"Mẹ vừa quán xuyến việc nhà, còn làm thêm công việc thời vụ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bố", Ngọc Anh bày tỏ sự ngưỡng mộ với mẹ - Ảnh: NVCC
Thừa nhận bản thân không có nhiều thời gian trò chuyện với mẹ, vì thế nhân ngày đặc biệt, các bạn gửi lời yêu thương, tri ân mẹ, đồng thời thể hiện nỗ lực gần gũi, thân thiết với mẹ hơn trong hiện tại và tương lai.
Hiểu rõ sở thích của mẹ
Đối với Phạm Uyên (chuyên viên tuyển dụng), Ngày của mẹ là dịp để nói lời yêu thương trực tiếp với mẹ, vì bình thường hai mẹ con kiệm lời, ngại bày tỏ với nhau. Năm nay, Uyên dự định dành trọn một ngày để chuẩn bị một bữa ăn cho mẹ.
"Mình làm việc xa nhà, nếu về nhà cũng chỉ toàn đi chơi, rồi đợi mẹ chăm sóc thôi. Lần này, mình quyết tâm sẽ chuẩn bị một bữa ăn ra trò, với toàn những món yêu thích của mẹ. Rồi mình sẽ đưa mẹ đi mua một bộ mỹ phẩm mới", Uyên nói.
Trần Thị Ngọc Anh (cộng tác viên báo chí) cho hay sẽ dành một ngày cùng mẹ tham gia đại lễ Phật đản. Sau đó, hai mẹ con sẽ phụ giúp các công việc ở chùa. Ngọc Anh kể, mẹ của cô rất thích những hoạt động này, và luôn mong muốn cả nhà cùng tham gia.
"Mẹ mình đang ăn chay, nên nhà mình cũng sẽ dẫn mẹ đi ăn ở nhà hàng chay mẹ thích nữa", Ngọc Anh kể về những dự định dành cho mẹ.
Anh Dũng (sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế, TP.HCM) cho hay: "Mẹ mình thích hoa và thích chụp hình khoe Facebook. Mỗi dịp lễ, mình và ba sẽ mua tặng mẹ một lẵng hoa to thật to để mẹ chụp hình cho thỏa thích. Sau đó mình sẽ dẫn mẹ đi ăn nhà hàng, cho mẹ ‘nghỉ bếp’ một hôm, và cũng tạo điều kiện cho mẹ chụp thật nhiều hình để ‘cúng Facebook’ nữa", Dũng cười nói.
Mẹ của Đoàn Ngân (giáo viên IELTS) lại không thích được tặng quà, nên Ngân dự tính sẽ gửi mẹ tiền để mẹ tự sắm những gì mẹ thích.
"Mua đồ tặng, mẹ không ưng thì khó mặc lắm. Mấy chị em mình sẽ đưa tiền cho mẹ thôi, để mẹ tự mua những món mẹ thích. Nếu có thời gian, cả nhà cùng nhau đi mua sắm luôn", Ngân nói.
Thời gian dài bên mẹ, hiểu và ngưỡng mộ mẹ hơn
Ngân lo lắng khi mẹ hay mất ngủ, vì lo nghĩ nhiều - Ảnh: NVCC
Giãn cách xã hội kéo dài cũng tạo điều kiện để những người con xa nhà ở bên mẹ lâu hơn. Từ đó, các bạn thêm hiểu những tâm tư của mẹ và yêu mẹ hơn bao giờ hết.
"Ba tháng giãn cách xã hội vừa qua, để giảm bớt bí bách, mình đã gợi ý mẹ tập làm bánh cùng mình cho đỡ chán. Theo hướng dẫn trên mạng, hai mẹ con trung bình hai ngày làm ra đủ thứ bánh khác nhau. Mẹ cũng chăm đăng hình lên mạng xã hội. Do đó, cân nặng cả nhà cùng lượng tương tác của mẹ cứ thế tăng vù vù", Dũng nhớ lại.
Trước đây, Dũng cho hay hai mẹ con đều bộc trực và thẳng tính nên gây gổ nhiều. Cũng nhờ khoảng thời gian đó, Dũng nhận ra mẹ đã phải chịu rất nhiều áp lực. Vì thế, bạn cố gắng hạn chế cái tôi, lắng nghe mẹ nhiều hơn, và tranh thủ cùng mẹ làm nhiều điều mẹ thích hơn nữa.
"Không có gì quá đặc biệt, nhưng mình lại rất vui trong thời gian này. Mình với mẹ không hợp tính lắm, nên cãi nhau nhiều vô kể. Nhưng cãi nhau lại có cảm giác vô cùng gần gũi", Ngọc Anh cho hay.
Khoảng thời gian giãn cách, ở bên mẹ lâu khiến Ngọc Anh nhớ lại từ nhỏ đến lớn đã thân thiết với mẹ như thế nào. "Đi học xa nhà, ‘yên bình’ hơn, nhưng không hạnh phúc như thế", Ngọc Anh tâm sự. Cô mong muốn nói lời yêu mẹ nhiều hơn, không ngại thể hiện tình yêu và sự biết ơn với mẹ mỗi ngày.
Nhân Ngày của mẹ năm nay (8-5), bạn có kỷ niệm hay lời nhắn nhủ yêu thương nào dành tặng bà, tặng mẹ? Mời bạn chia sẻ bài viết, hình ảnh về hòm thư tto@tuoitre.com.vn. Bài viết dài không quá 700 chữ. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận