Hoàng Nhật Minh cùng mẹ (bìa phải) trong ngày lễ tốt nghiệp đại học năm 2021 - Ảnh: NVCC
Trong một bài viết về mẹ, Minh đã chia sẻ: "Tinh thần kiên cường của mẹ đã là động lực rất lớn giúp tôi đạt được những thành công đáng nhớ đầu đời".
Đừng tạo cho con vỏ bọc
Cô Bình biết mình mắc bệnh ung thư lúc Minh học lớp 10. Cô đã "chiến đấu" với bệnh bằng sự lạc quan, và điều đó khiến con càng thêm nghị lực để vượt lên.
Cô nói: "Mình luôn dạy con "Cuộc sống là những sự lựa chọn" và "Cái gì cũng có cách giải quyết". Đó là phương châm giúp mình có thể lạc quan khi phát hiện bệnh. Lúc đó hai con còn nhỏ, Minh mới học lớp 10 và vẫn chưa chắc chắn tương lai như thế nào, con gái lúc đó mới 10 tuổi. Mình hiểu rằng chỉ khi mình lạc quan, gia đình mới lạc quan, con cái mới lạc quan, từ đó mới an tâm học hành và phát triển được.
Cô kể thêm: "Lúc nhỏ vì nghĩ rằng Minh vẫn còn nhìn thấy được, gia đình cho Minh học tại một trường tiểu học theo đúng tuyến. Tới lúc Minh học lớp 6, khi mà thị lực có giảm sút chút đỉnh và mình hơi lo ngại con không theo kịp.
Cùng với việc nhận được lời khuyên từ bác sĩ điều trị mắt cho Minh rằng nên cho Minh vào học tại Nguyễn Đình Chiểu, vì tại đó, Minh có cơ hội học được những kỹ năng sống của người mù như chữ nổi, vi tính, định hướng di chuyển, nấu nướng, từ đó, mới có thể tự tin khi có trường hợp xấu nhất xảy ra.
Ban đầu gia đình nội ngoại cũng hơi khó chịu và không cảm thấy thoải mái, nhưng sau khi mình phân tích về lợi ích của giáo dục đặc biệt và lợi ích lâu dài đến sự phát triển của Minh, gia đình đã thấu hiểu và chấp nhận".
Mẹ là ánh sáng cuộc đời con
Trải nghiệm thực tế đã giúp cô Bình nhận ra tinh thần tích cực sẽ quyết định tất cả. Minh đạt được kết quả cao nhất ở kỳ thực tập và đã có những tháng lương đầu tiên khi chưa tốt nghiệp đại học. Chàng trai này cũng có tấm lòng nhân ái với cộng đồng, nhiều năm đi dạy võ và tham gia các sự kiện, hội thảo hỗ trợ trẻ khiếm thị, tự kỷ, đa tật...
Cuộc sống của Minh cũng tràn đầy sắc màu và hy vọng, hoài bão, dù cậu là một người khiếm thị. Biết con như vậy nhưng cô vẫn cho con học bơi, học võ để tự vệ mặc cho sự phản đối của ông bà vì xót cháu. Để con suy nghĩ tích cực và không tự ti về khiếm khuyết của mình, cô Kim Bình phải làm "tư tưởng" cho cả những người trong gia đình: "Mình không muốn con mình nhận được sự thương hại từ bất cứ ai, kể cả người nhà".
Từ lớp 10, Minh đã phụ cô dạy võ cho trẻ tự kỷ, đa tật với tình thương và trách nhiệm cao nhất. Những năm sau đó, Minh đạt huy chương bạc và vàng trong chương trình chạy 100m của học sinh khuyết tật năm lớp 10, 11; đạt nhất đẳng huyền đai và chứng chỉ huấn luyện viên Aikido.
Minh tự tin viết thư tự giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh và đã thuyết phục hội đồng giáo sư phỏng vấn học bổng để đạt học bổng toàn phần "Chắp cánh ước mơ" cho 4 năm đại học ngành truyền thông cùng sinh hoạt phí tại Đại học RMIT. Hiện Minh làm việc tại Saigon Children - tổ chức phi chính phủ với sứ mệnh "giúp trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam phát triển hết tiềm năng của mình thông qua nền tảng giáo dục chất lượng và phù hợp với nhu cầu".
Đến nay Minh chủ động trong mọi hoạt động của mình: làm việc nhà, tự đặt xe máy bằng app để đi làm, đi dạy, đi tập gym, học thêm judo, rất tâm huyết với công việc thiện nguyện.
Cô Bình chia sẻ: "Tôi luôn tạo cơ hội cho con trải nghiệm, đặt niềm tin vào con, nhưng không quá kỳ vọng để con áp lực. Bên cạnh đó, dần từng bước cho con thấy tính muôn mặt của cuộc sống để bình tĩnh đón nhận những hỉ-nộ-ái-ố của cuộc đời theo một cách tự nhiên nhất".
Hoàng Nhật Minh đứng sau mẹ mình và người thân trong gia đình - Ảnh: NVCC
"Năm tôi 3 tuổi, do nhận thấy những điểm bất thường từ thị lực của tôi, gia đình đã cho tôi đi khám và được chẩn đoán mắc viêm võng mạc sắc tố, một bệnh mắt liên quan đến gene di truyền. Từ đó, tôi càng được bao bọc và thương hại nhiều hơn. Tôi luôn dễ cảm thấy bị tổn thương, thường có những đòi hỏi thái quá, hay ăn vạ cũng như cảm thấy buồn về sự khiếm khuyết của mình.
Để có được một tâm thế và sự tự tin vào bản thân mình, đó hoàn toàn là nhờ vào sự định hướng và đồng hành của mẹ tôi.
Nhưng vào năm tôi học lớp 10, lúc tôi đang có những hướng tiến triển tốt nhất, mẹ tôi được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 3.
Một lần nữa, mẹ bị ung thư lại là người vực tinh thần tôi dậy và dạy tôi sống như một chiến binh. Cùng phụ mọi người chăm sóc mẹ trong thời gian một tháng mẹ nghỉ sau phẫu thuật, tôi thấy mẹ đã từ từ lấy lại tinh thần. Sau đó, hóa trị, rồi xạ trị, khi đầu không còn tóc, nhưng mẹ vẫn lạc quan, vẫn là chỗ dựa tinh thần cho cả nhà và vẫn là người tạo ra nguồn thu nhập khá cao để lo lắng chi tiêu cho gia đình.
Tinh thần kiên cường của mẹ đã là động lực rất lớn giúp tôi đạt được những thành công đáng nhớ đầu đời".
HOÀNG NHẬT MINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận