Dự tiệc cưới đúng giờ: chuyện không tưởng?Ăn cưới giờ "dây thun": không muốn văn minh, lịch sự?“Giờ dây thun” ở tiệc cưới: Người Sài Gòn sao lại thế?
Phóng to |
Nhiều người Việt thường rất hấp tấp (chẳng hạn thói quen thích vượt đèn đỏ) nhưng lại hay trễ giờ. Trong ảnh: vượt đèn đỏ tại một giao lộ - Ảnh: T.T.D |
“Đi trễ 1-2 giờ là điều hiển nhiên”
Đầu tiên cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đám cưới ngày nay mời khách rất tràn lan, đôi khi chỉ vì nể nang hoặc “tranh thủ” mối quan hệ... Chính vì sự tràn lan này nên khách thừa biết đến sớm sẽ chẳng có ai để trò chuyện. Tôi từng vài lần rơi vào trường hợp ngồi “tự kỷ” toàn tập vì được xếp chung bàn toàn với bô lão/quý cô uống nước ngọt, trong khi các bàn kế bên thì thay phiên “dô” rất nhiệt tình. Hỏi trường hợp này ai không bị ức chế? Nên đến trễ là để cắt ngắn khoảng thời gian “cực hình” này.
Kế tiếp, tại sao lại gán lỗi cho người dân Sài Gòn trong khi ai cũng biết đây là nơi mà dân tứ xứ đổ về? Chưa kể phố xá Sài thành chật chội, dân cư đông đúc... và nhịp sống của người dân nơi đây áp lực, bận rộn hơn hẳn so với những nơi khác nên việc họ đi trễ 1-2 giờ là điều hiển nhiên. Chừng nào gia chủ chưa quyết tâm khai tiệc đúng giờ ghi trên thiệp thì chúng tôi cũng tranh thủ dùng thời gian một cách thông minh hơn chứ. Trung bình một đám cưới mời 400 người, nếu tới đúng giờ và chỉ ngồi không thì chẳng phải xã hội phí 400 giờ đồng hồ quý giá sao? Cứ lấy con số này nhân lên với số đám cưới diễn ra mỗi ngày sẽ thấy phung phí cỡ nào. Thời gian là vàng bạc mà, ai dại thì ráng chịu...
Cuối cùng, tôi thấy nhiều người hay lý sự rằng người Mỹ, người Nhật, hay người Singapore đúng giờ thế này thế nọ..., thế các bạn có biết người Tây Ban Nha, người Pháp... cũng rất nổi tiếng về “giờ dây thun”? Mời bạn đến nhà dùng bữa hay dự tiệc lúc 7g tối, bạn đến đúng 7g sẽ nhận được cặp mắt tròn xoe đầy kinh ngạc từ họ đấy vì mọi thứ đều chưa sẵn sàng. Khi phê phán một điều gì đó ở trong nước cũng nên khách quan và thực tế một chút, đừng đem một nước nông nghiệp so với những “đầu tàu” của thế giới. Khập khiễng lắm!
Thích vượt đèn đỏ nhưng thường trễ hẹn
Có lần tôi đi dự đám cưới một đồng nghiệp. Đến nơi lúc 17g15 đã thấy ông tổng giám đốc người Đức có mặt ở đó. Điều buồn cười là cô dâu chú rể vẫn chưa đến. Tôi buột miệng hỏi sao ông đến sớm vậy, ông nhún vai trả lời: “Tôi đến đúng giờ chứ đâu có sớm!” (quả thực thiệp cưới ghi giờ đón khách là 17g). Ông bảo những đám cưới ở VN ông tham dự đều như vậy và rút ra nhận xét: người Việt ít khi đúng giờ.
Có điều nực cười là trong một số buổi hội thảo mà tôi từng dự, nếu ban tổ chức thông báo trước là trong chương trình có phần tặng quà của nhà tài trợ (hoặc của ban tổ chức) là y như rằng, đợi gần đến giờ phát quà người ta mới lục tục kéo đến chứ ít ai đi đúng giờ.
“Giờ dây thun” còn rất phổ biến trong các buổi họp. Không đề cập đến các buổi họp đột xuất, họp khẩn, còn thì đa số cuộc họp đều được báo trước với giờ giấc, nội dung cụ thể để người dự họp chuẩn bị. Thế nhưng, trong các buổi họp mà tôi từng tham dự, nhiều người vẫn đến trễ. Có người vì bận việc, có người... chưa chuẩn bị kịp tài liệu, thậm chí có người đơn giản là... quên!
Khi bạn tôi chia tay người yêu vì anh chàng này thường trễ hẹn, ai cũng bảo cô ấy quan trọng hóa vấn đề vì trong các “tiêu chí” để đánh giá một con người, “trễ hẹn” thường chẳng là gì so với những khuyết điểm khác. Nhưng tôi đồng tình với cô bạn vì thói quen trễ hẹn cho thấy anh người yêu chẳng tôn trọng đối phương (chưa nói đến sự tự trọng của anh ta). Một người như thế có đáng tin cậy để trao gửi cuộc đời?
Vài lần trễ hẹn có thể được châm chước, nhưng cứ lặp đi lặp lại hoài thì chính bạn đã tạo cho mình một ấn tượng không tốt với người khác. Ngoài ra tôi cũng thường thắc mắc vì sao rất nhiều người Việt thường rất hấp tấp (chẳng hạn thói quen thích vượt đèn đỏ... dù chỉ có thể đi nhanh hơn vài giây so với bình thường) nhưng vẫn thường trễ giờ trong các cuộc hẹn?
25 phút ngồi trên “chảo lửa” Tôi và đứa em bay từ Texas qua California để tham gia một tour du lịch sáu ngày vòng qua các điểm Los Angeles - Las Vegas - San Francisco. Phần lớn khách là người nước ngoài, chính vì vậy chúng tôi rất mừng khi biết trong đoàn có hai người đồng hương. Nhưng niềm vui đó không kéo dài được lâu... Đón taxi vào ban đêm ở Los hay San Francisco rất khó (kẹt xe ở TP Los phải gọi là kinh khủng), chuyện đợi cả giờ để đón được một chiếc là bình thường. Khi cần taxi, mọi người sẽ nhờ tiếp tân khách sạn gọi giúp rồi ngồi đợi trong sảnh để xe đến thì chạy ra cho kịp. Trong khi đó hai anh chị người Việt cùng đoàn cứ thản nhiên xách máy ảnh đi chụp quanh khuôn viên khách sạn... vì cho rằng “gọi xong thì cả giờ sau xe mới đến!”. Thế là mỗi lần xe đến chúng tôi lại phải gọi điện cho họ, mặt khác phải ríu rít xin lỗi những vị khách khác cũng đang ngồi đợi (do người phương Tây luôn sẵn lòng nhường xe cho người đến trước). Xuyên suốt chuyến đi, chị hướng dẫn viên du lịch luôn lặp đi lặp lại câu nói “xin vui lòng quay lại đúng giờ” mỗi lần xe dừng lại ở các điểm tham quan, dừng chân. Thế nhưng, vẫn luôn có vài vị khách về trễ (người thì 5 phút, kẻ 10 phút) và hai anh chị trên luôn nằm trong nhóm này. Trước khi cho khách xuống xe ở Grand Canyon, chị hướng dẫn viên một lần nữa nhấn mạnh rằng mọi người cần quay lại xe đúng giờ quy định, vì từ Grand Canyon về lại Las Vegas rất dễ bị kẹt xe, sẽ ảnh hưởng đến lịch hoạt động vào ban đêm của chương trình. 15g, đúng giờ hẹn, mọi người đã có mặt đầy đủ trên xe. 15g10 đã điểm, thế mà hai anh chị người Việt vẫn chưa thấy đâu. 15g15, chị hướng dẫn viên du lịch rời xe và chạy đi kiếm (vì trên núi không có sóng điện thoại). Cuối cùng hai anh chị kia cũng có mặt trên xe lúc... 15g25, và chị hướng dẫn viên về lại xe lúc 15g40 với vẻ mặt phờ phạc và tóc bám đầy tuyết. Chúng tôi nghe loáng thoáng sau lưng những câu xì xầm: “Họ là người Việt đấy!”, “Người Việt đấy!”... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận