Chẳng biết tự bao giờ chuối bắt đầu ưu ái được chọn làm quả phẩm gìn giữ nếp nhà và kết nối dòng chảy văn hóa giữa các thế hệ.
Chúng tôi lớn lên đã quen với việc kế thừa truyền thống theo đúng nghĩa "xưa bày, nay làm".
Gieo cái tình, vun cái nghĩa
Chuối mọc theo bụi, quây quần thành khóm hiện diện trên từng mét đất nơi mảnh vườn. Bất cứ nơi đâu có đất mềm, gốc chuối vươn mình trưng trổ lá cành sẽ nhanh chóng đơm hoa. Hoa chuối hoe hoe đỏ như mầm lửa nhỏ vừa ló, dưới gốc đã le te cây chuối non. Cây mẹ bận đơm hoa kết quả, cây con cứ lớn nhanh thôi thổi kề bên.
Buồng hoa đỏ nghiêng mình uốn cong lồ lộ từng nải chuối nhỏ nhắn như ngón tay út xếp đều tăm tắp.
Những quả chuối lớn dần lên, mập ú, tròn trịa, chắc nịch trong lớp áo màu xanh đậm, phủ nhẹ màng phấn mỏng mịn.
Chùm râu chuối rơi rụng dần từ lúc nào chỉ còn in hằn một nốt đen trên đỉnh quả báo tin với người đã đến thời điểm thu hoạch rồi đấy.
Và vòng đời của chuối dù chỉ một lần kết quả nhưng đã dâng trọn hương sắc vị cho cuộc đời. Chưa dừng lại ở đó, thân chuối bị chặt bỏ dồi dào kali và các dưỡng chất được tận dụng để ủ phân.
Lá có thể làm đồ thủ công, làm giấy hoặc thuốc nhuộm tự nhiên. Lá và thân giàu protein còn trở thành nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho gia súc…
Quý cái tình, mến cái nghĩa cây lành trái ngọt, chuối tự nhiên trở thành thức quà dân dã, quen thuộc với nhịp sống thường nhật của con người.
Chuối dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá cả lại mềm, mùa nào cũng cho quả nên việc chọn chuối làm quả phẩm tự nhiên thành nếp như chính tục cúng trầu cau của người Việt.
Đơm chuối cúng trở thành nếp nhà
Nải chuối đẹp, cân đối, quả căng mẩy đơm đặt trang trọng trên bàn thờ trở thành nếp nhà bao đời nay, dẫu vật đổi sao dời cũng hiếm khi đổi khác.
Chị đồng nghiệp của tôi năm rồi đêm giao thừa còn nhắn tin than thở chuyện nải chuối cúng. Tết nhứt chuối đắt đỏ quá, chị tìm chợ đầu mối suốt từ sớm tinh mơ vẫn không lựa được nải chuối ưng ý.
Thế là đánh liều mua trái cây thay thế, định bụng đổi mới mâm cúng một năm, ai ngờ đâu ông chồng càm ràm nguyên ngày, ra vẻ không ưa bụng. Thiếu một nải chuối trên quả bồng, chuyện tưởng nhỏ lại hóa to tát khiến vợ chồng lục đục, không khí gia đình trĩu nặng đến không ngờ.
Mà chuối đâu chỉ là vật phẩm quan trọng hiện diện trong dăm ba ngày Tết đâu. Giỗ, chạp, kỵ, cúng, đám cưới, ngày rằm và mùng một, người Huế vẫn chuộng trang trí bàn cúng bằng nải chuối đặt trên quả bồng.
Chuối đã song hành với văn hóa tín ngưỡng của con người từ bàn cúng gia tiên, nhà thờ họ tộc đến cả đình chùa, miếu mạo.
Và mỗi dịp Tết nhứt vẫn xôn xao nhất, nhà nhà săn lùng mua chuối thắp nhang. Nên mỗi dịp cận Tết, mấy đoàn xe chở chuối khắp các tỉnh thành nườm nượp đổ về Huế lao xao cả một vùng. Xe vừa dừng, chuối vừa bốc dỡ xuống là người người lao xao hỏi giá.
Những buồng chuối đẹp được định giá rất nhanh, có năm chuối đắt đỏ đội giá cao chót vót mà người mua vẫn không ngần ngại móc ví, bởi tâm lý cả năm có dăm ba ngày Tết, chọn được nải chuối đẹp trưng Tết là ưng cái bụng, Tết an yên tự nhiên kéo về lan tỏa niềm vui trong lòng người.
Thức quà dân dã và nhiều món ngon
Người dân quê tôi đi chợ Tết thường mua chuối cả buồng mới đủ để đơm đặt bàn thờ thượng hạ, các trang cảnh trong ngoài. Khác với các ngày cúng kỵ hoặc ngày rằm và mồng một, chuối thắp nhang ngày Tết thường để dài ngày nên chọn loại vỏ còn tươi xanh, phớt vàng.
Chuối được chăm đủ dinh dưỡng, râu sẽ có phấn mốc trắng, ria màu đen tuyền. Quả căng mẩy là dấu hiệu chuối đã trổ mã, thịt quả dày và khi chín cho vị ngon ngọt.
Mà người Huế phân biệt rạch ròi chuối cúng và chuối ăn. Chuối bà lùn, chuối tiêu, chuối sứ hột tuyệt nhiên chẳng được mon men đến nơi trang nghiêm. Chỉ chuối mật, chuối ngự, chuối cau mới được ưu ái chọn thắp hương.
Chuối cau quả nhỏ, vỏ dày, hương thơm dịu nhẹ thường được thờ nơi trang cảnh. Chuối ngự - đặc sản tiến vua ngày trước - mang vẻ ngoài sáng đẹp, hay chuối mật vàng ươm khi chín đơm đặt ở hầu hết các nơi còn lại.
Bàn thờ chính thường thêm quả thanh long, đu đủ, quýt đường, bưởi xanh cho quả bồng thêm xum xuê.
Với nếp nhà cần kiệm, chuối chín sau khi thắp nhang xong hạ xuống phát huy trọn vẹn quan niệm "trước cúng sau cấp". Thứ quả ngọt lành, giàu giá trị dinh dưỡng ấy là thức quà dân dã cho người lớn, trẻ nhỏ trong nhà ăn giặm thay quà bánh hoặc tráng miệng sau bữa cơm.
Chuối chín còn được biến tấu thành vô số món ngon: bánh chuối nướng, bánh chuối chiên, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, chè chuối, kem chuối…
Khi ngắm nhìn nải chuối ngửa lên như bàn tay hứng lấy tinh hoa đất trời, kết thành quả ngọt lành, đong đầy ấm no, tròn trịa hạnh phúc, lòng người tự nhiên an yên và dịu dàng mỗi khi Tết đến xuân về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận