Ông Kế (giữa) cùng em trai và mẹ - Ảnh: MY LĂNG
Tôi sợ mình bị quên tiếng Việt nên đêm đến, xong hết mọi việc là đóng cửa phòng, lẩm bẩm nói tiếng Việt một mình như bị điên.
Ông Nguyễn Văn Kế
Ngày 20-4-1978, Nguyễn Văn Kế, 20 tuổi, người thôn Tân Đa, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại sư đoàn 442 (Quân khu 4), anh được bổ sung vào tiểu đoàn 8, trung đoàn 3 của sư đoàn 330 (Quân khu 9).
Lạc đơn vị
Đơn vị đóng quân ở Bảy Núi (An Giang) rồi qua Campuchia đánh Pol Pot. Ở chiến trường ác liệt này, người lính trẻ đã nhiều lần chứng kiến đồng đội chết trước mặt mình.
Trận đánh ở Pursat là thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất. Sáng sớm ra sông đánh răng, rửa mặt cũng có người hi sinh vì bị Khmer Đỏ bắn. Trưa mắc võng nằm trong mé rừng cũng bị bắn tỉa.
Một lần bị sốt rét, Kế được đưa vô bệnh xá dã chiến điều trị. Điều trị xong, Quân khu gửi trả về đơn vị. Về tới nơi thì đơn vị đã hành quân đi chỗ khác.
"Không biết phải đi đâu, tôi lại lên xe đi cùng những người khác. Trên đường đi, xe bị dính mìn địch. Lúc đó mạnh ai nấy chạy tán loạn. Tôi cứ chạy mãi, chạy mãi vào rừng rồi không biết đường đâu mà về. Cứ đi ngày đi đêm trong rừng.
Cuối cùng gặp được một nhóm người dân Campuchia làm ăn trong rừng. Từ đó tôi đi theo họ để kiếm miếng ăn. Họ bảo tôi làm gì thì tôi làm nấy" - ông Kế kể.
Trong khi đó ở quê nhà, năm 1981, giấy báo tử ghi tên Nguyễn Văn Kế hi sinh năm 1981 ở chiến trường Campuchia gửi về. Năm 1994, bằng Tổ quốc ghi công về đến nhà.
Giấy giới thiệu ghi rõ “liệt sĩ sống trở về” của xã Quảng Tân cấp cho ông Kế để đi sao hồ sơ
Hành trình lưu lạc
Ông Kế kể tiếp: "Ở trong rừng với họ khoảng 3-4 năm, tôi lên kế hoạch bỏ trốn". Kế hoạch được chuẩn bị từ nhiều tháng. Ông nhặt nhạnh cơm thừa đem phơi khô bỏ trong bọc nilông và tích trữ muối.
"Tôi trốn vào ban đêm để khỏi bị phát hiện, cứ nhắm hướng biên giới Campuchia - Việt Nam mà đi. Đi tới đâu thì kiếm nước ngâm cơm khô ăn với muối. Ban ngày lấy lá cây phủ lên người nằm dưới gốc cây. Thấy xe bò chạy qua nhiều lắm mà không dám đi nhờ, sợ bị bắn chết.
Lúc đó tôi còn không tin mình nữa, chả tin ai hết! Lính Pol Pot với dân chả phân biệt được. Thằng lính Pol Pot vứt súng là thành dân".
Ông cứ đi, đi mãi trong rừng, cả ngày lẫn đêm, đi trong nỗi lo sợ bị đuổi bắt. Cho đến lúc thấy biển trước mặt. "Tôi mừng lắm, nghĩ là biển Việt Nam rồi. Nhưng không ngờ đó là biển Thái Lan!" - ông Kế nói.
Thấy tàu đánh cá, ông xin vào làm. Chủ tàu đang thiếu người nên ông Kế được nhận ngay. Nhưng ông không phải dân chài lưới, không quen việc, người ta không trưng dụng nữa, thả vô bờ.
Có một ông chủ vựa ve chai nhà ngay mé biển đưa ông Kế về làm. Ông không được đi ra ngoài, không được quan hệ, nói chuyện với ai, không cho ai biết mình ở trong nhà, nếu biết là gia đình chủ bị liên lụy. Cứ 1-2 tháng ông ấy cho 100-200 baht. Khi nào chủ đưa thì lấy chứ không dám đòi.
Những năm sau đó, khi ông Kế già đi, yếu hơn, ông bị người chủ sang tay cho người khác. Rồi cứ thế, ông bị "bán" cho hàng chục người.
Đến người chủ cuối cùng, ông phải đóng tiền phòng, tiền điện, nước, tiền vệ sinh, tiền rác... hằng tháng. Tất cả đều trừ vào tiền công. Đau ốm thì được bảo lãnh đưa đi nhà thương, ông chịu một nửa, chủ chịu một nửa.
Nhiều năm sau khi lưu lạc bên đất Thái, đinh ninh cha mẹ đã chết, ông làm bàn thờ ngay trong phòng. Ngày lễ, tết, ông mua một chai rượu, ít trái cây về cúng.
"Tôi rất nhớ nhà. Nhiều đêm cứ nghĩ không biết bốn bức vách trét bùn giờ còn không, em út lớn thế nào. Tôi sợ mình bị quên tiếng Việt nên đêm đến, xong hết mọi việc là đóng cửa phòng, lẩm bẩm nói tiếng Việt một mình như bị điên. Tôi không dám nói to, sợ người ta nghe, nghĩ mình điên nên đuổi đi. Lúc làm việc thì lấy cành cây, lấy bút viết linh tinh để không quên chữ" - ông Kế kể.
Ân nhân
Năm tháng cứ trôi đi trong mòn mỏi và tuyệt vọng. Sau gần 40 năm lưu lạc, ngày 25-9-2017. Đang làm việc, ông Kế sững người khi nghe có tiếng Việt Nam. Nhìn ra thấy một nhóm 2-3 người nói chuyện bằng tiếng Việt Nam.
Lần đầu tiên sau mấy chục năm đằng đẵng lưu lạc nơi xứ người, ông Kế nghe được tiếng nói của dân tộc mình.
"Tôi qua hỏi thăm, cậu đó nói tên Sáu ở Quảng Ninh, qua đây buôn bán. Cậu ấy hỏi tôi là người Việt Nam à, tôi không dám nói thật, bảo mình biết nói tiếng Việt. Mấy ngày sau, cậu Sáu nhờ làm cái này cái kia. Tin tưởng rồi tôi mới nói ra sự thật. Cậu Sáu bảo bác cố nhớ đi, quê bác ở đâu, bố mẹ, anh em tên gì, con đưa lên mạng nhờ người tìm giúp bác".
Thế rồi anh Sáu đăng câu chuyện của ông Kế lưu lạc suốt mấy chục năm ở đất Thái lên Facebook. Ông Lê Bá Tùng, phó chủ tịch xã Quảng Tân, đọc được.
Ông Tùng gọi sang Thái Lan theo số điện thoại anh Sáu viết, nói chuyện trực tiếp với ông Kế rồi gọi báo cho người nhà biết ông Kế vẫn còn sống.
Hai ngày sau, anh Sáu sắp xếp cho ông Kế đi trên chuyến xe hàng theo đường biên giới về Campuchia rồi về cửa khẩu Hà Tiên. Mấy chục năm đi làm thuê, ông chỉ để dành được 6.000 baht.
Về đến cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang), ông nhờ người xe ôm đổi 6.000 baht sang tiền Việt. Người ta đưa bao nhiêu ông cầm bấy nhiêu vì lúc đó không còn biết giá trị tiền Việt Nam là như thế nào.
5h sáng ngày 1-10-2017, sau gần 40 năm biệt tích, lưu lạc, ông Kế đã được trở về nơi chôn nhau cắt rốn khi đã gần 60 tuổi. Về đến nhà, thấy ảnh thờ bố trên bàn thờ, ông quỳ xuống thắp nhang, vừa lạy vừa khóc, nghẹn ngào nói: "Con xin lỗi bố".
Cần trợ cấp thương bệnh binh
18 ngày sau khi ông Kế trở về, ngày 19-10-2017, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa ra quyết định cắt chế độ liệt sĩ của ông.
Trở về với bàn tay trắng, không vợ con, xin việc thì khó khăn và sức khỏe thì suy yếu, ông Kế mới nghĩ đến chuyện làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thương bệnh binh.
Nhưng thời gian đầu mới về, ông không thể nhớ chính xác đơn vị của ông. Mãi đến gần đây, Cục An ninh quân đội đi điều tra, xác minh ông mất tích thời gian đó, họ tìm được sếp cũ của ông Kế đang ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) mới xác nhận thời gian chiến đấu trong quân ngũ của ông Kế.
__________________
Kỳ tới: Đi 20 về 59
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận