25/08/2017 08:39 GMT+7

'Người ta học 1 thì mình 100 để trả ơn người mẹ tuyệt vời'

NGỌC HIỂN - TỐ OANH
NGỌC HIỂN - TỐ OANH

TTO - Cậu học trò con nhà nghèo Vũ Nguyễn Thành An quyết tâm học trường không dành cho người mù và đạt học sinh giỏi. Năm nay, An là tân sinh viên ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Gần 20 năm qua, người mẹ đã làm tất cả cho đứa con mù lòa Thành An được đi học, được đến giảng đường - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngay khi sinh ra An, niềm hạnh phúc làm mẹ của bà Nguyễn Thị Ngọc Viên (57 tuổi, nhà ở Q.8, TP.HCM) phút chốc tan biến khi nhìn đứa con trai đỏ hỏn có đôi mắt xanh lè.

Bất hạnh không tha khi người chồng bỏ hai mẹ con mà đi. Rồi cha mẹ bà lần lượt qua đời, bà Viên phải cưu mang thêm đứa em trai tâm thần. Bao năm tháng đoạn trường chạy chữa nhưng con mắt phải của An tiếp tục mờ dần rồi chìm trong bóng tối năm An học lớp 9.

Bà Viên kể khi đó bà hứa với bản thân phải đồng hành với con, phải gieo cho con niềm hi vọng dẫu cơ cực đến mấy.

Tôi là ánh sáng hi vọng của con

Năm lớp 10, An không còn học trường khiếm thị mà chuyển sang Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10).

Sợ con không theo kịp bạn bè, sau giờ học bà đều tìm đến các thầy cô giáo học cách đọc các ký hiệu toán học, vật lý, tiếng Anh... để về đọc cho con chép bài ra chữ nổi dẫu rằng bản thân bà chỉ học đến lớp 6.

Trong căn nhà nhỏ có đến 11 người cùng chung sống nằm sâu ở một con hẻm nhỏ tại Q.8, bà Viên khoe một xấp giấy khen, cuốn sổ hộ nghèo, sổ khám bệnh của con và một cuốn “cẩm nang” do bà tự viết.

Bà “phiên âm” sang tiếng Việt những từ tiếng Anh (ví dụ “school” ghi là “xì cun”), tổng hợp các ký hiệu toán học, hóa học để hằng đêm thức đến 1h-2h sáng đọc cho con, dù có những cái bà không hiểu nó là gì.

Ngày nắng hay ngày mưa, bà Viên đều sát cánh bên con đến trường và trở về nhà. Nhờ nỗ lực của cả mẹ và con, năm lớp 11 An đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, tức điểm số học tập của An cao hơn hàng trăm học sinh sáng mắt khác dù An mù lòa.

“Tôi là ánh sáng hi vọng của con, con là niềm tin để tôi sống, nên dù cực đến mấy tôi làm được hết” - bà Viên nói.

Mình mù nhưng trái tim mình không mù

“Mẹ sợ mình làm bể hết chén đĩa nhưng mẹ rửa năm phút là xong, mình có thể rửa trong 30 phút, 40 phút, miễn là giúp được mẹ thì mình sẽ gắng hết sức để làm” - An kể. Mắt trái An mù bẩm sinh, mắt phải bị cườm nước, tuổi ấu thơ An vẫn có thể thấy được “mờ mờ” về thế giới xung quanh.

Những hình ảnh trong hoài niệm về các trận bóng vẫn luôn ám ảnh An. An mê bóng, ước ao được một lần ra sân nhưng ước mơ giản đơn đó đến bây giờ vẫn chưa một lần thành hiện thực.

An đành nuôi niềm đam mê của mình bằng cách nghe bình luận, tường thuật những trận bóng qua chiếc radio cầm tay. Lắm khi nhìn thấy con bật cười sung sướng khi đội bóng Việt Nam sút vào lưới cầu môn đối phương mà người mẹ rưng rưng nước mắt.

Mẹ của An liên tục nhắc về thầy Ngô Phát Thương (giáo viên vật lý Trường THPT Nguyễn An Ninh), người đã đồng hành, nâng đỡ An suốt ba năm THPT để An có thể bước đến giảng đường như hôm nay.

Thầy Thương trực tiếp kèm cặp và giới thiệu các thầy cô khác để An được học thêm toán, lý, hóa miễn phí. Không những thế, khi biết mẹ An thất nghiệp, thầy còn ý tứ mời bà Viên đến vệ sinh nhà cửa, trả tiền đầy đủ dẫu người mẹ này tự nguyện làm không công như một sự trả ơn.

Cũng chính thầy Thương đã giới thiệu để bây giờ bà Viên có được công việc lao công, có thêm thu nhập. “Hai mẹ con đã cố gắng như thế rồi, những việc nhỏ của mình, tôi nghĩ chỉ để tiếp thêm sức mạnh trên con đường học của An” - thầy Thương chia sẻ.

An kể nhiều đêm thức khuya đọc bài cho An, giọng mẹ chùng xuống, nghẹn đi, An phần nào cảm nhận được những tủi hờn trong trái tim mẹ.

“Mình thương mẹ lắm, mình mù nhưng trái tim mình không mù, mình thấu hiểu được những gánh nặng của mẹ khi nuôi một đứa con khiếm thị và một đứa em tâm thần. Vì thế mình phải gắng học, người ta học 1 thì mình học 10, học 100 để trả ơn người mẹ tuyệt vời” - An tâm sự.

104 suất học bổng cho tân sinh viên Quảng Ngãi, Bình Định

Ngày 26-8, tại TP Quảng Ngãi, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và Bình Định tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 104 tân sinh viên vượt khó học giỏi, trong đó có 96 suất học bổng trị giá 7 triệu đồng và 8 suất đặc biệt trị giá 10 triệu đồng, tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng do Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty ôtô Đô Thành và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Đây cũng là điểm trao đầu tiên, khởi động học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2017.

Năm 2017, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn xét trao học bổng cho hơn 1.700 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 13 tỉ đồng được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL, 19 tỉnh thành phía Bắc, 6 tỉnh Tây Bắc.

NGỌC HIỂN - TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên