02/01/2018 12:57 GMT+7

Người Việt làm sạch, ăn sạch khó vậy sao?

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Dân thành phố đổ tiền đi trồng rau. Nông dân được mùa mất giá vì chất lượng hàng không ổn định còn doanh nghiệp đỏ mắt tìm nguồn hàng xuất khẩu...

Người Việt làm sạch, ăn sạch khó vậy sao? - Ảnh 1.

Nguồn cung dừa hữu cơ cho chế biến, xuất khẩu đang giảm mạnh. Trong ảnh: người dân thu hoạch dừa để bán - Ảnh: Hữu Khoa

Đó là hệ quả của nền nông nghiệp VN còn mang nặng tính tự phát, không theo tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Kỳ vọng thay đổi với nhiều người có khi chỉ đơn giản là có thực phẩm sạch dùng mỗi ngày. Nhưng điều này chỉ thành hiện thực nếu mọi người bớt nghĩ cho riêng mình...

Đỏ mắt tìm hàng chất lượng cao

Chỉ trong vòng một năm, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) mất đi hơn một nửa diện tích dừa được chứng nhận hữu cơ. Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu, phó giám đốc Công ty Lương Quới, cho hay năm 2016 công ty được chứng nhận hữu cơ cho trên 4.000ha vườn dừa hợp tác với nông dân. 

Sản phẩm làm ra khá đa dạng gồm dầu dừa, sữa dừa, nước cốt dừa..., trong đó dầu dừa hữu cơ chủ yếu để xuất khẩu đi Mỹ với tiềm năng rất lớn. 

Thế nhưng đến năm 2017, khi đơn vị đánh giá theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ đến vùng dừa nguyên liệu của công ty khảo sát thì chỉ còn khoảng 2.000ha đạt chuẩn.

Nguyên nhân, theo bà Châu, do người dân trồng xen cây bưởi trong vườn dừa. Tiêu chuẩn hữu cơ yêu cầu không dùng phân hóa học, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, trong khi có người trồng bưởi... kiểu "tắm trong thuốc". 

"Cứ mấy tháng người dân phải bón phân hóa học một lần, còn thuốc bảo vệ thực vật thì một tháng phun hai lần" - bà Châu cho hay. Chính vì thế, những vườn dừa không đạt chứng nhận hữu cơ nữa. 

"Hiện tại, chúng tôi đang phải cố giữ những diện tích dừa còn lại và tìm các vùng dừa khác ngoài Bến Tre để làm dừa hữu cơ" - bà Châu nói.

Ông Trần Trung Vĩnh Thái - giám đốc Nhà máy Tài Tài, (TP.HCM), đơn vị chuyên chế biến các loại hạt ăn liền - cũng cho biết công ty này đã đạt chuẩn xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ. Tuy nhiên, nguồn đậu phộng do công ty phát triển không đủ, còn nguồn đậu bên ngoài lại không đủ tiêu chuẩn.

Ông Thái cho hay với nhu cầu hiện nay, công ty cần tới vùng nguyên liệu trồng đậu phộng 1.000ha, trong khi vùng nguyên liệu công ty tự phát triển chỉ có khoảng 200ha. 

"Chúng tôi đã đi nhiều nơi tìm kiếm đối tác cùng trồng đậu phộng nhưng chưa được. Cái khó là quy trình canh tác, chất lượng chưa đảm bảo..." - ông Thái nói.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại Bến Tre giải thích: có hai yếu tố dẫn đến chất lượng trái cây không đảm bảo: một số nông dân chỉ làm theo tiêu chuẩn của công ty trong giai đoạn đầu. Sau đó, khi đã đạt chuẩn, họ tính có thể bán cho các đơn vị khác nên mở rộng diện tích nhanh, dẫn đến mất kiểm soát chất lượng.

Nguyên nhân thứ hai là chất lượng các vật tư đầu vào trong nông nghiệp ở VN "không biết đâu mà lần". 

Dù trên bao bì ghi rõ thành phần, đối chiếu với yêu cầu của nước nhập khẩu đạt, nhưng khi sang đến nơi lại phát hiện chất cấm. Toàn bộ lô hàng bị trả về, hoặc tiêu hủy gây thiệt hại lớn. "Trường hợp này không phải nông dân làm sai, mà là những nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Họ đưa chất cấm vào sản phẩm để có hiệu quả cao nhưng không công bố" - vị giám đốc này nói.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nghịch lý nông sản dư thừa phải giải cứu cùng việc nhiều doanh nghiệp không đủ hàng xuất khẩu đã tồn tại từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chính vì người sản xuất nông sản của VN vẫn làm tự phát, không theo tiêu chuẩn cụ thể. Điều này dẫn đến việc nông sản thực phẩm trong nước cũng chưa đảm bảo an toàn, xuất khẩu càng khó hơn.

Bà Vũ Kim Hạnh (giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA):

Lập bộ tiêu chuẩn hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

nh

Nhiều doanh nghiệp VN dù được người tiêu dùng tín nhiệm và bình chọn là hàng VN chất lượng cao, sản phẩm có chất lượng, nhưng để đưa sản phẩm ra thế giới thì còn nhiều khó khăn.

Có hai lý do: doanh nghiệp không rõ yêu cầu của nhà nhập khẩu, hoặc biết nhưng không rõ cách để đạt được.

Thông thường các nước nhập khẩu đánh giá sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn mang tính chất toàn cầu như GMP, GlobalGAP, Organic...

Những tiêu chuẩn này đều do các tổ chức ở châu Âu, Mỹ lập ra và cấp chứng nhận. Doanh nghiệp VN khó tiếp cận và chi phí cao.

Vì vậy, Chương trình hàng VN chất lượng cao, BSA đã cùng với nhiều đơn vị trong nước, Bộ Khoa học - công nghệ lập ra bộ tiêu chí Hàng VN chất lượng cao đạt chuẩn hội nhập.

Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở những tiêu chuẩn bắt buộc mà các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới đang yêu cầu.

Bước tiếp theo, BSA sẽ làm việc với các đối tác chứng nhận để công nhận tiêu chuẩn của nhau nhằm giảm khó khăn, phức tạp cho nông dân, doanh nghiệp VN.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên