23/11/2013 07:01 GMT+7

Nguy cơ đầu tư dàn trải trở lại

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Đây là nhận định của Diễn đàn phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế... do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức ngày 22-11.

Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM, nêu nội dung cơ bản của đề án tái cơ cấu nền kinh tế (CIEM là cơ quan chấp bút - PV) là phân bổ lại nguồn lực, Nhà nước sẽ giảm đầu tư, tăng cơ hội cho tư nhân, từ đó nâng cao hiệu quả... Kết quả hai năm qua đầu tư công đã giảm. Song đến nay, ông Cung cảnh báo: đang có nguy cơ “rất lớn” nới lỏng chính sách để đạt tăng trưởng GDP, tăng đầu tư, Nhà nước từng bước có thể khôi phục đầu tư kiểu dàn trải... “Vẫn thấy những quy hoạch bến cảng, sân bay mọc lên, không khác nhiều so với trước” - ông Cung nói.

Bên cạnh đó, trước đây VN đã đình giãn, hủy bỏ hàng trăm dự án. Nay do khó khăn kinh tế, đang có áp lực đến Chính phủ phải tăng chi tiêu, hoàn thành các dự án trên. Thực tế, theo ông Cung, một phần vốn trái phiếu chính phủ dự định phát hành thêm có thể sẽ phân bổ để thực hiện các dự án này...

Đánh giá tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Cung nêu “chậm”. Vấn đề quan trọng nữa, theo ông Cung, là bản thân tư duy tái cơ cấu vẫn không phù hợp: “Có vẻ doanh nghiệp nhà nước thoái vốn hiện nay để cắt lỗ chứ không phải phân bổ nguồn lực, chỉ bán doanh nghiệp thua lỗ, càng để càng lỗ”.

Ông Hồ Sỹ Hùng, cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - đầu tư), đã đưa số liệu rồi nhận định: lợi nhuận đang tập trung vào một số tập đoàn. Nhiều doanh nghiệp nhà nước khác rơi vào tình trạng nợ cao, kết quả kinh doanh thấp, mất vốn. Song đến hết tháng 8-2013, mới có 40 đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt. Dù nhận thức về tái cơ cấu đã cao, nhưng ông Hùng nói: các đề án còn thiếu phân tích, đánh giá rõ ràng về thực trạng tài chính để đặt ra yêu cầu tái cơ cấu tài chính. Ông Hùng cũng dẫn một báo cáo nêu cả năm 2013 mới tái cơ cấu được 25 doanh nghiệp và nêu: “Cần xem xét lại cách thức hoặc lộ trình cho phù hợp hơn”...

Thể chế được coi là “vấn đề của vấn đề”, nhưng ông Nguyễn Đình Cung nêu Ngân hàng Thế giới “chấm” chất lượng thể chế, đặc biệt trách nhiệm giải trình ở VN, chưa được 10/100 điểm. Tại VN, theo ông Cung, luật ban hành ít, nghị định mỗi năm lên đến gần 200, thông tư khoảng 600-700. Công văn của Chính phủ mỗi năm lên tới 3.000-4.000. Cho rằng thể chế xin - cho, xin - chia triệt tiêu động lực đổi mới, khiến phân bố nguồn lực bất hợp lý... và đây là một trong những lý do khiến VN ít thấy đại gia công nghiệp mà có nhiều đại gia tài chính và bất động sản...

Đề xuất cụ thể, ông Cung cho rằng chỉ cần VN giảm được 15 ngày trong thủ tục xuất nhập khẩu, GDP sẽ tăng thêm hơn 27 tỉ USD. Cũng nên bỏ bốn thủ tục gia nhập thị trường như: đăng báo, đăng ký lao động, đăng ký công đoàn, đăng ký bảo hiểm...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên