giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền.
Hỗ trợ chính sách kịp thời giúp ngành duy trì tăng trưởng
Theo các doanh nghiệp sản xuất ô tô, việc áp dụng hai chính sách này trước đây đã giúp ngành vượt qua khó khăn của đại dịch và đứt gãy chuỗi cung ứng. Đơn cử, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã gián tiếp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước, thúc đẩy tiêu thụ lượng xe tồn kho, nối lại chuỗi cung ứng.
Báo cáo VAMA cho hay sản lượng sản xuất lắp ráp từ cuối tháng 6-2020 khi áp dụng chính sách đều đạt tăng trưởng tích cực, có thời điểm cuối năm lên tới trên 20%.
Việc giãn, hoãn nộp các loại thuế cũng giúp doanh nghiệp cân đối được nguồn vốn, đảm bảo thu chi, góp phần mở rộng đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận