Do lớn tuổi rồi nên chúng tôi không muốn đăng ký kết hôn. Tôi không có con. Vậy nếu tôi đau bệnh, bà ấy (người sống chung) có được thay mặt người nhà ký các giấy tờ xác nhận với bệnh viện cho tôi không?
Bạn đọc T.V.Minh (Q.1, TP.HCM) gửi câu hỏi:
Luật sư Đỗ Hoàng Minh (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về quyền của người sống chung như vợ chồng như sau:
Thông thường, khi bệnh nhân đến bệnh viện thì nhân viên y tế sẽ hỏi ai là người nhà của bệnh nhân để ứng tiền viện phí, đưa bệnh nhân đi đến các phòng khám, xét nghiệm, giữ đồ cho bệnh nhân...
Thì lúc này, bất kỳ người nào đi cùng ông cũng thực hiện được mà không cần xét về mối quan hệ gia đình, nhân thân.
Bệnh viện luôn yêu cầu phải đóng viện phí trước khi thực hiện các xét nghiệm, giải phẫu nên chỉ yêu cầu đóng đủ là được.
Tuy nhiên, về pháp lý thì người phụ nữ mà ông sống chung như vợ chồng được xem như một người bạn nên không có quyền quyết định liên quan đến quyền tài sản, quyền nhân thân của ông.
Nếu ông phải thực hiện một ca phẫu thuật lớn và bệnh viện yêu cầu phải là người thân thích như cha, mẹ, vợ, con thì người bạn này không thể đại diện được.
Theo điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về người giám hộ lựa chọn, theo đó "trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực".
Để người bạn nữ này có thể thay mặt người nhà ký các giấy tờ xác nhận với bệnh viện cho ông thì ông nên thực hiện việc lập văn bản lựa chọn người bạn nữ này làm người giám hộ cho ông, văn bản này cần công chứng hoặc chứng thực.
Xin lưu ý rằng, khi ông lập văn bản chọn người bạn nữ này làm giám hộ cho ông thì khi ông cần được giám hộ trong các trường hợp khác (như sức khỏe kém, tinh thần không còn minh mẫn...) thì người bạn này cũng có quyền định đoạt tài sản của ông để lo tiền thuốc men, ăn uống, sinh hoạt cho ông.
Do ông không còn cha, mẹ; không có vợ, con nên thiết nghĩ việc chọn người giám hộ cho mình trước khi đến thời điểm cần giám hộ sẽ tốt hơn cho ông, tránh việc tranh chấp giám hộ giữa người bạn nữ này với những người anh, em bà con ở hàng thừa kế thứ hai, thứ ba của ông.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận