05/10/2017 17:19 GMT+7

Nguy cơ mắc bệnh từ vật nuôi trong nhà

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Nuôi chó, mèo là một trong những sở thích của nhiều gia đình hiện nay, nên việc ôm hôn, chơi, thậm chí ăn cùng, ngủ cùng vật nuôi như chó, mèo... đã trở nên bình thường.

Nguy cơ mắc bệnh từ vật nuôi trong nhà - Ảnh 1.

Cũng chính vì thế mà nguy cơ lây bệnh từ vật nuôi sang người cũng phổ biến hơn. Người nuôi chó, mèo luôn phải đối mặt với các nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm từ vật nuôi do sự tiếp xúc gần gũi. Rất nhiều vi sinh vật gây bệnh từ vi khuẩn, nấm cho tới vi rút, trứng ký sinh trùng nguy hiểm… từ vật nuôi có thể lây sang người bất cứ lúc nào nếu người nuôi không biết cách phòng tránh.

Có rất nhiều đường lây truyền bệnh từ vật nuôi qua người và cũng có rất nhiều loại bệnh xuất phát từ việc lây truyền này. Trong phân, nước tiểu hay nước bọt… của vật nuôi có chứa nhiều loại vi khuẩn, trứng ký sinh trùng có thể gây nguy cơ mắc các bệnh; nguy hiểm nhất là bệnh giun, sán.

Người mắc giun, sán từ vật nuôi thường bị đau bụng, tiêu chảy, sút cân. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi ấu trùng ký sinh ở mắt, gan, tim, phổi, não. Còn nếu vật nuôi bị nhiễm bệnh dại và cắn người thì vi rút trong nước bọt của chúng sẽ lây sang con người. Nếu không được tiêm phòng cẩn thận, các triệu chứng của bệnh dại phát triển thì tỷ lệ sống sót của người bệnh là rất thấp.

Ngoài ra, vật nuôi còn có thể gây bệnh cho người qua đường hô hấp do hít phải lông của vật nuôi có chứa ký sinh trùng, vi khuẩn… gây dị ứng cho người hay làm khởi phát cơn hen suyễn…

Đặc biệt các loại chó to lớn và hung dữ như pitbull, becgie… rất dễ tấn công con người, có trường hợp chó nuôi tấn công chính cả người chủ. Trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương khi vật nuôi tấn công; do trẻ em thích đùa nghịch với vật nuôi cùng với việc chiều cao cơ thể chưa phát triển nên dễ bị tấn công và thường bị thương ở các vị trí nguy hiểm là đầu, cổ và mặt.

Nhiều trường hợp vật nuôi mang mầm bệnh nhưng không có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Do đó, kể cả khi vật nuôi có vẻ ngoài khỏe mạnh, người nuôi cũng cần lưu ý tắm rửa vật nuôi thường xuyên, dọn dẹp, vệ sinh nơi nuôi nhốt, tẩy giun sán định kỳ khoảng 6 tháng/lần, tiêm ngừa bệnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở các phòng khám thú y, không cho vật nuôi ăn thịt sống… Người nuôi cũng cần phải rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi; không ôm hôn, ngủ chung, ăn uống chung với vật nuôi.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên