Ông Nguyễn Tấn Danh (đầu bạc) trao tặng cúp “Tửu vương chi bảo” đệ nhất, đệ nhị và tiền thưởng cho 2 cá nhân thắng hội thi được tuyên bố là “tự phát” - Ảnh: BỬU ĐẤU
Thi uống rượu đều là những người đã trưởng thành, còn các tân sinh viên nghèo mới chập chững bước vào đời nhưng các em đã là tấm gương cho nhiều người noi theo.
Rượu và tiền
Trong buổi tiệc liên hoan mới đây, Công ty TNHH MTV Khai thác đá An Giang đã tổ chức cuộc thi uống rượu mang tên Tửu vương chi bảo. Kèm với đó là các giải thưởng bằng hiện vật lẫn hiện kim cho người thắng cuộc.
Ngay sau khi thông tin này được đăng trên Tuổi Trẻ Online, đã có hàng trăm lượt bình luận của độc giả. Và đại đa số đều rất bức xúc với cuộc thi "vớ vẩn", "lãng phí", "hại đủ bề" này.
Dù sau đó lãnh đạo cơ quan này đã đứng ra nhận khuyết điểm, tôi không tán thành với cách giải thích rằng trong bữa tiệc vui vẻ nên mới "cao hứng" nghĩ ra trò tiêu khiển kia. Không thuyết phục bởi lẽ chiếc "cúp" dành tặng "đệ nhất tửu" và "đệ nhị tửu" đã được đặt làm sẵn. Điều này chứng tỏ khâu chuẩn bị cho cuộc thi đã có từ trước, hoàn toàn không phải tình huống phát sinh.
Cận cảnh 2 cúp “Tửu vương chi bảo 2019” - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ở một tỉnh miền Tây khác, "thiếu gia" Tô Công Lý (ngụ tỉnh Cà Mau) bị cơ quan công an bắt về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tôi không đề cập đến việc ông Lý vi phạm pháp luật mà chỉ nói đến những sự khoe khoang của ông ta trên mạng xã hội, khi đăng tải tấm hình chụp chai rượu ngoại và hàng xấp đôla.
Mỗi người có quyền khoe khoang tài sản, tiền bạc trên trang cá nhân, song với những hình ảnh đó có phải là thước đo của sự thành đạt? Thật làm tiếc cho những con người ở vị trí lẽ ra có thể tạo nên hình ảnh tốt hơn, chiếm được lòng tin và sự quý trọng của cộng đồng, lại một phút "chơi ngông" gây bức xúc.
Tấm gương hai bạn nhỏ
Trái ngược với hình ảnh trên, có lẽ không riêng tôi mà cả những ai đọc câu nói trong nước mắt này của ông Đỗ Thưởng (Quảng Nam) với cô cháu nội Đỗ Thị Bảo Yến, tân sinh viên Trường đại học Đà Nẵng, cũng đều bật khóc.
Khoản học phí hơn 10 triệu đồng mà cô học trò tội nghiệp này đang cần nếu không có nó, Yến có thể phải gác lại giấc mơ con chữ. Nếu không có sự quan tâm kịp thời của thầy cô Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn) cùng với bao tấm lòng thơm thảo từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ, chắc chắn em phải quên đi giấc mơ đại học.
"Đói cho sạch, rách cho thơm", cậu học trò cùng trường với Bảo Yến là Nguyễn Tấn Hiếu từ khi còn học lớp 11 đã khiến chúng ta cảm phục khi nhặt bọc tiền 50 triệu đồng và tìm bằng được người đánh rơi để trả lại.
Năm nay, chàng tân sinh viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng định không nhập học, vì khoản học phí 30 triệu đồng quá sức đối với một gia đình có cha và em trai đều bị câm điếc, trong đó người cha lâu nay còn phải chạy thận nhân tạo. Thế rồi cũng như Yến, Hiếu toại nguyện giấc mơ giảng đường nhờ vào những bàn tay ấm áp kịp chìa ra, nắm lấy.
Tôi ngưỡng mộ Hiếu không chỉ ở nghị lực vượt khó mà còn có cả lòng tự trọng. Trong hoàn cảnh khó khăn đến cùng cực, em vẫn giữ được mình trong sạch là chuyện không phải dễ làm. Dũng cảm từ chối số tiền lớn trong lúc chính mình đang cần số tiền nhỏ là tấm gương rất đáng được lan tỏa.
Những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ như Bảo Yến, Tấn Hiếu, tôi tin rằng các em sẽ là công dân tốt, người có ích cho xã hội. Cảm ơn nghị lực của các em đã truyền cảm hứng vươn lên cho cộng đồng, cũng là để mọi người tin rằng những chuyện như thi uống rượu, khoe tiền... chỉ là rất, rất cá biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận