Trong đó, đặc biệt là các hồi ký, du ký, bài báo do chính họ viết về những hải trình thám hiểm, giao thương đầy thú vị với người Việt. Và một trong số đó là hồi ức của viên trung úy thuyền trưởng người Mỹ John White trên chiếc tàu Franklin.
Kỳ 1: Khát vọng tàu hơi nước Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả
Phóng to |
Một loại thương thuyền linh hoạt do John White vẽ lại - Ảnh tư liệu |
Đến vùng biển người Việt
Trong thư phòng bạc màu thời gian, các nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, Nguyễn Hữu Châu Phan đã không tiếc thời gian lục tìm cho tôi xem tài liệu ghi chép của những nhà hàng hải quốc tế về con đường và kỹ thuật chinh phục biển của người Việt xưa. Điều rất thú vị là không chỉ người Pháp đến từ các chiến thuyền nặng ân oán cả trăm năm với đất nước này, mà nhiều cường quốc hàng hải như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Mỹ đều đã ngược xuôi trên vùng biển Đông của người Việt từ rất sớm.
Quê hương ở tận Massachussetts, trung úy thuyền trưởng John White đã khởi hành từ đầu tháng giêng năm 1819 trên chiếc tàu Franklin qua nhiều vùng biển, hải cảng, kể cả những cuộc chiến đấu với hải tặc Malacca và mãi đến ngày 7-6 mới tới Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Trong hồi ký “Chuyến đi đến Nam Hà” được phát hành năm 1824 ở London, vị thuyền trưởng có cả máu thám hiểm lẫn thương buôn kể rằng: “11 giờ ngày 7 (tháng 6 năm 1819 - PV), chúng tôi đã thấy được Cap Saint Jacques ở phía bắc đông bắc. Mũi này là nơi khởi đầu của một dãy núi chạy dọc theo bờ biển về hướng bắc... Đây chính là vùng đất cao đầu tiên mà người ta nhận thấy được khi đi từ phương Nam lên và nó tạo thành một điểm mốc tuyệt vời cho lối vào con sông Donnai (Đồng Nai - PV) nằm ở phía bắc mũi đó. Chúng tôi đi theo hướng mũi đất ấy... vào được trong một cái vịnh nhỏ hình bán nguyệt có phong cảnh rất đẹp ở dưới chân núi. Xa xa bên trong cái vịnh ấy có làng Vũng Tàu, làng này đã cho vùng biển này tên gọi là Vũng Tàu...”.
John White đã kể tỉ mỉ mình neo tàu ở vùng nước sâu năm sải và chỉ cách làng Vũng Tàu một hải lý. Ông khen đây là nơi đậu tàu an toàn đến tuyệt vời. Mục đích của thuyền trưởng người Mỹ này là vào sâu Sài Gòn qua cửa Cần Giờ để tìm cơ hội buôn bán. Nhưng ông ta đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục nhập cảnh phức tạp, kể cả phải ngược ra Huế xin phép nhà vua. Tuy nhiên, chính thời gian phải neo chờ và thực hiện hải trình dọc bờ biển ra kinh thành Huế, John White đã được tận mắt chứng kiến và khen ngợi kỹ thuật đóng tàu cùng khả năng đi biển của người Việt.
Những con tàu bản xứ đáng ngưỡng mộ
Hồi ký John White đã miêu tả chân thực khi chiếc Franklin “chạm trán” với thuyền Việt: “Những thuyền bè bản xứ với sự hoạt động lẹ làng của chúng đã làm chúng tôi tràn trề lòng ngưỡng mộ. Chúng đã chở được 5-500 tấn, nhưng những chiếc chở được 15-30 tấn đã thống trị số tàu này. Chúng rất dài, hai đầu thon mảnh và cong lên một cách mạnh dạn ra khỏi mặt nước... Điều này sẽ khiến người ta nghĩ rằng những chiếc thuyền ấy chỉ lấy gió một cách khó khăn. Trường hợp này lại không phải như vậy...”. Miêu tả những chiếc thuyền bản xứ ở vùng biển Vũng Tàu - Cần Giờ, ban đầu viên thuyền trưởng đến từ cường quốc hàng hải Mỹ đã chỉ ra một loạt những cấu tạo như là kỹ thuật đóng tàu riêng của người Việt có vẻ bất bình thường. Nhưng sau đó, chính ông là người đã chứng thực và khen ngợi khả năng vận hành tuyệt vời của chúng.
Đặc biệt, John White cũng không tiếc lời ngợi khen những chiếc thuyền có cấu tạo độc đáo bằng mê tre rất thông dụng là ghe bầu đi buôn hay giống như hải thuyền của các hải đội Hoàng Sa sử dụng: “Chúng tôi rất kinh ngạc thấy rằng có một số chiếc trọng tải quá 50 tấn mà có đáy thuyền làm bằng tấm phên tre... được đan sít sao và gồm có hai phần, mỗi phần tạo thành một bên đáy thuyền nằm dưới cái đai mạn thuyền. Những bộ phận của loại thuyền này dài hơn, mập hơn những bộ phận của loại thuyền khác. Người ta có thể tháo rời ra và ráp chúng lại một cách dễ dàng mà không có gì nguy hiểm. Mặt khác, vì mỗi năm chúng chỉ đi có một chuyến theo đợt gió mùa thuận lợi, mỗi lần dỡ hàng xong thì chúng được tháo rời ra và đem cất giữ để tránh thời tiết xấu. Đáy loại thuyền này cũng như đáy các loại thuyền khác đều có phết loại nhựa dính dầu và vôi, hỗn hợp rất đều, tạo thành một hợp chất dính rất bền, tuyệt đối không thấm nước và chống lại sự tấn công của các loài sâu hà một cách hữu hiệu...”.
Khi mô tả khả năng lướt sóng của những chiếc thuyền mê tre độc đáo này, John White viết: “Những chiếc thuyền ấy rất bền, khi buồm no gió chúng được đẩy nhanh và đi biển rất tốt. Thuyền có hai hoặc ba cánh buồm được cắt rất sắc sảo và được làm rất thích đáng... Những cánh buồm ấy đều làm bằng đệm lát, những cánh buồm của thuyền buôn đều có dây thu buồm xỉn màu đen. Theo nguyên tắc chung ở phương Đông, những mỏ neo đều làm bằng gỗ và chỉ có một chân neo. Những dây néo buồm và dây chão phần lớn làm bằng cây mây và thừng chão bằng xơ dừa, những dây dừa bện rất tốt...”.
Ngược ra miền Trung để gặp gỡ những người thợ đóng thuyền cao niên ở vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam, tôi đã đưa hồi ký của John White cho họ đọc để kiểm chứng tính xác thực trong các miêu tả của ông. Thật bất ngờ, gần 200 năm sau, những điều mắt thấy, tay chạm kỹ thuật thuyền bè người Việt của viên thuyền trưởng Mỹ vẫn được người thợ bản xứ truyền đời duy trì. Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76 tuổi, ở làng nổi danh với nghề đóng tàu biển Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nhận xét: “Gần như toàn bộ các miêu tả của thuyền trưởng người Mỹ về kỹ thuật đóng tàu này đều chính xác. Không chỉ loại thuyền thân cong thuận lướt sóng hay tấm mê tre dễ nhìn thấy, mà ngay cả những cánh buồm đệm lát, dây chão bằng xơ dừa, mỏ neo bằng gỗ lim cũng được ông ta phát hiện chính xác”.
Không giấu vẻ tự hào, ông Trà kể thêm mãi đến những năm giữa thế kỷ 20, thợ làng ông vẫn còn đóng những chiếc ghe đi biển bằng kỹ thuật này. Điều đó chứng tỏ John White đã rất quan tâm và biết khá chính xác kỹ thuật đóng tàu của người Việt. Hồi ký của ông cũng kể đã đem vô số vật lạ của quốc gia này về nhà bảo tàng hàng hải của East - India Martine Society.
__________
Không dừng lại ở tàu dân sự, John White và nhiều nhà hàng hải quốc tế khác rất quan tâm đến lực lượng hải quân người Việt. Họ đã bất ngờ khi nhìn thấy những hạm đội của nhà Nguyễn.
Kỳ tới: Những hạm đội hùng mạnh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận