03/02/2012 09:14 GMT+7

Người Việt chinh phục đại dương - Kỳ 7: Những người đi biển quả cảm

 QUỐC VIỆT
 QUỐC VIỆT

TT - Thế kỷ 19, nước Việt đã có các hải đội viễn dương thường xuyên vượt biển đến những quốc gia xa xôi. Mỗi hải trình ròng rã hàng tháng, xuyên qua các vùng biển nhiều hải tặc và dông bão hiểm nguy... Điều này chứng tỏ người Việt đã làm chủ được kỹ thuật đóng tàu biển và thông thạo kỹ thuật hàng hải. Nhưng tiếc thay, một giai đoạn lịch sử đầy biến động đã xóa nhòa dấu vết đội tàu kiêu hãnh của nước Việt.

ZaWJFut9.jpgPhóng to
Tàu viễn dương giống kiểu tàu Phấn Bằng từng chở nhiều người Việt xuất ngoại - Ảnh tư liệu

Phấn Bằng, Linh Phượng...

Những ngày ở Huế, tôi đã cố gắng tìm lại dấu vết các hải đội viễn dương một thời vang bóng. Nhà sưu tầm cổ vật Hồ Tấn Phan xứ kinh thành xưa tâm sự rằng ông cũng đã dành nhiều tâm huyết cho mục đích đó. Tiếc là trong khi chính sử lẫn tài liệu nước ngoài ghi chép khá kỹ thì dấu vết hiện vật lại mờ nhạt như sương khói lịch sử. “Tuổi đời cổ vật một, hai thế kỷ chỉ là chớp mắt của thời gian. Nhưng tại sao những hải đội đó lại không được lưu lại bảo tàng chiếc nào? Có lẽ khi đoàn quân lê dương Pháp đổ bộ lên nước Việt, triều đình nhà Nguyễn suy yếu đã làm đình trệ, tan rã nhiều công cuộc quốc gia. Trong đó có cả nền công nghiệp hàng hải tự hào một thời” - ông Hồ Tấn Phan ngậm ngùi.

Giở lại các bộ sử đã ố màu thời gian như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có thể tìm thấy hàng chục tên thuyền vượt biển của người Việt đã từng ngang dọc viễn dương như Phấn Bằng, Linh Phượng, An Dương, Vân Bằng, Thụy Long,Thanh Loan, Tiên Ly, Tường Hạc, Thanh Dương, Tĩnh Dương, Kim Ưng... Đây là loại thuyền lớn được bọc đồng chắc chắn để đi biển và nhiều chiếc trang bị đầy đủ vũ khí hải chiến. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép rằng năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đã có đội thuyền đồng nhiều dây 21 chiếc và cho đóng thêm chín thuyền nữa để đủ hạm đội 30 chiếc. Về sau nhiều chiếc được sửa chữa và tiếp tục đóng mới. Trong đó, những thuyền lớn nhất là Thụy Long, Linh Phượng, Thanh Loan, Phấn Bằng với chiều dài gần 10 trượng và rộng hơn 2 trượng, sâu gần 2 trượng (nhà Nguyễn thường tính chiều dài thuyền bằng thước mộc với 1 trượng = 10 thước, 1 thước = 0,425m).

Thời Nguyễn Ánh, các loại thuyền lớn này được kết hợp với kỹ thuật đóng tàu Pháp tại Sài Gòn. Sang triều Minh Mạng, công xưởng đóng tàu chính ở Huế, nhưng các địa phương Sài Gòn, Nghệ An, Thanh Hóa... vẫn tiếp tục được giao đóng và trưng dụng thợ thuyền, gỗ quý. Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Thế Anh, ba lần Nguyễn Tri Phương xuất ngoại đến Indonesia thì hai lần đi bằng thuyền bọc đồng Thụy Long, một lần thuyền Phấn Bằng. Ngoài ra, những thuyền bọc đồng khác như Linh Phượng, Thanh Loan, Thanh Dương cũng được triều đình thường xuyên dùng làm phương tiện đi nước ngoài. Nhân vật lịch sử Cao Bá Quát cũng được nhắc từng xuất ngoại với Đào Trí Phú và trở về bình an. Lênh đênh hải trình, ông để lại cho hậu thế các bài thơ Hồng Mao hỏa thuyền ca và Dương phụ hành, kể lại những gì mắt thấy tai nghe về tàu hơi nước và phụ nữ phương Tây.

Đặc biệt, do hải tặc hoành hành, thuyền viễn dương công phái của nước Việt đều được trang bị vũ khí từ giáo mác, câu liêm đến các loại súng dài, pháo, ống phun lửa để sẵn sàng cận chiến và xa chiến. Nhiều chiếc thuyền đã trở thành chiến hạm làm nhiệm vụ tuần biển chống cướp biển mà chủ yếu là giặc Tàu Ô từ Trung Hoa. Chiếc thuyền bọc đồng Thanh Loan từng chở Đào Trí Phú đến Indonesia có lần tả xung hữu đột hải chiến với cùng lúc hơn 20 tàu giặc và đã bắn chìm hai chiếc, làm số còn lại phải khiếp sợ bỏ chạy. Chiếc Linh Phượng dưới sự điều khiển của quản vệ thủy sư Lê Tư và võ quan Tôn Thất Chu, Đặng Kim Giám cùng biệt đội lính thủy đã đánh bại cả đội tàu giặc dám trở lại vùng biển nước Việt. Đại Nam hội điển sự lệ kể rằng thường giặc biển nhìn thấy thuyền bọc đồng hạng lớn của triều đình đều bỏ chạy. Chính các trận hải chiến đã giúp triều đình rút kinh nghiệm cho đóng thêm loại thuyền nhỏ, nhẹ hơn thuyền bọc đồng để có lợi thế tốc độ truy kích giặc.

Khéo léo và dũng cảm

Thuyền trưởng Mỹ John White đến nước Việt năm 1819 nhiều lần miêu tả khả năng vận hành tuyệt vời của thủy thủ bản xứ: “Nhiều chiếc thuyền có đến chín tay chèo đi lên Sài Gòn đã vượt qua chúng tôi với một tốc độ đáng kinh ngạc”. Trong chuyến ngược ra miền Trung, John White cũng rất thú vị với kỹ thuật đi biển của ngư dân. Ông mô tả họ như nhảy múa trên sóng với những chiếc thuyền nhỏ mà không có giọt nước nào bắn vào thuyền. Phân tích lợi thế kinh doanh thương mại hàng hải phương Đông, John White trong nhãn quan thương nhân viễn dương cũng khẳng định miền Nam nước Việt có thể là nơi tốt nhất, nhờ những chỗ đậu tàu tuyệt vời với một lực lượng hải quân hùng hậu bảo vệ.

Trong lúc những nhà hàng hải khác như John Barrow không ít lần khen ngợi kỹ thuật đi biển của người Việt thì Michel Đức Chaigneau, con trai một người Pháp lấy vợ Việt, từng sống nhiều năm ở Huế dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, đã kể tỉ mỉ: “... Những người sử dụng mái chèo với sự khéo léo, tài tình đáng kinh ngạc. Ở một thuyền chiến thường có đến 70 lính thủy chèo thuyền, hiếm khi có người lơi tay chèo trong toàn thể”.Trong hồi ký, người Pháp lai Việt này dành nhiều nội dung kể hải quân nước Việt đầu thế kỷ 19 và khẳng định có ít nhất 700-800 thuyền với chiến hạm đủ cỡ, nhiều chiếc được trang bị đến 22 khẩu đại bác.

Đặc biệt, tài liệu thú vị khác do chính nhà nghiên cứu hàng hải Vũ Hữu San, cựu sĩ quan hải quân, sưu tầm. Từ nhật ký The eastern seas on voyages and adventures in Indian archipelago in 1832 của nhà hàng hải Goerge Windsor, Vũ Hữu San trích đoạn khi ông đang trên đường dẫn một thương thuyền đến Singapore: “Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra sáu chiếc thuyền nhỏ của người Việt đang giương hết mọi cánh buồm, cứ thản nhiên như không, tiến thẳng tới trước. Mấy người mại bản Trung Hoa trên tàu chúng tôi đứng sững sờ ngắm các giàn buồm no gió một hồi... rồi sau khi nhận diện được, họ la lên một cách thán phục: “Lại mấy người Việt đấy, thật lì quá trời”. Tôi nghĩ (lời thuyền trưởng Goerge Windsor) mấy người Việt đó đang lèo lái các con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lướt gió thật tài tình”.

Vũ Hữu San trích tiếp: “Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào ở châu Âu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong mùa biển động như vậy. Thật thú vị nếu được quen biết những người Việt này”. Chính sử Việt cũng ghi nhận như Goerge Windsor mô tả khi triều Nguyễn đã cử nhiều lượt thuyền buồm xuất ngoại thành công. Thậm chí sử Việt khẳng định Tân Gia Ba (Singapore) là hải ngoại gần, như vậy thuyền Việt đã từng tiến xa hơn nữa trên các đại dương.

-----------------------------------------------

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Khát vọng tàu hơi nước Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả Kỳ 4: Trong mắt một thuyền trưởng Mỹ Kỳ 5: Thủy quân triều Nguyễn Kỳ 6: Người Việt xuất ngoại

-----------------------------------------------

Suốt hàng thế kỷ, làng nghề đóng tàu Cổ Lũy, với biết bao thế hệ thợ đã từng đóng các con tàu lịch sử vượt Hoàng Sa, Trường Sa, vẫn tồn tại và tiếp tục vươn ra biển đảo của Tổ quốc.

Kỳ cuối: Cổ Lũy vượt sóng biển Tổ quốc

 QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên