07/11/2021 11:46 GMT+7

Người Việt dần xa Biển hồ Tonle Sap - Kỳ 1: Biển hồ như quê hương thứ hai

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Những xóm bè co cụm, nổi trôi ở Biển hồ Tonle Sap (Campuchia), gắn liền với nhiều thế hệ người gốc Việt làm nghề chài lưới.

Người Việt dần xa Biển hồ Tonle Sap - Kỳ 1: Biển hồ như quê hương thứ hai - Ảnh 1.

Một gia đình 3 thế hệ người gốc Việt ở Sa Son (tỉnh Pursat, Campuchia) trên chiếc ghe đã cũ mục

Nhưng những năm gần đây, họ dần phải lên bờ tìm cuộc sống mới khi biển hồ ngày càng cạn kiệt cá mú và những xóm bè ngày càng lạc lõng, khó khăn...

Biển hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt rộng lớn nhất Đông Nam Á, có chu vi vắt qua 5 tỉnh của Campuchia (Pursat, Battambang, Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Chhnang), còn là khu vực sinh sống của rất đông người gốc Việt ở Campuchia. Họ sống trên những căn nhà nổi, quần tụ ven các cánh rừng, hoặc gần những con sông chảy ra Biển hồ.

Có từng đến Biển hồ những năm đầu thập niên 1980, mới hiểu vì sao nhiều bà con người Việt tụ về đây sinh sống. Bởi cá mú nhiều quá, nhiều đến mức như thọc tay xuống cũng có thể bắt được, chỉ vài mẻ lưới là xuồng chở không hết.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Dũng (cựu quân y sư đoàn 303, sang tình nguyện chiến đấu, giúp nước bạn Campuchia)

Người Việt lâu đời ở Campuchia

Các thư tịch cổ đều kể người Việt và người Khmer ở Campuchia đã cùng chung sống từ xa xưa ở dải đất phía Nam này. Người Việt có mặt đông nhất ở Campuchia vào thời kỳ Pháp thuộc, chiếm đến 70% nhân lực ngành công nghiệp cao su và thường chịu nhiều thiệt thòi trong những giai đoạn lịch sử trầm luân của nước này.

Từ năm 1970 - 1975, chính quyền Cộng hòa Campuchia do ông Lon Nol đứng đầu đã sát hại hàng ngàn người Việt ở Campuchia và buộc hồi hương gần 170.000 người Việt. Chính quyền Lon Nol chấp nhận cho Hải quân Việt Nam cộng hòa đưa tàu sang chở hàng trăm ngàn người gốc Việt hồi hương. Người gốc Việt sau năm 1975 từ gần 600.000 người xuống chỉ còn 200.000 người.

Thời Khmer Đỏ, người gốc Việt lại tiếp tục bị sát hại. Các tài liệu của Campuchia ghi nhận đã có trên 170.000 người gốc Việt bị Khmer Đỏ lùa sang Việt Nam. Đặc biệt, rất nhiều người gốc Việt ở lại phần bị giết, bị đói, bệnh tật mà chết.

Ông Vũ Mạnh Hà, cựu sĩ quan QĐND Việt Nam trong đoàn quân sang giúp Campuchia khỏi ách Khmer Đỏ, nhớ lại sau khi Khmer Đỏ bị đánh bại, người ta chứng kiến một làn sóng người gốc Việt trở lại Campuchia. 

"Lúc đó là Campuchia sau thời Khmer Đỏ, cái gì cũng thiếu. Từ nhu yếu phẩm cho đến thiếu anh thợ hớt tóc, anh thợ hồ, chị thợ may... Trong những tháng năm xây dựng lại đất nước Campuchia sau khi bị Khmer Đỏ tàn phá, chính những người Việt sang giúp đất nước Campuchia làm lại từ đầu" - ông Hà kể.

Ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt Nam, nhớ lại: "Nền kinh tế Campuchia phát triển được như ngày nay, cộng đồng người Việt ở đây có công rất lớn. Khi Campuchia được giải phóng khỏi Khmer Đỏ bị thiếu thốn đủ thứ, người Việt vừa làm vừa hỗ trợ cho nước bạn đến khi họ tự đáp ứng được nhu cầu của mình".

Người Việt dần xa Biển hồ Tonle Sap - Kỳ 1: Biển hồ như quê hương thứ hai - Ảnh 3.

Trẻ em ở Biển hồ Tonle Sap chập chững đã biết nghề cá

Khi Biển hồ kiệt cá

Ở Biển hồ Tonle Sap, khi đất nước Campuchia qua nạn diệt chủng, người Việt chạy loạn khắp nơi lại quay về đây như quê hương thứ hai khó lìa xa. Lý giải điều này, ông Chanhty Jutha, một nhà nghiên cứu ở Phnom Penh, cho rằng với không ít người gốc Việt, Biển hồ nhiều tôm cá còn là quê hương chôn nhau cắt rốn, là nơi ông bà họ nằm xuống...

"Lối sống truyền thống trên mặt nước từ lâu đã trở thành đặc trưng văn hóa của cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia. Người Việt đã gắn bó với con thuyền và sông nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không chỉ nhờ dòng sông để đi lại, buôn bán mưu sinh, người dân thường dùng chiếc bè nuôi thủy sản và làm nhà ở.

Rồi nhiều nhà ghe, nhà bè cùng quần tụ, lập lên những làng nổi, làng chài, xóm chài trên sông. Lối sống lâu đời đó ăn sâu vào tâm trí người dân khi hầu hết sinh hoạt đều lấy chiếc ghe và sông nước làm chính. Ngôn ngữ sinh hoạt mang dấu ấn sông nước một cách hết sức tự nhiên và gần gũi" - vị chuyên gia này nói.

Theo số liệu mới nhất của cơ quan hữu trách ở Campuchia, hiện có khoảng 8.000 hộ người gốc Việt sinh sống trên mặt nước (mặt sông và Biển hồ), trong đó hơn một nửa (khoảng 4.500 hộ) sống trên các nhà bè, ghe trên Biển hồ.

Mỗi khi đến Biển hồ, chúng tôi thường bắt đầu từ cửa ngõ Kampong Luong, (huyện Krako, tỉnh Pursat). Ở đây có con đường bộ từ tỉnh lỵ vắt qua mé Biển hồ. Nơi đây một thời được gọi là "thành phố nước" với gần 1.000 nhà bè san sát nhau. Những "khu phố nổi" này cứ di chuyển liên tục trong năm. Đến mùa nước lên, cư dân chống... nhà lên hướng rừng. Mùa nước rút, họ lại di chuyển về hướng lòng Biển hồ.

Ông Lê Hoàng, chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tỉnh Pursat, kể lúc đông đúc, Kampong Luong có 831 nóc gia với 3.314 người sinh sống trong các nhà nổi. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, đáng lẽ dân số sinh sôi theo quy luật thông thường thì dân ở đây đã giảm hơn một nửa. "Biển hồ giờ kiệt cá, kiếm sống khó khăn nên người ta phải tìm nơi khác để mưu sinh" - ông Lê Hoàng nói.

Ông Lê Văn Thảo (55 tuổi), ấp Lung Ren, xã Can Dung, huyện Krako, tỉnh Pursat, tâm sự người gốc Việt ở đây rất mê cá. Họ đi gần xa mặc sức, nhưng tới mùa cá là họ lại trở về Biển hồ. "Nhưng cá cạn kiệt thì đời sống ngày càng khánh kiệt" - ông Thảo thở dài.

"Ở Biển hồ này giờ cái gì cũng có, ngoài con cá" - ngư dân Thảo nói vui chua chát điều không thể ngờ về cái nôi cá nước ngọt. Nước rút, phố nổi Kampong Luong trở thành những căn nhà kẹt chơ vơ trên gò đất. Người Việt ở đây nói họ cũng bị "mắc cạn" khi nguồn sống là cá tôm giờ hiếm hoi. Nguồn sinh kế quan trọng nhất của họ không còn như một thời Biển hồ được ví như vựa cá của Mekong.

Ông Nguyễn Văn Ngàn (54 tuổi) kể mình theo cha mẹ sang Biển hồ này từ nhỏ. Đến giờ, ông không biết "mặt mũi" Việt Nam ra sao. Nhưng ở Biển hồ thì ngày càng "khó sống".

Một thực tế ở Biển hồ Tonle Sap là những thế hệ người gốc Việt di cư hay sinh ra ở đây cũng không nhiều người biết nói và viết chữ Khmer bản xứ. 

"Người lớn thì do thời cuộc đã sống nổi trôi, rày đây mai đó. Còn trẻ nhỏ mở mắt ra nhìn trời, úp mặt xuống thấy nước, ít biết đến nơi đâu xa hơn. Chập chững đã có nghề con cá nên không mê học chữ nghĩa, học nghề nghiệp khác để làm gì..." - ông Kim Minh, người sinh sống từ nhỏ ở rạch Le Quyt, Biển hồ, chia sẻ lý do khiến nhiều thế hệ người gốc Việt ở đây sống co cụm, yếu thế, khó hòa nhập với xã hội chung của Campuchia.

"Phải nhìn nhận thực tế là rất nhiều người gốc Việt ở Campuchia không học nhiều. Họ sống an phận với con cá trên Biển hồ, lo hôm nay không biết đến ngày mai. Cho nên những xóm dân ngày trở nên lạc lõng, co cụm, chẳng biết làm gì ngoài nghề cá. Đến khi cá tôm cạn kiệt thì họ mới thấy cảnh khổ" - ông Ngô Văn Ly ở Sa Son (Pursat) tâm sự. 

Ông Ly nói để thay đổi, nhiều năm qua ông cố gắng duy trì lớp học cho trẻ em ở khu xóm bè của ông. Nhiều lần lớp học suýt giải tán vì thiếu trường, thiếu thầy, thiếu tiền, nhưng rồi khó khăn cũng vượt qua.

"Sắp tới, tôi mong người Việt ở đây nghĩ xa hơn. Phải có cái nghề để sống chứ không phải bấp bênh, lạc lõng mãi ở Biển hồ" - ông Ly nói.

Ông Châu Văn Chi chia sẻ do tập quán bám mặt nước để sống mà nhiều xóm dân gốc Việt ở Biển hồ sống gần như biệt lập. Bà con sống gần với bản năng và ngại thay đổi. Thế nhưng những năm gần đây, người gốc Việt phải lần lượt rời Biển hồ vì sinh kế khó khăn.

********

Thắt ngặt ở Biển hồ, nhiều người gốc Việt đã rời đi để kiếm kế sinh cơ. Nhưng rồi đến mùa cá, họ lại rủ nhau trở về Biển hồ. Cái vòng luẩn quẩn kéo dài từ nhiều năm nay...

>> Kỳ tới: Đi đâu rồi cũng về lại Biển Hồ

Người gốc Việt ở Campuchia bắt đầu di dời khỏi sông Tonle Sap Người gốc Việt ở Campuchia bắt đầu di dời khỏi sông Tonle Sap

TTO - Hàng chục ngàn người gốc Việt sinh sống lâu đời tại các làng bè trên sông Tonle Sap đang lao đao vì dịch bệnh, giờ càng khó khăn hơn khi chính quyền thành phố ban hành lệnh di dời khẩn cấp.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên