Ca sĩ Thủy Tiên đi trao quà cứu trợ người dân bị bão lụt - Ảnh: NVCC
Chính phủ vừa ban hành nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định có hiệu lực từ ngày 11-12-2021.
Theo nghị định, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.
UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ, và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện.
Bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết, và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với ban vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn các nội dung trên. Đồng thời cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
Nếu số tiền cứu trợ còn dư, người đứng ra vận động thống nhất với những người đóng góp để có phương án sử dụng, hoặc chuyển cho Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Người đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả các chi phí liên quan đến việc này, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp. Nếu được người đóng góp đồng ý, cá nhân được trích kinh phí từ nguồn vận động được, nhưng phải tổng hợp và công khai.
Chính phủ yêu cầu các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, phân phối để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh phải minh bạch.
Người vận động cần mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình này, từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong; công khai trên truyền thông và gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày.
Nghị định cũng quy định các tổ chức được vận động cứu trợ gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ; cơ quan thông tin đại chúng; quỹ từ thiện; doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức có tư cách pháp nhân; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận