25/01/2015 10:55 GMT+7

​Người tình của... hoa Sa Đéc

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Tình yêu của ông dành cho hoa mãnh liệt đến kỳ lạ. Trong 38 năm trồng hoa đã có 3-4 lần sạt nghiệp, nhưng ông vẫn không từ bỏ mối tình đầy trắc trở này.

Ông Trần Văn Tiếp giữa vườn hoa tết - Ảnh: V.TR.
Ông Tiếp là một trong những người rất đam mê nghề trồng hoa kiểng ở làng hoa Sa Đéc. Ông rất chịu khó nghiên cứu, học hỏi để trồng các giống hoa mới. Nhờ vậy mà chủng loại hoa ở Sa Đéc ngày càng phong phú, tăng thêm giá trị và có thêm được thị trường. Mặc dù thất bại rất nhiều lần nhưng ông vẫn theo đuổi nghề trồng hoa, đó là điều rất đáng quý 
Ông PHẠM PHƯỚC LỢI 
(nguyên phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh)

Ông tên là Trần Văn Tiếp, ở xã Tân Khánh Ðông, TP Sa Ðéc (tỉnh Ðồng Tháp).

Tôi gặp ông Tiếp vào một sáng mùa đông khá lạnh. Gương mặt ông tái mét, run rẩy khi kéo ống nước tưới hoa. Tết đã đến gần. Khu đất rộng 3.000m2 cạnh nhà ông được tận dụng hết để đặt hàng chục ngàn giỏ hoa các loại. Giàn hoa dạ yến thảo, cẩm chướng đã trổ bông đỏ, hồng, trắng... nhìn mát con mắt. Còn khu vực trồng hoa cúc zinnia (giống mới của Mỹ) thì bắt đầu có nụ.

Ông bảo trước đây có tới 7.000m2 đất, nhưng vì trồng hoa thua lỗ nên bán hết 4.000m2 để trả nợ nên bây giờ chỉ còn bấy nhiêu thôi.

“Tôi cố giữ miếng đất này để có mà trồng hoa. Không có hoa chắc tôi sống không nổi đâu” - ông Tiếp tâm sự.

Người hát rong bất đắc dĩ

Trồng hoa là để làm đẹp cho đời, song cuộc đời của những người trồng hoa như ông Tiếp thường gắn với đắng cay. Ông kể từ khi đến với nghề trồng hoa năm 1977 tới nay, chưa bao giờ ông biết cảm giác đón giao thừa ở nhà như thế nào. Và đã có rất nhiều cái tết ông phải lang thang ở xứ lạ quê người chứ không kịp về đốt nén nhang rước ông bà về ăn tết.

“Tôi không thể nào quên được cái tết năm 1987. Mấy ngày tết người ta đi chơi vui vẻ thì tôi phải ôm đàn đi hát rong ở Ðà Nẵng kiếm từng đồng để mua vé tàu về quê” - ông Tiếp bùi ngùi.

Ông kể tiếp: “Năm 1986 tôi trồng 8.000 giỏ hoa cúc mâm xôi để bán tết, nhưng do trời quá lạnh hoa không chịu nở nên phải nhổ bỏ. Năm sau tôi làm liều trồng 10.000 giỏ cúc mâm xôi với hi vọng sẽ gỡ gạc được chút đỉnh. Nhưng bi kịch là chợ hoa tràn ngập cúc mâm xôi, thương lái thì bặt tăm, người mua chẳng có. Rất nhiều người đứng khóc ròng giữa chợ trông thấy thảm lắm”.

Trước tình thế nguy cấp này, ông Tiếp liền thuê bốn xe tải chở hoa đi Kiên Giang, TP.HCM, Ðồng Nai, Ðà Nẵng để bán và năn nỉ người thân trong gia đình đi theo bán phụ.

Ông và một người làm công lên xe đi Ðà Nẵng cùng 4.000 giỏ cúc mâm xôi. Chủ xe ra giá 4 lượng vàng, tương đương 15 triệu đồng. Ông gật đầu đại rồi chất hoa lên xe.

“Ra tới nơi thì đã là 23 tháng chạp. Khi tìm được chỗ thì trời mưa phùn suốt ngày, suốt đêm. Cúc mâm xôi thì “dị ứng” với mưa kiểu này, nên sau khi chất hoa xuống chưa được hai ngày bông bị bạc đầu rồi thúi hết. Lúc đó tôi bỏ luôn, ai muốn lấy bao nhiêu giỏ rồi trả bao nhiêu tiền cũng được, thậm chí không trả tiền cũng không sao. 29 tháng chạp, tôi giải phóng hết số hoa tại chợ để trả mặt bằng sạch sẽ cho người ta. Tôi kiểm lại tiền bán 4.000 giỏ hoa thì chỉ được 280.000 đồng, chỉ đủ mua một vé tàu” - ông Tiếp kể.

Trước đây ông từng học âm nhạc một năm trước khi học đại học sư phạm, nên nghĩ có thể kiếm tiền để mua vé tàu từ việc... hát rong.

Ông Tiếp mua một cây đàn ghita giá 85.000 đồng, còn lại ông dẫn người làm công đi ăn một bữa cơm thật ngon sau cả tuần lễ chỉ biết bánh mì.

Ðêm giao thừa, ông ôm đàn vào hội chợ ở một huyện ngoại thành Ðà Nẵng đăng ký hát phục vụ miễn phí.

Ông bước lên sân khấu đánh đàn và solo một lèo ba bài Chiếc lá cuối cùng, Lên ngàn Cát bụi với chất giọng miền Nam lạ lẫm khiến khán giả Ðà Nẵng khoái chí vỗ tay rần rần. Vị chủ tịch xã thấy vậy mời ông vào trụ sở để hỏi thăm.

Ông kể chuyện đem hoa từ Sa Ðéc ra bán bị thua lỗ không có tiền về quê, nên tính đi hát rong kiếm tiền mua vé tàu.

“Ông chủ tịch này bảo tôi chừng nào về thì ghé ủy ban xã gặp ông. Ðến ngày mùng 4 tôi ghé từ biệt thì ông lì xì một bao thư, lên tàu mở ra xem thấy có 400.000 đồng” - ông Tiếp kể.

Sáng mùng 1 tết, thầy trò ông Tiếp ra công viên ôm đàn hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhiều người đã đứng lại nghe ông hát rồi lấy ít tiền bỏ vào chiếc nón cũ kỹ đặt dưới đất. Hát suốt ba ngày tết, ông kiếm đủ tiền mua hai chiếc vé tàu về Sài Gòn.

Những tưởng sau khi trắng tay ông Tiếp sẽ bỏ nghề trồng hoa, nhưng ông thì không nghĩ vậy. Sau tết ông lại tiếp tục bàn chuyện trồng hoa. Lần này ông đoạn tuyệt với các loại hoa cúc mà chuyển sang loài hoa biểu tượng của tình yêu - hoa hồng.

Đưa hoa Sa Đéc vươn xa

Mới vừa trắng tay vì đem hoa đi bán xa nhà, nhưng ông Tiếp không sợ. Bất chấp ý kiến can ngăn của người thân, ông vẫn quyết định thuê xe tải chở hoa hồng ra tận Hà Nội để bán. Ông nhớ lại: “Ðó là vào năm 1989. Chủ xe ra giá 12 lượng vàng, tôi chấp nhận luôn dù chỉ chở được 2.000 giỏ. Tôi muốn khai phá thị trường mới vì ở làng hoa Sa Ðéc ai cũng trồng hoa thì bán cho ai. Mình tìm được thị trường mới thì giới thiệu cho người khác, chỉ có vậy hoa Sa Ðéc mới được tiêu thụ hết”.

Xe chạy gần cả tuần mới tới Hà Ðông. Ông liên hệ với chính quyền địa phương mượn sân trường học để làm điểm bán. Có điều lúc này phần lớn hoa đã bị rụng lá, rụng hoa vì trải qua một chặng đường di chuyển quá xa. Không thể bán hoa chưng tết được, ông đành rao bán hoa hồng để... làm giống. Cũng may là có người mua hết nên chỉ lỗ chút đỉnh.

Thấy người Hà Nội thích hoa hồng Sa Ðéc nên ông thuê mặt bằng mở điểm bán ở Gia Lâm. Hằng tuần xe tải chở hoa ra đây bán. Làm ăn từ từ có nhiều mối quen, nên ông đã bán thiếu cho họ với số lượng lớn. Ðến năm thứ bảy công nợ đã lên tới 4 tỉ đồng, con nợ thì bặt tin, còn ở Sa Ðéc người ta đòi xiết nhà. Thế là ông phải đóng cửa đại lý hoa ở Hà Nội trở về quê kêu bán 4.000m2 đất lấy tiền trả nợ.

Những ngày giáp tết năm 2002, ông Tiếp lại thuê xe chở một số loại hoa Sa Ðéc lên Ðắk Nông tìm thị trường mới chỉ vì “nghe nói trên đó rất lạnh, không có nhiều hoa chưng tết”. Ðúng là lên tới nơi, chất hoa xuống sân vận động thì trời lạnh thấu xương, chẳng có mấy ai ra đường để ngắm hoa và càng không có ai hỏi mua hoa.

“Tôi phải gỡ giấy báo bó hoa ra gom lại một đống rồi chui vào để bớt lạnh. Những lúc đó tôi thấy chạnh lòng lắm, thấy mình giống mấy con heo con chui vô chùm lá chuối khô mà mẹ tôi hay treo trong chuồng. Mà nếu không làm vậy thì chỉ có nước chết cóng vì lạnh” - ông Tiếp bùi ngùi kể.

Chịu đựng đến ngày 30 tháng chạp thì ông Tiếp cũng bán được vài trăm giỏ hoa, nhưng cũng chưa đủ tiền trả cho chủ xe. Thời khắc giao thừa trôi qua trong hiu quạnh giữa sân vận động mênh mông với hơn 1.000 giỏ hoa ế. Thức đến 4g sáng, trong lòng vừa buồn vừa nhớ nhà da diết, ông Tiếp vác dao băm nát toàn bộ số hoa này rồi dọn dẹp lên xe về quê. Tức mình vì thất bại năm trước, tết 2003 ông Tiếp lại chở hoa lên Ðắk Nông bán nữa và may mắn huề vốn.

Những thị trường hoa ở Hà Nội, Ðà Nẵng, Tây nguyên... mà ông Tiếp khai phá sau này đã trở thành thị trường lớn của hoa Sa Ðéc. Nhiều người đã làm giàu vì đưa hoa đến những nơi này mỗi dịp xuân về.

Đam mê hoa mới

Vì chơi với hoa truyền thống gặp quá nhiều rủi ro nên từ năm 2008 ông Tiếp chuyển sang trồng các giống hoa ngoại nhập với đặc điểm nổi trội là: đẹp, lạ, giá rẻ, kích thước nhỏ gọn phù hợp với nhà chung cư.

“Cơ duyên tôi chuyển sang hoa ngoại nhập là vào năm 2007, khi người bạn rủ đi du lịch ở Úc. Qua đó tôi thấy được cây hương thảo (rosemary - một loại cây nhỏ, lá kim). Khi chạm vào lá hoặc tưới nước thì tỏa ra mùi hương tinh dầu rất dễ chịu nên mua bốn cây đem về chiết ra trồng thử” - ông kể.

Sau năm năm trồng và rút kinh nghiệm, ông mới hiểu được tâm tính của cây này và giúp nó sống được ở khí hậu nhiệt đới.

Năm 2013 ông đã bán được 300 cây hương thảo đầu tiên.

Năm 2014 vừa rồi ông bán được 3.000 cây và đang có kế hoạch sản xuất lớn vì chưa thấy ai bán cây này ở VN, trong khi khách hàng rất ưa chuộng.

Mấy năm trước ông Tiếp là người đầu tiên ở làng hoa Sa Đéc trồng thử thành công giống hoa cát tường, vốn chỉ phù hợp với khí hậu ôn đới. Hiện nay hầu như tất cả những người trồng hoa tết ở Sa Đéc đều trồng giống hoa này vì người chơi hoa rất thích.

Sau đó ông sang Thái Lan tìm mua các giống hoa mới có nguồn gốc từ Mỹ về trồng thử như: dạ yến thảo, cẩm chướng... Ông Tiếp cho biết mỗi năm ông đưa ra thị trường khoảng ba loại hoa mới có nguồn gốc từ Mỹ.

Riêng Tết Ất Mùi 2015 sẽ là chuồn chuồn kép, cúc huy chương và hoa zinnia (giống hoa cúc đại đóa) có bảy màu khác nhau. Hoa zinnia có màu sắc rực rỡ, đường kính đóa hoa lên tới 10cm, rất lâu tàn (ba tháng) trong khi chiều cao cây chỉ có 25-30cm nên rất dễ vận chuyển hoặc chưng trang trí nhà cửa. Hoa đẹp, lâu tàn nhưng giá chỉ khoảng 30.000 đồng/giỏ nên trồng không đủ bán.

Hai năm nay ông Tiếp còn mày mò trồng... kiểng lúa để bán dịp tết.

Ông giải thích: “Ngày tết người ta mong muốn những gì tốt đẹp trong nhà mình, trong đó có lúa gạo. Lúa trổ bông mấy ngày tết sẽ rất đẹp và có ý nghĩa cơm no áo ấm đến với gia đình. Khi làm thử thì toàn đại gia mua về chưng. Năm nay tôi trồng 5.000 giỏ kiểng lúa thơm, không chỉ đẹp mà còn làm cho căn nhà thơm tho nữa”.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên