Sau buổi tập cách nay hơn một tháng ở Hà Nội, HLV Park Hang Seo thách học trò sút bóng bật xà ngang, nếu cầu thủ làm được điều đó, ông sẽ chiêu đãi toàn đội một chầu bánh pizza. Quang Hải đã sút bóng trúng xà trong lần thực hiện đầu tiên. Nhưng với Công Phượng, phải đến lần thứ 8 anh mới sút trúng xà...
Sau trò chơi vui này, ông Park lao đến quật ngã Công Phượng và Quang Hải. Ba thầy trò lăn ra giữa sân cỏ, ôm nhau cười ngặt nghẽo như trẻ thơ.
Hình ảnh vui đùa hồn nhiên ấy mang lại cảm giác thân tình của gia đình hơn là một đội tuyển quốc gia sắp đi làm nhiệm vụ quốc tế. Sự hồn nhiên, tình yêu thương này đã giúp cho học trò của HLV Park Hang Seo có thêm sự lạc quan, tự tin trước khi bước vào giải đấu được xem quá sức đối với họ tại Trung Quốc.
Và chúng ta đã chứng kiến các cầu thủ U-23 VN tự tin như thế nào trước các đối thủ mạnh như U-23 Úc, Syria hay Iraq. Họ xử lý bóng tinh tế, tự tin, bản lĩnh.
Ở loạt sút luân lưu trong trận gặp U-23 Iraq đêm 20-1, bốn quả sút đầu tiên của U-23 VN đều mạnh, hiểm và đi đúng vào một góc! Nếu cầu thủ không có sự tự tin cộng với thần kinh thép thì khó mà đứng vững trước trò chơi cân não này.
Và cũng chính nhờ sự tự tin đã giúp thủ môn Tiến Dũng tóm gọn quả sút phạt đầu tiên của thủ quân U-23 Iraq, truyền thêm ngọn lửa hưng phấn đến đồng đội.
Sự gần gũi, thân thiện và nắm bắt tường tận tâm sinh lý của học trò trong quá trình chuẩn bị giúp ông Park hiểu được rằng mình nên sử dụng ai, vào lúc nào là hợp lý nhất.
Chẳng hạn như tại sao cất Đức Chinh, Văn Toàn trong trận tứ kết để thay bằng Xuân Mạnh, Văn Đức? Hai cầu thủ này tuy nhỏ con nhưng họ khéo trong xoay trở, chịu đeo bám sát rạt đối phương và biết cách chọn điểm rơi đúng lúc để cản phá hay sút cầu môn.
Ít ai biết rằng trong 42 ngày đến với U-23 VN, nhiều đêm liền ông Park đã nghiền ngẫm băng ghi hình các trận đấu của U-19 VN (các giải quốc tế năm 2013, 2014 của lứa Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tiến Dũng...), rồi tới các giải của U-19 và U-20 VN ở vòng chung kết châu Á 2016, World Cup U-20 thế giới năm 2017.
Từ những băng ghi hình quý giá ấy, ông Park đi đến quyết định chọn ra đội hình chính đá ở VCK U-23 châu Á bao gồm lứa cầu thủ của U-19 ngày trước xen lẫn với lứa U-20. Họ được nhào nặn chỉn chu thành một khối đoàn kết chặt chẽ.
Người hỗ trợ tích cực cho ông Park trong việc chọn người chính là giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede - nhân vật không có mặt trong đội hình U-23 VN tại SEA Games 29.
Nhớ lại thành công của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn ở VCK U-19 châu Á 2016 có sự đóng góp thầm lặng nhưng hết sức quan trọng của ông Gede qua việc ghi chép cẩn thận, phân tích thấu đáo điểm mạnh, điểm yếu, hướng tấn công, biện pháp khắc chế sức mạnh của các đối thủ.
Chính tinh thần cầu tiến, biết huy động và sử dụng chất xám của cộng sự và đội ngũ trợ lý đã giúp ông Park phát huy hết nội lực của đội bóng.
Còn quá sớm để nhận xét bóng đá VN đã bước qua đẳng cấp khác dưới thời ông Park Hang Seo. Nhưng với những gì U-23 VN thể hiện tại Trung Quốc, chúng ta có quyền hi vọng vào khởi đầu mới, đầy hứa hẹn của bóng đá VN dưới thời HLV 61 tuổi người Hàn Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận