21/07/2014 10:35 GMT+7

Người lính gác cầu

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Đêm 30-4-2008 ông Nguyễn Xuân Liên, cựu công an vũ trang giới tuyến, từ Huế được mời ra Quảng Trị tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề Khát vọng độc lập, thống nhất.

Chương trình tổ chức có bốn địa điểm tham gia cầu truyền hình là: Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP.HCM.

L1voc40F.jpg
Người lính miền Nam gác cầu bờ bắc Nguyễn Xuân Liên - Ảnh tư liệu gia đình

Ông chính là nhân vật đưa bưu thiếp của đồng bào miền Bắc cho bà con ở miền Nam theo thỏa thuận của Hiệp định Genève, trong bộ phim tài liệu Ngọn cờ Hiền Lương do Truyền hình quân đội thực hiện.

Đêm ấy ông Liên đã được khán giả đồng vọng, sẻ chia qua những tâm sự của một người từng nhiều năm lăn lộn, vui buồn với đôi bờ giới tuyến. Với ông, chiếc cầu Hiền Lương đã trở thành một phần máu thịt của đời mình.

Chiếc nón trôi sông

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, nguyên giảng viên đại học, con gái đầu của ông Nguyễn Xuân Liên, vừa mới kể cho chúng tôi nghe nhiều chi tiết thú vị liên quan đến người cha và chiếc cầu Hiền Lương.

Thật bất ngờ khi chị cho hay: “Tôi đã xem vở kịch của ba mình. Anh biết ở đâu không, ngay tại thị trấn Hồ Xá đấy. Hồi đó tôi còn bé lắm, chưa đi học lớp 1. Thấy ba mình diễn kịch trên sân khấu vui lắm, trẻ con mà. Nhưng vui nhất là ba tôi lại hóa trang thành một vai diễn nữ. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ấy cho đến bây giờ”.

Ấy là bà Hường đang nói đến một sự kiện rất đáng nhớ về một vở kịch thơ có cái tên nghe thật mềm mại Chiếc nón trôi sông, do cha mình sáng tác và biểu diễn, dù ông chỉ là người lính gác cầu chứ không phải nhà văn, nghệ sĩ chuyên nghiệp. Câu chuyện lại cầm tay chúng tôi ngược về quá khứ.

Ông Liên vốn là người Huế tập kết ra Bắc, lấy vợ người Chợ Cầu thuộc huyện Gio Linh, cùng sống với nhau tại Hồ Xá. Hoàn cảnh gia đình ông như thế là tốt rồi, vợ chồng con cái bên nhau.

Nhưng ông làm nhiệm vụ của một chiến sĩ công an vũ trang, hằng ngày thấy bao đồng đội, đồng bào không được như vậy.

Người này thì chồng Bắc vợ Nam, người kia thì chồng Nam vợ Bắc. Nhiều khi cách mấy nhịp cầu, cách một đoạn sông mà bờ này bờ kia không thể gặp nhau, không được về bên nhau, thật vô cùng xót xa, uất nghẹn. Tình cảm lứa đôi, tình thân máu thịt ai nỡ chia lìa?

Ông nung nấu trong người phải viết nên một vở kịch để nói hộ tâm sự bao người. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng cũng không hình dung mình sẽ viết như thế nào.

Rồi những vần thơ mộc mạc nhưng chan chứa ân tình cứ bật ra trong tâm tưởng:

Không ai có thể vá trời lấp biểnThì đừng hòng dùng vĩ tuyến ngăn taBắc - Nam chung một mái nhàNam - Bắc chung một ngọn cờ vàng sao.

Một hình ảnh cứ ám ảnh người lính gác cầu Hiền Lương bao ngày là chiếc nón của người phụ nữ miền Nam xoay giữa dòng sông như nhớ thương, nhắc nhở, như nguyện thề với người nơi phương Bắc, dù hai người cách nhau có một con sông.

Hình tượng này đã lớn dần khi ông thai nghén đứa con tinh thần. Ấp ủ bao ngày ông đã sáng tác nên vở kịch thơ Chiếc nón trôi sông. Vở kịch với những câu thơ:

Cách một dòng sông mà đó đây thương nhớChung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa.

Chiếc cầu Hiền Lương vẫn là tâm điểm cảm xúc của người chiến sĩ công an vũ trang đa cảm và yêu văn nghệ. Ông viết những điều mà chính bản thân mình cũng như nhiều người trải nghiệm và xúc cảm về không gian ngăn cách:

Chiều nay ta đến Hiền LươngNhớ nhà ta gọi băng sông ơi đòTre làng đã thấy mờ xaTiếng ta gọi đó mà đò không sang.

Vở kịch đã tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng toàn quốc và đoạt huy chương vàng. Tiếp đó vào năm 1957, tiết mục này được diễn phục vụ đại hội văn nghệ toàn quốc ở Hà Nội.

Trong dịp này, một vinh dự lớn lao là tác giả đã được gặp Bác Hồ. Ông mang lời dặn dò của Bác theo suốt cuộc đời mình cho đến khi giã biệt trần gian cách đây gần ba năm.

jcaD4kTI.jpg
Một hình ảnh độc đáo: đoàn quân nhạc biểu diễn sáng 20-7-1964 (đúng 10 năm sau ngày ký kết Hiệp định Genève) bên cầu Hiền Lương. Họ vọng về bờ nam những giai điệu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Ảnh: tư liệu Đoàn nghi lễ quân đội

Với người ở lại

Khi vào làng Xuân Hòa hỏi nhà ông Liên, chúng tôi đã nghe vài người dân nói giống nhau: ”À, đó là nhà ông Tường (tên cha mẹ đặt cho ông Nguyễn Xuân Liên). Hôm ni có phải kỵ (giỗ) không mà chú hỏi thăm? Ông nớ sống hay lắm, nhiệt tình, vui vẻ nên bà con ai cũng thương”. Ấy là họ kể về ông Liên những năm tháng về hưu, sống với xóm làng.

Chúng tôi trò chuyện với bà Hoàng Thị Kim Hoa, vợ ông Nguyễn Xuân Liên, về những tháng ngày giới tuyến. Bà tỏ vẻ xúc động rồi đột nhiên vui lên khi kể về người chồng đã khuất: “Hồi đó ông đi suốt, có khi thứ bảy chủ nhật cũng không về. Tôi biết ông bận công tác, ông là người luôn đề cao nhiệm vụ mà” - bà Hoa móm mém nói.

Nghe hỏi lâu nay bà có ra lại cầu Hiền Lương không, bà bảo có, rồi nói thêm, ra đấy thấy bức phù điêu đắp nổi hình người ở di tích lại kêu lên sao giống chồng mình quá.

Còn bà Hường, con ông, thì bảo ba mình không nhớ ngày sinh nên khi làm lý lịch lấy ngày 2-9 làm sinh nhật vì cho rằng mình nên sinh theo ngày sinh đất nước.

Chúng tôi biết gia đình ông bà có duyên nợ sâu dày với một phần đời giới tuyến. Riêng ông đã có 14 năm công tác ở đây, cả một thời trai trẻ đã gửi lại nơi này.

Chẳng thế mà cả tên ba người con trai của ông đều liên quan mật thiết đến vĩ tuyến 17: Nguyễn Xuân Hải (Bến Hải), Nguyễn Xuân Hiền (Hiền Lương), Nguyễn Xuân Tùng (cửa Tùng).

Theo dòng câu chuyện, không ngờ bà Hường vừa kể về người bác ruột của mình vừa rơi nước mắt: “Anh biết không, ba tôi chỉ có một người anh ruột. Bác ấy ở lại quê bị chính quyền bắt ép làm ấp trưởng, cũng là muốn ly gián anh em. Bác tôi làm chiếu lệ vậy mà cũng mang họa.

Tết Mậu Thân 1968, trong cảnh hỗn loạn, bác tôi cũng bị người ta “xử lý” vì bị quy là ác ôn nợ máu. Tôi biết có người đem tình riêng vào giải quyết việc chung, làm bậy. Đến giờ cũng không ai biết bác tôi chết ở đâu, vào ngày nào, vì sao bị giết. Người chết mất xác, cũng không biết ngày mất để cúng giỗ. Mà ba tôi cũng chỉ có một người anh là bác, cứ mong nước nhà thống nhất để anh em sum họp sau 20 năm trời xa cách.

Nào ngờ... Ba tôi và cả nhà tôi đau chuyện này lắm, đau cho đến tận bây giờ. Nước nhà dù thế nào cũng cần phải hòa bình thống nhất, để đừng có thêm những bi kịch đau lòng như thế, bớt đi những nỗi đau từ trong mỗi gia đình, làng xóm”.

Cuộc đời ông Liên hình như duyên nợ với những cây cầu. Chúng tôi nhớ một bức ảnh được xem tại nhà ông chụp vào năm 2000. Hồi ấy Đà Nẵng khánh thành cầu Sông Hàn, ông Liên được mời dự vì cũng là người có nhiều năm tháng cống hiến cho thành phố với tư cách là một người lính sau ngày nước nhà thống nhất.

Chuyện một “anh hùng K.8”

Con số mất mát của những em bé vùng giới tuyến đi sơ tán theo diện K.8 ra Bắc có thể còn cao hơn nữa nếu không có hành động anh hùng của một chiến sĩ lái xe ngày ấy, anh Trần Chí Thành.

Đêm 2-9-1967, Trần Chí Thành được giao nhiệm vụ chỉ huy một đoàn xe 20 chiếc chở gần 1.000 học sinh tiếp tục hành trình ra Bắc.

Đoàn xe tắt đèn lặng lẽ rời Vĩnh Linh, vừa qua khỏi Dốc Sỏi thì bị chặn lại vì phía trước dân quân báo có bom nổ chậm. Đúng lúc đoàn xe đang xếp thành hàng dài trên đoạn đường hẹp thì đèn dù của máy bay Mỹ bung ra soi rõ mồn một, cùng lúc máy bay phản lực ào đến. Không kịp đắn đo, Trần Chí Thành bắc tay làm loa ra lệnh: “Đèn dù sắp tắt, tất cả quay xe về trú ẩn tại vùng đồi Vĩnh Chấp - Sen Thủy, tôi sẽ nghi binh chúng”. Đoàn xe hối hả quay đầu, còn ông nhảy lên xe chỉ huy (không chở người) nổ máy bật đèn pha nhằm hướng bắc phóng thẳng. Máy bay địch bám ngay theo xe. Tắt đèn chạy mò một đoạn rồi lại bật pha, bom đạn vây quanh nhưng cứ nghĩ bao giờ trúng đạn hẵng hay. Thấy đủ khoảng cách an toàn cho đoàn xe chở các cháu, anh tắt đèn, rẽ xe vào một đường nhánh. Chiếc xe bị rách tươm và anh cũng bị thương, nhưng 1.000 em nhỏ đã thoát khỏi tử thần.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Nhắn ai xin giữ câu nguyền...” Kỳ 2: Tấm bia tưởng niệm ở Vĩnh Hiền Kỳ 3: 4 anh em lưu lạc trên đất Bắc Kỳ 4: Dòng sông không đủ hai bờ Kỳ 5: Chuyến đi độc nhất vô nhị

___________

Kỳ tới: Những chiếc cầu trên sông Bến Hải

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên