26/12/2015 16:40 GMT+7

Người Việt lên Google tìm giải trí là... bình thường thôi!

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Internet là một kho tàng kiến thức, giải trí… Ai muốn tìm kiếm điều gì cần thiết cho cuộc sống mỗi người là điều rất tự nhiên. Do vậy, người Việt tìm tin giải trí trên Google chẳng có gì là nhăng nhít hay “vô cảm với xã hội”.

Google vừa công bố danh sách các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2015 - Ảnh: Hoài Linh

Trên đây là một trong những nội dung mà bạn đọc Khánh Hưng gửi đến Tuổi Trẻ Online để bày tỏ quan điểm trước luồng ý kiến cho rằng người Việt "có vấn đề" khi Thế giới lên Google tìm thời sự nóng, còn người Việt tìm giải trí.

Góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Khánh Hưng.

“Mấy hôm rồi cư dân mạng lại xôn xao câu chuyện Google công bố kết quả các đất nước đang tìm kiếm gì trên trang của họ. Và kết quả trong khi nhiều nước tìm kiếm thời sự, chính trị thì người Việt tìm tin giải trí. Kết quả ngược này khiến nhiều người tỏ ra… lo ngại, còn tôi thấy điều đó rất bình thường.

“Khi nghe thông tin Google công bố, người Việt lên tiếng chê bai dân mình là… rảnh rỗi quá, suốt ngày đi tìm kiếm mấy thứ thông tin giải trí mà họ cho rằng nhăng nhít. Tôi lại thấy chính những người lên tiếng phê phán mới… rảnh rỗi. Internet là một kho tàng kiến thức, giải trí… Ai muốn tìm kiếm điều gì cần thiết cho cuộc sống mỗi người là điều rất tự nhiên”.

KHÁNH HƯNG

Bình thường là bởi số lượng người Việt lên Internet đa số là người trẻ và tất nhiên người trẻ họ sẽ ưu tiên những tin tức giải trí, những bài hát, bộ phim mà cộng đồng đang rất đón nhận. Tất nhiên, đó là một điều rất hợp tình, hợp lý và chẳng có gì là “vô cảm với xã hội” ở đây như nhiều người luôn “quan ngại sâu sắc”.

Tôi vẫn nghĩ Google chỉ là một công cụ tìm kiếm, Google không phải là thước đo cuộc sống ở mỗi đất nước.

Những người dân ở Singapore tìm kiếm trên Google nhiều nhất là thủ tướng Lý Hiển Long, những người dân Philippines tìm kiếm nhiều nhất là khủng bố Paris, hay người Việt Nam tìm kiếm “vợ người ta” phản ánh thực tế nhu cầu mỗi người dùng Internet. Điều đó không thể khẳng định “người Philippines biết quan tâm, sống yêu thương nhân loại, và người Việt Nam vô cảm” được.

Người Việt Nam có câu “cái gì không biết thì tra Google”, tức là những “vợ người ta”, những “không phải dạng vừa đâu” là những thứ họ cần biết, phù hợp với nhu cầu của riêng họ. Và không ai dám chắc rằng họ không quan tâm đến thời sự cả.

Bằng chứng là gần đây những câu chuyện như “con ruồi giá 500 triệu”, vụ án oan, vụ xây tượng đài, vụ du học sinh… cũng rất được nhiều người quan tâm. Và họ bày tỏ nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau trên nhiều diễn đàn, báo mạng, những thông tin mà họ chẳng cần Google tìm kiếm giùm.

Qua câu chuyện này, một lần nữa cho thấy thực tế người Việt… sính ngoại. Và tâm lý cái gì nước ngoài nói (như Google) đều tin đó là chân lý rồi quay lại chê chính đồng bào mình.

Tôi vẫn thấy chuyện người Việt tìm thông tin giải trí trên Google là điều rất bình thường, không có gì đáng trách hay đáng “quan ngại sâu sắc” ở đây cả. Mà điều đáng ngại ở đây là những người đang lấy Google ra làm thước đo cuộc sống!".

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên