Tuy nhiên trong suốt thời gian ở chung, gia đình nhận thấy chị dâu không chăm sóc, quan tâm và nuôi dạy các con chu đáo.
Khi gia đình trao đổi thẳng thắn với chị thì chị trả lời không đủ khả năng và không muốn chăm sóc hai con nữa, chị chỉ muốn tập trung phát triển bản thân.
Trong trường hợp này, gia đình tôi có gợi ý đề xuất cho chị dâu tự đi lập nghiệp và không cần chu cấp cho con như nguyện vọng của chị.
Tuy nhiên gia đình tôi có thắc mắc việc nếu chị dâu quyết định ở riêng thì có thể đổi người đại diện pháp luật của cháu tôi sang tên bà nội hoặc cô ruột của cháu được không?
Hiện tại một số tài sản của gia đình đang đứng tên mẹ tôi và 2 cháu. Nếu chị dâu đã không chu cấp và nuôi dưỡng hai cháu thì sau khi đi, việc tiếp tục làm người đại diện pháp luật cho con sẽ gây khó khăn trong công việc chuyển đổi tài sản sau này.
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
Luật sư Nguyễn Trọng Dần (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, người dưới 18 tuổi sẽ được gọi là người chưa thành niên.
Đối với nội dung câu hỏi xin được trả lời như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 điều 47 Bộ luật Dân sự thì người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
c) Người mất năng lực hành vi dân sự.
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trong trường hợp này, cha của hai cháu không còn, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ nên 2 cháu có điều kiện để được giám hộ.
Thứ hai, theo quy định tại điều 49 Bộ luật Dân sự về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Như vậy nếu bà nội hoặc cô ruột có đủ điều kiện trên thì có thể làm người giám hộ cho 2 cháu.
Thứ ba, thứ tự giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại điều 52 Bộ luật Dân sự như sau:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 47 của bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Như vậy xét điều kiện của người giám hộ và đối chiếu quy định pháp luật nêu trên thì bà nội và cô ruột có thể làm thủ tục để đăng ký giám hộ cho 2 cháu.
Trình tự thủ tục thực hiện đăng ký giám hộ đương nhiên được quy định tại điều 21 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
2. Trình tự đăng ký giám hộ đương nhiên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 20 của luật này: "Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều này, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào sổ hộ tịch, báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu".
Đối với giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ thì cần đáp ứng các điều kiện tại điều 51 Bộ luật Dân sự quy định về giám sát việc giám hộ và điều 59 Bộ luật Dân sự quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận