04/06/2014 06:19 GMT+7

Người tốt ở Nam bộ

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Nhà của ông Nguyễn Văn Trọng (bí thư kiêm trưởng ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chẳng có thứ gì đáng giá.

Khu đất cạnh nhà đã hiến cho địa phương xây trường mẫu giáo, còn miếng đất sát nhà cho mượn làm trụ sở ấp. Nhưng lịch công tác của ông Trọng ghi ở trụ sở ấp cho thấy bảy ngày/tuần ông lo các công việc của dân, từ chuyện làm cầu, đường đến sản xuất sao cho hiệu quả nhất để không còn nghèo nữa.

36zgp9Zj.jpgPhóng to
Ông Trọng khảo sát xây nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ - Ảnh: V.TR.

Tạm biệt “dưỡng chét”

Nông dân xã Mỹ Lộc chỉ mới biết sản xuất lúa vụ ba được ba năm nay. Đương nhiên họ không thể quên công lao của ông Nguyễn Văn Trọng (Mười Trọng).

Theo nhiều lão nông kể lại, vào năm 2010 người dân xứ này vẫn chưa biết lúa vụ ba là gì, chỉ quen sản xuất kiểu “dưỡng chét” sau khi thu hoạch vụ hè thu.

“Dưỡng chét có nghĩa là sau khi thu hoạch lúa xong nông dân để nguyên gốc rạ trên ruộng rồi bơm nước vào. Từ gốc rạ sẽ mọc lên cây lúa mới, cũng trổ bông, nhưng năng suất chỉ khoảng 2 tấn/ha và chất lượng gạo rất xấu” - ông Nguyễn Văn Năm (68 tuổi, nông dân ấp 9) giải thích.

Hiến 3.000m2 đất xây trường mẫu giáo

Ông Võ Ngọc Liền cho biết thêm mới đây ông Mười Trọng đã hiến 3.000m2 đất ngay bên cạnh nhà để xây Trường mẫu giáo xã Mỹ Lộc. Công trình hoàn thành với vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Khu đất này trị giá trên 600 triệu đồng nhưng ông chỉ nhận 50% là tiền bồi thường cây ăn trái. Không chỉ vậy, ông còn cho xã mượn miếng đất sát vách nhà mình để xây dựng trụ sở ấp đủ chỗ cho 50-60 người dự họp.

Ông Mười Trọng từng làm cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Lộc 15 năm, được đi nhiều nơi, kể cả đi nước ngoài, để học tập kinh nghiệm nên rành rẽ kỹ thuật trồng lúa hiện đại.

Ông trình bày với chi bộ kế hoạch mô hình sản xuất lúa vụ ba thay “dưỡng chét” và được ủng hộ. Tuy nhiên, khi họp dân có tới gần 50% hộ phản đối. Nhiều người nghĩ rằng ông Mười Trọng sẽ bỏ cuộc, ai dè ông đứng lên cam kết: “Tui sẽ đưa máy đến cày đất rồi ứng trước lúa giống cho bà con gieo sạ. Nếu vụ này thất bại tui sẽ đền bù đầy đủ và chịu kỷ luật. Bà con cứ yên tâm làm theo hướng dẫn của tui”.

Suốt ba tháng trời ông Mười Trọng và các đảng viên chi bộ ấp 9 gần như phải “cắm trại” ngoài đồng để động viên, hướng dẫn người dân chăm sóc lúa.

Vụ ba đầu tiên của xã Mỹ Lộc thu hoạch trung bình 6 tấn/ha và bán được 6.000 đồng/kg. Mỗi hộ lời 20 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Tính, công an ấp, kể thêm: “Bán lúa xong, người dân rất vui nên tự góp tiền tổ chức một buổi tiệc hoành tráng để ăn mừng. Sau khi ấp 9 sản xuất vụ ba thành công, tất cả các ấp còn lại của xã Mỹ Lộc đều làm theo. Bây giờ cả huyện Tam Bình không còn hộ nào dưỡng chét lúa hè thu nữa”.

Muốn dân hết nghèo

Từ khi ông Mười Trọng về làm bí thư kiêm trưởng ấp năm 2007 đến nay, nhiều người nói đời sống của họ khá lên thấy rõ. Năm đó ấp này có tới 55 hộ nghèo, bây giờ chỉ còn hai hộ. Lúc vừa làm trưởng ấp, ông Mười Trọng đã trải qua rất nhiều ngày đến từng hộ để nắm tình hình.

Tùy hoàn cảnh, điều kiện từng hộ mà ông lên kế hoạch giúp họ thoát nghèo. Đầu tiên, ông đứng ra bảo lãnh cho 55 hộ này được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm ăn. Hằng tháng ông đều tới kiểm tra việc sử dụng vốn, tư vấn, hướng dẫn thêm kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi.

Không chỉ vậy, ông còn đi tìm thêm nguồn tài trợ, kiếm việc làm giúp hộ nghèo. Cuối năm 2007 có 41 hộ trả sổ hộ nghèo vì họ cho rằng cuộc sống đã ổn định.

Thông tin này làm huyện và tỉnh ngạc nhiên nên cử đoàn đến kiểm tra và xác nhận những hộ này thoát nghèo thật sự, đồng thời công nhận ấp 9 là ấp văn hóa đầu tiên của huyện Tam Bình.

Anh Nguyễn Quốc Việt, một hộ mới trả sổ hộ nghèo, tâm sự: “Nếu không có chú Mười Trọng giúp có lẽ gia đình tui sẽ “nổi tiếng” cả tỉnh vì nghèo hơn chục năm mà không thoát được. Nhờ chú mà vợ chồng tui có nhà đàng hoàng để ở, có con bò để nuôi. Chú cũng dặn bà con trong ấp có việc gì thì gọi vợ chồng tui làm thuê để có thêm thu nhập. Con bò mẹ chú cho đã đẻ bò con được 13 tháng. Nếu bán hai con chắc chắn tui sẽ có 40 triệu đồng”.

Năm 2011, ông Mười Trọng xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, dự kiến sẽ tập hợp 330 hộ dân với hơn 120ha của ấp. Gần chục cuộc họp được tổ chức nhưng chỉ có 33 hộ tham gia mô hình, số còn lại im ru. Ông không bỏ cuộc, vẫn gieo sạ.

Ông nói thêm: “Sở dĩ người dân không tham gia ngay vì họ sợ nếu đưa đất vào cánh đồng mẫu lớn sẽ bị mất như thời tập đoàn sản xuất những năm 1980. Tui phải giải thích tham gia chỉ là danh nghĩa chứ ruộng ai nấy làm. Cái lợi là khi tham gia sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, được bao tiêu lúa giá cao. Tui đi tới đi lui mỗi hộ chừng chục lần như vậy họ mới đồng ý. Vụ đông xuân vừa rồi toàn bộ 330 hộ trong ấp đã tham gia cánh đồng mẫu lớn”.

Ông Nguyễn Văn Năm vừa cộng lại sổ cân lúa vừa bán cho Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, vừa kể ông từng là một trong số những người “chống đối” mô hình cánh đồng mẫu lớn hai vụ đầu tiên vì sợ... mất đất.

Đến vụ thứ ba ông viết đơn gửi ông Mười Trọng xin tham gia cánh đồng mẫu lớn với 2ha đất. Hỏi ba vụ trong cánh đồng mẫu lớn cho kết quả thế nào, ông Năm cười to: “Vụ nào cũng ngon lành hết. Đặc biệt là vụ đông xuân mới thu hoạch trúng quá trời luôn, 10 tấn/ha lận. Trừ chi phí còn lời 30 triệu đồng/ha. Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ tui mới làm lúa lời nhiều như vậy. Bây giờ có đuổi tui cũng không ra khỏi cánh đồng mẫu lớn đâu”.

23Gfz2YX.jpgPhóng to
Trường mẫu giáo xã Mỹ Lộc vừa được xây dựng trên khu đất ông Trọng hiến - Ảnh: V.TR.

“Thuyết khách”

Tiếp theo thành công này, ông Mười Trọng đã xây dựng thành công mô hình “tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp từ A-Z”. Người dân trong ấp đã góp hàng chục máy gặt đập liên hợp, máy cày và hàng trăm máy sạ trị giá hàng tỉ đồng vào “công ty” này từ vụ hè thu năm 2013.

Ông Mười Trọng cùng các cán bộ ấp tình nguyện đứng ra điều hành hoạt động và không nhận thù lao. Hiện nay ông đang chuẩn bị phương án sản xuất vụ hè thu tới theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Võ Ngọc Liền - bí thư kiêm chủ tịch xã Mỹ Lộc, năm 2007 khi ông Mười Trọng về làm trưởng ấp 9 thì ở đây có cả trăm cây cầu khỉ. Vậy mà chỉ 2-3 năm ông đã vận động người dân góp tiền, góp công xóa hết cầu khỉ.

“Tui đi từng nhà, kể những vụ trẻ con đi cầu khỉ té sông chết đuối, nói họ hiểu nếu có sắm xe máy mà cầu khỉ khắp nơi thì cũng không chạy được. Thấy lợi ích rõ ràng khi có cầu bêtông nên ai cũng góp tiền, góp công làm rất nhanh”, ông Trọng nhớ lại.

Làm được nhiều việc có lợi cho dân suốt nhiều năm liền nên dân rất tin tưởng ông Mười Trọng. Để vận động một số hộ dân ở ấp 6A, ấp 8, ấp 10 hiến đất làm đường, người ta nói ông Mười Trọng đi “thuyết khách” giùm.

Sau khi nghe ông giải thích và vận động xong, những hộ này đều đồng ý ký tên hiến đất, thậm chí có người hiến tới 1.500m2.

Nhờ vậy xã có mặt bằng để triển khai nhanh hàng loạt công trình giao thông, phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn xã nông thôn mới.

“Giải pháp ông Mười Trọng đưa ra rất hay, đó là vận động những hộ dân có đất nằm song song với con đường đổi đất, quay lại vuông góc với đường. Địa chính đo đạc, chia lại đúng diện tích ban đầu của từng hộ. Khi đó tất cả những hộ này đều phải có nghĩa vụ hiến đất để mở rộng đường. Và ai cũng được ra mặt tiền” - ông Liền hài lòng kể.

Kỳ 1: Mua đất nuôi cò Kỳ 2: Gia đình khổng lồ Kỳ 3: Thầy đờn một tay Kỳ 4: Nhà nhiếp ảnh “tắc kè”

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên