Hào hùng trang sử biên thùy“Tháng 3 biên giới”Âm vang biên giới xây mái ấm cho chiến sĩ
Phóng to |
Nụ cười hạnh phúc với gia đình bé nhỏ của trung úy Trần Văn Duẩn ở đồn biên phòng A Mú Sung khi anh chưa hi sinh - Ảnh: Ngọc Quang |
Đã tròn ba năm kể từ ngày trung úy trinh sát Trần Văn Duẩn của đồn biên phòng A Mú Sung hi sinh ngay “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Sự hi sinh của người lính biên phòng là một điều gì đó quá lớn lao hơi khó hình dung nhưng lại vô cùng cụ thể trong gia đình người sĩ quan liệt sĩ biên phòng Trần Văn Duẩn.
Chiếc mũ lính của cha
Trong căn nhà nhỏ mà cô giáo Vân Chi thuê trọ ở Bát Xát, chiếc bàn thờ người chồng liệt sĩ đặt khiêm tốn ở một góc cao. Trên bàn thờ còn có quyết định của Bộ tư lệnh Biên phòng truy phong vượt hai cấp, từ trung úy lên đại úy cho anh Trần Văn Duẩn. Chiếc mũ sĩ quan biên phòng của Duẩn cũng được treo cạnh bàn thờ. Mỗi lần lên đồn A Mú Sung, lên trạm Lũng Pô, chiếc mũ cũ của người cha ấy được mẹ Chi đội lên đầu cho bé Bảo Nam, con trai vừa tròn 4 tuổi của họ.
Tháng 11-2010, trong chuyến đi vòng qua mười mấy đồn biên phòng khu vực Tây Bắc, chúng tôi đã đến A Mú Sung, đến trạm biên phòng Lũng Pô và bất ngờ gặp lại vợ chồng cô giáo Vân Chi và trung úy Trần Văn Duẩn. Rồi mới nhớ ra từ năm 2006, chúng tôi từng gặp chàng sĩ quan trẻ đang công tác tại trạm biên phòng Tùng Sáng. Khi đó Duẩn đang yêu cô giáo Vân Chi. Nhưng không thể ngờ, chỉ hơn hai tháng sau khi bài báo viết về “Đất lành Lũng Pô” trong loạt bài về biên ải đăng trên Tuổi Trẻ thì Duẩn hi sinh ngay trên quãng sông Hồng đầu nguồn biên giới. Khi nhận tin, từ Hà Nội, chúng tôi tìm về xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) quê nhà của trung úy Trần Văn Duẩn để viếng anh và trao cho gia đình giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” của báo Tuổi Trẻ trao tặng và mới biết thêm nhiều điều về Duẩn.
Khi đó, ông Trần Ngọc Hiểu, cha của Duẩn, kể Duẩn là con trai “độc đinh” của gia đình, ông lại là trưởng tộc. Vì thế, khi thấy con trai mình nộp đơn thi vào Học viện Biên phòng, ông cũng có chút băn khoăn. Nhưng từng là một người lính chiến đấu ở Phố Lu (Lào Cai) trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, ông hiểu quyết tâm của con trai. Rồi tình yêu với Vân Chi, cô giáo trẻ người Yên Bái lên vùng biên công tác, đã khiến cả hai quyết định chọn nơi đây thành quê hương thứ hai của mình. Câu chuyện của họ cũng như bao nhiêu câu chuyện đẹp về tuổi trẻ trên tuyến biên giới này, những mối tình của lính biên phòng và cô giáo cắm bản, luôn ngập tràn kỳ vọng vào tương lai.
Phóng to |
Vợ và con của liệt sĩ Trần Văn Duẩn vẫn gắn bó với vùng biên, vẫn thường lên thăm lại cột mốc 92 ở Lũng Pô - vị trí đánh dấu “con sông Hồng chảy vào đất Việt” - Ảnh: V.C. |
Sống nơi chồng mình ngã xuống
Duẩn hi sinh, gia đình của Duẩn cũng muốn Vân Chi đưa Bảo Nam về sống ở Nam Định. Cha mẹ của Vân Chi ở Yên Bái cũng muốn con gái về quê. Nhưng Chi bảo mảnh đất Bát Xát này gắn bó quá, nhiều kỷ niệm quá. Vậy là chịu tang chồng xong, Chi bế con về lại căn nhà nhỏ ở Lũng Pô, trong cái bản nhỏ ngay địa đầu biên ải ấy. Và cũng vì Bảo Nam còn quá nhỏ, các ban ngành của tỉnh Lào Cai đã quyết định bố trí cho Vân Chi ra dạy ở Trường mầm non Bát Xát thuộc thị trấn. Từ đây, một vài tuần, Chi vẫn có thể chạy xe vài chục cây số quay trở lại bản cũ, ghé đồn biên phòng A Mú Sung thăm đồng đội của chồng mình, thăm quãng sông mà chồng đã hi sinh.
Nhưng nỗi đau của gia đình không dừng lại ở đó. Chi kể sau khi Duẩn hi sinh, ông Hiểu cũng yếu hẳn. Hè năm 2012, khi Bảo Nam được hai tuổi rưỡi, ông Hiểu đưa đứa cháu nội ra mộ của Duẩn. ở đó, ông kể hết cho Bảo Nam nghe về sự hi sinh của cha em. Cuối hè năm đó, về quê nội đưa Bảo Nam lên, tự nhiên con trai kể cho Chi nghe tất cả câu chuyện về sự hi sinh của cha Duẩn. Chi hỏi con vì sao biết, Bảo Nam nói: “Ông nội đưa con ra mộ bố và kể cho con nghe”. Sau đận ấy, ông Hiểu ngã bệnh trầm trọng hơn và đầu năm 2013, chỉ sau ngày giỗ của Duẩn chừng vài tuần, ông Hiểu cũng qua đời, chỉ mới 58 tuổi.
Chi nói: “Hôm qua bà nội nhớ cháu quá, nói chú Định, chồng của em gái anh Duẩn, lên đây đưa Bảo Nam về cho bà, bà cũng đau yếu luôn. Đất này là nơi chúng em quen nhau yêu nhau, Bảo Nam chôn nhau cắt rốn ở đây, anh Duẩn hi sinh ở đây... Hoàn cảnh gia đình như thế, bên tình bên hiếu thật khó tròn. Nhưng hai mẹ con đã nghĩ là sẽ sống với mảnh đất biên cương này đến cùng”. Cô giáo Chi cũng không ngần ngại chân thành: “Bố chồng em trước khi mất có trăng trối là em chịu tang xong cũng nên đi bước nữa vì em còn trẻ. Bây giờ em không nói đinh ninh là rồi em có đi bước nữa hay không, nhưng thật tình từ khi anh Duẩn mất đến nay đã ba năm, em chưa bao giờ có ý nghĩ là sẽ đi bước nữa”. Rồi Chi lại mở điện thoại cho xem hình chụp sinh nhật lúc 4 tuổi của Bảo Nam có nhiều anh em đồng đội của anh Duẩn vẫn nhớ ngày sinh của cậu nhóc và đến tặng quà. “Mọi người và đồng đội yêu thương chăm lo cho Bảo Nam như thế, em càng thấm thía hơn sự hi sinh của chồng mình” - Chi nói.
Trở lại đồn biên phòng A Mú Sung, trung tá Hoàng Văn Điệp, đồn phó A Mú Sung, đón chúng tôi như những người quen cũ và dẫn chúng tôi ra thắp nhang ở nhà bia của đồn. Trên tấm bia ở đồn A Mú Sung có khắc tên 30 liệt sĩ, hầu hết anh em đều hi sinh vào ngày 17-2-1979, nhưng cuối tấm bia có tên năm người lính hi sinh vào ngày 17-2-1984. Và ngày Duẩn hi sinh cũng là một ngày như thế, đêm 16 rạng ngày 17-2-2011.
Đêm 16-2-2011, nhận tin báo có một chiếc “thuyền lạ” xâm nhập trái phép qua khỏi đường phân thủy biên giới, trung úy Trần Văn Duẩn lập tức đến hiện trường. Anh đã kịp huy động lực lượng dân quân địa phương chia làm ba tốp để ngăn chặn sự xâm nhập này, còn mình cùng một dân quân chặn ở quãng giữa. Khi chặn đuổi chiếc “thuyền lạ” ở quãng sông cách vị trí đồn A Mú Sung chừng 500m, Duẩn bị ngã xuống sông. Đơn vị huy động tất cả anh em cán bộ chiến sĩ ra tìm kiếm. Tiếng gọi “Duẩn ơi” vang trên biên cương, xé toang đêm sương mù dày đặc của A Mú Sung. Đến 11g trưa 17-2-2011 mới tìm thấy thi thể Duẩn ở quãng sông cách đồn chừng 200m về phía thượng nguồn. |
Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc bằng thế trận lòng dân Hình ảnh các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng nhân dân phát triển kinh tế xã hội, dạy chữ, chữa bệnh, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai... ngày càng sâu đậm trong lòng nhân dân và đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy trong buổi lễ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (lần 3) cho lực lượng Bộ đội biên phòng và gặp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3-3-1959), chào mừng 25 năm Ngày biên phòng toàn dân (3-3-1989) tổ chức sáng 2-3 tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định trong suốt 55 năm qua, lực lượng Bộ đội biên phòng luôn phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc; khắc phục khó khăn, bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, hải đảo, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ yên bờ cõi của Tổ quốc. Trong giai đoạn mới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ đội biên phòng cần chủ động, tích cực đổi mới trong công tác, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng. Xây dựng lực lượng Bộ đội biên phòng mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận biên phòng nhân dân để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ đội biên phòng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tại buổi lễ, trung tướng Phạm Huy Tập, chính ủy Bộ đội biên phòng, cũng khẳng định những thành tích, truyền thống vẻ vang của Bộ đội biên phòng được bắt nguồn từ sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ truyền thống anh hùng của dân tộc, của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; từ sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào các dân tộc biên giới và nhân dân cả nước... Đằng sau những chiến công của Bộ đội biên phòng còn có công lao to lớn của những người mẹ, người anh, người chị, người vợ, người em nơi hậu phương đã âm thầm chịu đựng khó khăn, vất vả, lo toan mọi việc để những người thân của mình chắc tay súng nơi biên cương, hải đảo. Thành tích đó còn có sự hi sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh của lớp cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng qua các thế hệ đã xả thân vì Đảng, vì dân, vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận