Anh Nguyễn Viết Trung tại điểm hỗ trợ Nguyễn Oanh quận Gò Vấp - Ảnh: THU HIẾN
Dù công việc khá bận rộn nhưng anh Trung vẫn dành khoảng thời gian ngắn ngủi lúc nghỉ trưa để gặp chúng tôi. Vừa ăn phần cơm bụi mua ở lề đường, cứ vài muỗng cơm anh lại kiểm tra điện thoại. "Tắt điện thoại anh em Grab có cần gì lại không hỗ trợ được", anh Trung nói.
Biến cố bất ngờ ập đến
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, năm 11 tuổi anh Trung đã phải tự lập, bươn chải với cuộc sống rồi tự mình tốt nghiệp cao đẳng sư phạm chuyên ngành tiếng Anh. Anh dành dụm mở một công ty để làm ăn, đến tháng 8-2017, anh phải chịu một cú sốc lớn vì công ty phá sản, số tiền mà anh nợ gần nửa tỉ, không dừng lại ở đó mẹ anh lại phải nhập viện vì nhiễm độc máu.
Số tiền nợ quá lớn, cộng với chi phí nhập viện cho mẹ gần 20 triệu/ngày khiến anh không xoay sở kịp. Sau 10 ngày nằm viện mẹ anh mất. "Nếu không mạnh mẽ tôi không ở đây giờ này" - anh Trung trầm giọng.
Nhìn về phía cơn mưa nặng hạt, anh cho biết tháng 9 này là giỗ mẹ, tròn 2 năm từ ngày mẹ mất. Trở về với 2 bàn tay trắng, đang loay hoay tìm cho mình một công việc, vô tình một lần đi xe ôm công nghệ và nói chuyện với tài xế trên chuyến xe đó, anh quyết định chuyển qua chạy Grabbike để làm lại cuộc đời.
Tiền mua chiếc xe máy, rồi đóng chi phí anh phải đi vay mượn người thân bạn bè mới có. Chạy xe có công việc, thu nhập dần ổn định anh đã trả được bớt nợ.
Chúng tôi hỏi đã từng giúp đỡ bao nhiêu trường hợp, anh Trung mỉm cười: "Không nhớ nữa nhiều lắm, cứ thấy hoàn cảnh nào đáng thương là tôi lại huy động anh em trong nhóm giúp. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng an ủi cho anh em được phần nào".
Anh cũng thường xuyên nhắc nhở anh em rằng: "Nếu cảm thấy mệt mỏi và bế tắc, xin đừng vội buông tay, bỏ cuộc. Hãy nghỉ ngơi rồi tiếp tục đứng lên, còn đôi tay, sức khỏe và niềm tin là còn mọi thứ".
Nhóm trưởng, thủ lĩnh của anh em
Anh Trung nhớ về một trường hợp gần đây. Trưa ngày 23-8, anh đang chạy xe tại quận Gò Vấp thì thấy một bà cụ bán vé số nằm giữa trời nắng và co giật, sùi bọt mép. Anh nhanh chóng dừng xe lại rồi đỡ bà cụ ngồi vào một bóng mát ven đường.
Thấy vậy, nhiều người xung quanh liền đến giúp một tay, anh Trung báo lên công an phường gần đó để nhờ hỗ trợ. Một lúc sau bà cụ hồi tỉnh và cho biết mình mắc bệnh động kinh, bà cảm ơn anh Trung vì nếu chậm một chút bà có thể mất mạng.
Thấy trên tay bà có một sấp vé số gần 150 tờ, anh Trung cầm sấp vé số của bà cụ rao bán giúp, mọi người xung quanh cũng ủng hộ mua người 5 tờ, 10 tờ. Một lúc sau sấp vé số hết veo, bà cụ được công an đưa về phường đợi khỏe để đưa về nhà.
Anh kể có lần đang chở khách vào ban đêm đến Bình Chánh thì gặp một anh tài xế của nhóm khác đang lủng lốp xe giữa đường mà chưa thấy ai ứng cứu. Thấy đêm đường khuya vắng vẻ anh liền xin khách thông cảm chờ để giúp đồng nghiệp và khách vui vẻ đồng ý.
Đẩy xe đến chỗ sửa, anh tài xế kia cảm ơn và móc ví ra lấy 300.000 đồng coi như bù tiền công nhưng anh Trung chỉ cười và không nhận. "Hàng ngày chạy nhiều ngoài đường nắng, mưa chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương, tôi thấy bản thân mình còn may mắn lắm. Vì vậy nếu có thể giúp đỡ thì tôi không hề ngần ngại, một ngày nào đó mình cũng sẽ được giúp đỡ lại như vậy".
Anh Nguyễn Xuân Hoanh, một tài xế, cho biết trong cuộc sống hàng ngày anh Trung là người rất nhiệt tình, trung thực hay giúp đỡ người khác. "Nhiều lúc nửa đêm anh em có bị tai nạn gì Trung cũng nhanh chóng đến hỗ trợ anh em lắm!".
Anh Trung và các đồng nghiệp đến thăm và trao tiền cho một tài xế gặp nạn lúc đi làm, tại Bệnh viện Nhân Dân 115 - Ảnh: NVCC
Chúng tôi hỏi anh nghĩ mình sẽ nhận được gì khi giúp đỡ người khác? Anh nói anh tin rằng cứ cho đi sẽ nhận lại được, cứ mỗi lần làm được một việc tốt tâm trạng anh tốt lên nhiều lắm. Anh tin đó là món quà mà cuộc sống trao lại cho anh!
Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông
Chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc gửi bài vở qua email: chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn .
Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận