Các tác giả trẻ dấn bước vào việc nghiên cứu đời sống xã hội Việt Nam đương đại - Ảnh: SocialLife
Phác họa diện mạo người Việt trong thời đại chúng ta đang sống là mục đích. Nhưng điều quan trọng nhất mà chúng tôi tự hào là các bạn trẻ đã vào cuộc hoàn toàn tự nguyện trên tinh thần nghiên cứu - học hỏi và chúng tôi đã có được những nhà nghiên cứu trẻ, vững vàng hơn qua mỗi công trình cùng sự độc lập: độc lập về kinh tế, độc lập về tư tưởng, độc lập về cả tư tưởng học thuật.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (chủ biên bộ sách)
Họ giải thích mục đích công việc của mình: để hiểu những người trẻ đang phải cô đơn và đang chọn lựa vượt thoát giữa cuộc đời, xã hội hôm nay.
Bộ sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại do Trung tâm SocialLife biên soạn đã ra đến tập thứ ba.
Chỉ đọc các chủ đề đã đủ hình dung sự cô đơn của những người làm sách và sự cô đơn của các nhân vật trong ấy:
Tập 1: Tình cảnh sống của người công nhân - Thân phận, rủi ro và chiến lược sống;
Tập 2: Những người thiểu số ở đô thị - Lựa chọn, trở thành, khác biệt;
Tập 3: Người trẻ trong xã hội hiện đại.
Chọn cách tiếp cận dựa vào trải nghiệm các hiện tượng xã hội; thực sự hòa mình vào cuộc sống của đối tượng mình nghiên cứu hàng tháng, hàng năm;
Lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc, trong ba tập sách đầu, các nhà nghiên cứu trẻ đã đưa đến người đọc những câu chuyện, tâm tư chân thực của những người mà trong ồn ã đời thường họ như đang biến mất: những công nhân nhập cư;
Những người dân tộc sống giữa lòng thành phố; những người đồng tính; những người chọn thân phận đồng cô, thanh đồng, những hacker mũ trắng, mũ đen; những người khiếm thính; những người trẻ khởi nghiệp, lựa chọn trở thành một "freeter" để tìm giá trị riêng của mình; những người thích đọc tiểu thuyết ngôn tình…
Không phải trường thiên tiểu thuyết nhưng những gương mặt người hiện ra trong những cuộc phỏng vấn sâu, dưới những góc soi chiếu của xã hội học, nhân học, dân tộc học thật sống động, khiến người đọc rồi bỗng thấy cuộc sống quanh mình lấp lánh hơn, sắc màu hơn, đáng để khám phá, dấn thân hơn.
Chuyện một anh công nhân người Khmer cố gắng duy trì những sinh hoạt truyền thống cho nhóm nhỏ dân tộc mình giữa khu xóm trọ công nhân. Chuyện những người khiếm thính cố gắng dạy nhau những trải nghiệm để hiểu nghĩa của từ, chứ không chỉ là biết những tên gọi.
Những suy nghĩ, so sánh, phân tích, lựa chọn của người trẻ trước một công việc làm ổn định nhưng có xu hướng nhàm chán với con đường làm tự do đầy bất trắc, bấp bênh nhưng hứa hẹn những thú vị, bùng nổ.
Những mạng lưới đồng hương, họ tộc được thiết lập để nâng đỡ, giúp nhau vượt qua những rủi ro của thân phận mà không trông chờ vào xã hội, vào các tổ chức hay đoàn thể...
Trên những ngả đường ấy, ngày càng xuất hiện nhiều lựa chọn mới, những khác biệt mới, những hình tượng mới, những giá trị mới. Những cuộc vượt thoát khỏi những định chế cũ kỹ, rồi lại những cuộc vượt thoát nữa đang hứa hẹn, chờ đợi phía trước…
Nghiêm túc, cầu thị, khách quan, vô vị lợi, mỗi bài nghiên cứu đã thực sự vẽ lại được một mảng màu của cuộc sống, để người đọc được hưởng một cái nhìn sâu sắc và am hiểu hơn khi nhìn vào cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận